Mỹ được biết đến là nước có nền giáo dục tiên tiến bậc nhất thế giới, cũng là nơi có mức sống tương đối cao, lối sống tự do, tôn trọng nhân quyền. Thông tin về du học Mỹ trên báo chí và internet rất phong phú nên nhiều người nghĩ những thông tin này không còn xa lạ gì, nhưng thật ra không phải vậy.
Giấc mơ Mỹ – không chỉ có Ivy League
Giáo dục đại học Mỹ có truyền thống lâu đời nên khá rắc rối, thậm chí nhiều người Mỹ có thể còn chưa nắm được cặn kẽ. Ngọn nguồn của nó quay về đầu thế kỷ XVII, khi người Anh mở cuộc di cư lớn sang Tân thế giới, và cũng chính là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ngày nay. Lúc bấy giờ, nước Anh chỉ có hai trường nổi tiếng là Oxford và Cambridge, số lượng người Anh đạt trình độ đại học còn rất thấp. Khi sang Mỹ, họ có nhu cầu lớn trong việc mở ra các trường cao đẳng và đại học, điều đó đã xây nền móng cho ngôi trường nổi tiếng bậc nhất nước Mỹ – Harvard. Tiếp đó là ĐH Yale, nơi Tổng thống Bill Clinton từng theo học. Kế đến, các trường Brown, Columbia, Dartmouth, Princeton và Pennsylvania đều được xây dựng quanh quãng thời gian đó, tạo thành khối Ivy League lẫy lừng của giấc mơ Mỹ.
Khối Ivy League gồm toàn các trường tư, đây cũng là những trường danh tiếng nhất, lâu đời nhất và giàu nhất nước Mỹ. Mặc dù giàu như vậy, họ vẫn thu học phí rất cao. Kém tiếng hơn một chút là nhóm Ivy Plus (nhóm trường danh giá chỉ sau Ivy) như Stanford, Duke, Chicago và một số ít đại học khác. Tuy nhiên, bạn có biết các trường nhất nhì như vậy chỉ dừng lại khoảng con số 25 trên tổng số hàng ngàn đại học Mỹ? Ước mơ muốn đặt chân vào các giảng đường danh giá này là có thể hiểu được, nhưng cũng đừng quên rằng ở Mỹ còn có các đại học khác cũng rất tốt mà mức học phí lại dễ chịu hơn nhiều. “Trừ khi bạn muốn trở thành tổng thống Mỹ, mà dĩ nhiên là chẳng bao giờ xảy ra với du học sinh đâu, vậy thì hãy chọn trường học phù hợp nhất với điều kiện tài chính của bản thân”, theo giáo sư Reed Dasenbrock, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Hawaii ở Manoa.
Trường công cũng gồm nhiều loại
Đại học công lập ở Mỹ do từng bang quản lý, nhiều trường có chất lượng tốt. Chi phí trường công ở Mỹ luôn rẻ hơn trường tư. Các trường này gồm nhiều loại khác nhau, có thể dựa vào tên gọi để phân biệt. Chẳng hạn như University of Michigan là trường lớn của bang Michigan, đào tạo nhiều bậc học từ cử nhân đến tiến sĩ, trong khi Michigan State University có thể có hoặc không các chương trình cao học, tiến sĩ, số lượng ngành đào tạo cũng ít hơn. Ngoài ra, còn có một số trường được gọi là “đại học phương hướng”, chẳng hạn như Western Michigan University (Đại học phía Tây Michigan) hay Northern Michigan University (Đại học phía Bắc Michigan), các trường này thường có các ngành phục vụ nhu cầu nhân lực của địa phương.
Khá thú vị là khác với nhiều nước châu Âu, châu Á, đại học Mỹ thường đặt ở những thị trấn nhỏ, vùng ngoại ô thay vì trung tâm thành phố. Điều này do nhiều yếu tố lịch sử, nhưng cũng là do quan điểm của người Mỹ cho rằng sinh viên sẽ tập trung học tập hơn nếu không bị cuốn vào nhịp sống đô thị quá hối hả. Tuy vậy, cũng có những trường đại học đặt ngay tại đô thị, gọi là Urban University, thường dạy một số ngành trọng điểm của chính thành phố đó.
Theo GS Reed Dasenbrock, ở trình độ sau đại học, các trường thường có học bổng dành cho bậc tiến sĩ nhiều hơn là bậc cao học. Với bậc tiến sĩ, sinh viên nên nghiên cứu kỹ trường nào có ngành đào tạo phù hợp. Thường các trường lớn của mỗi bang (University of -) sẽ đem lại cho sinh viên nhiều lựa chọn hơn.
Aloha – chào mừng đến điểm du học tuyệt vời
Aloha là lời chào, lời tạm biệt và cũng có nghĩa là tình yêu trong tiếng Hawaii. Nhắc đến du học Mỹ, nhiều người sẽ không nghĩ đến Hawaii, bang thứ 50 gia nhập vào Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Thậm chí khi đã đến hòn đảo giữa Thái Bình Dương này, nhiều khách du lịch và sinh viên quốc tế đôi khi vẫn không tránh khỏi bỡ ngỡ vì từ khí hậu nhiệt đới, thời tiết, phong cách đến các món ăn, tiếng nói và màu da đều đậm nét châu Á. Đây hiện là sắc tộc chiếm tỷ lệ nhiều nhất ở Hawaii, đứng thứ hai là người da trắng, còn người thổ dân chiếm khoảng 10%.
Trước đây, người Nhật chiếm tỷ lệ cao do đợt di dân lớn từ cuối thế kỷ XIX. Hiện nay, người Philippines được thống kê là đông nhất trong nhóm dân gốc Á. Ngoài ra còn có người Hoa, Hàn, Việt… tạo sự đa dạng cho vùng đất này. Đại học Hawaii (University of Hawaii) theo đó cũng có thế mạnh ở đào tạo các ngành văn hóa và ngôn ngữ châu Á, với chất lượng vào bậc nhất nước Mỹ. GS Reed Dasenbrock gợi ý rằng bạn có thể đến Seoul để tìm hiểu Hàn Quốc, ghé thăm Tokyo để biết thêm văn hóa Nhật Bản. Nhưng đến với Hawaii, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều chủng tộc gốc Á khác nhau cùng hòa trộn ở tiểu bang giữa trùng khơi này.
Hawaii mến mộ khách thập phương với con người thân thiện, môi trường trong lành, những bãi biển và vũ điệu hula đầy quyến rũ. Hawaii cũng là điểm đến khá an toàn, dân số có tuổi thọ cao nhất nước Mỹ nhờ chất lượng sống tuyệt vời.
Chi phí sống ở Hawaii, nhất là thủ phủ Honohulu ở mức cao so với nhiều thành phố khác của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, giá cả ở đây vẫn thấp hơn New York gần 7% và San Francisco khoảng 3,5%. GS Reed Dasenbrock còn có chia sẻ thú vị rằng sinh viên quốc tế sẽ tiết kiệm đáng kể khoản phí mua quần áo mùa đông nhờ khí hậu mát mẻ, dễ chịu ở Hawaii.
Đại học Hawaii ở Manoa, vùng lân cận của thủ phủ Honohulu được đánh giá cao trong giáo dục các ngành công nghệ, kỹ thuật và y dược. Đây là điểm đến lý tưởng cho những ai đam mê các chuyên ngành thiên văn, hải dương học, điều trị ung thư,… cũng như các ngành về xã hội, nghiên cứu về châu Á như đã nói ở trên. ĐH Hawaii ở Manoa nằm trong Top 50 các trường công đầu tư chi phí lớn nhất cho nghiên cứu khoa học, theo đánh giá của National Science Foundation. Năm 2016, trường cũng đứng thứ 89 trong số các trường công lập Mỹ, theo xếp hạng của U.S. News & World Report.
Tiếng Anh vẫn quyết định thành bại khi du học
Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng, người từng hướng dẫn Tổng thống Obama khi tham quan chùa Ngọc Hoàng ở TP. Hồ Chí Minh, cho rằng Anh văn là trở ngại lớn nhất của du học sinh. Các bằng quốc tế như IELTS, TOEFL hiển nhiên là điều kiện cần, nhưng sinh viên quốc tế còn phải tự trang bị đủ vốn tiếng Anh học thuật. Các giáo sư giảng dạy và đưa ra giáo trình đều sử dụng ngôn ngữ hàn lâm. Nhiều người đạt số điểm cao trong các kỳ thi tín chỉ nhưng đôi khi vẫn rất vất vả, tốn nhiều tháng đầu để theo kịp việc học tập trong môi trường giáo dục Mỹ.
Tiếng Anh còn là điều kiện tiên quyết trong thảo luận nhóm, nếu không nghe kịp sẽ không thể đưa ra ý kiến, quan điểm của bản thân. Làm nhóm, tranh luận, phản biện đóng vai trò rất quan trọng khi học tập ở Hoa Kỳ. Sinh viên được theo sát bởi trợ giảng để đánh giá các tiêu chí về nội dung, ý tưởng, logic trong lập luận và nhiều yếu tố chi tiết khác. Nếu bị đánh giá thấp do thụ động, thiếu tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp thì sẽ rất khó khăn để xin học bổng.
Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng còn nói thêm các khó khăn về nơi ở, sinh hoạt, làm thêm,… sẽ được giải quyết ổn thỏa qua nhiều sự giúp đỡ của nhà trường, bạn bè, người quen. Tuy nhiên, ngoại ngữ thì không thể giỏi trong một sớm một chiều. Nhiều du học sinh Việt Nam chọn “vùng an toàn” với cộng đồng người Việt, từ quán ăn, đi đổ xăng đến luật sư cũng gặp toàn người Việt thì tiếng Anh không thể khá lên được. Hãy chủ động hơn, kết bạn với sinh viên từ các nước để rèn luyện ngoại ngữ và các kỹ năng khác.
- Bá Đạt – CVSEAS
Xem thêm:
“Săn” học bổng Mỹ cần một bài luận làm lay động lòng người
Du học Mỹ – cơ hội trải nghiệm đời sống sinh viên quốc tế phong phú