Với thông điệp “Trẻ – Hội nhập – Sáng tạo”, Triển lãm lưỡng niên – hay còn gọi là Biennale, một thuật ngữ quốc tế thông dụng – mỹ thuật trẻ lần IV-2017 đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 20-4 đến 30-4-2017). Đây là dịp giới trẻ tạo hình tại TP. Hồ Chí Minh “biểu dương lực lượng”, giới thiệu với công chúng những sáng tạo mới, như một cách đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội đối với những người trẻ hoạt động nghệ thuật.
Biennale mỹ thuật trẻ đầu tiên được Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức năm 2009, với mong muốn sinh hoạt này sẽ giúp tập hợp, phát hiện và nâng đỡ những người trẻ có nhiều khát vọng sáng tạo, qua đó phát huy phong cách cá nhân, cổ vũ những cách nhìn mới, những ý tưởng mới và cả những kỹ thuật mới. Lần ra mắt đầu tiên đó, quả thật Biennale đã thổi một luồng gió mới, tươi trẻ vào đời sống mỹ thuật thành phố. Hai kỳ tiếp nối năm 2011 và 2013 dù vậy đã không đem lại nhiều sự lạc quan, thế rồi có một sự đứt đoạn khi sinh hoạt mỹ thuật này không diễn ra năm 2015, đến năm 2017 mới được nối lại. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có kinh phí tổ chức (một con số không nhỏ trong khi thiếu nguồn tài trợ) và không tìm được mặt bằng thích hợp.
Với 145 tác phẩm của 107 nghệ sĩ trẻ được giới thiệu, Biennale lần IV được coi là một sự kiện nghệ thuật chào mừng kỷ niệm ngày đất nước thống nhất (30-4-1975 đến 30-4-2017). Năm nay Biennale đã mở rộng đối tượng tham dự, không còn giới hạn trong TP. Hồ Chí Minh, từ đó hội đồng nghệ thuật cũng là hội đồng chấm giải cũng được mở rộng với nhiều thành viên trẻ hơn; và dễ nhận thấy số đông tác giả chưa từng được biết đến trong các cuộc triển lãm trước đây. Dù là một cuộc hội tụ “thuần trẻ” song có rất ít các loại hình nghệ thuật đương đại tại Biennale này, thay vào đó hội họa giá vẽ vẫn chiếm số lượng lớn. Phải chăng những sắp đặt, trình diễn, video art… chưa thật sự đi vào đời sống mỹ thuật trẻ hay vì những lý do nào khác vẫn là một dấu hỏi. Trong khi các sự kiện mỹ thuật trẻ ở nhiều nước gần với chúng ta như Thái Lan, Indonesia luôn rất phong phú các tác phẩm đương đại.
Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cũng là trưởng ban tổ chức Biennale nhận định chất lượng tác phẩm được chọn triển lãm khá đồng đều song chưa có những đột phá được mong đợi. Còn theo họa sĩ Lê Xuân Chiểu, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, một nét đáng chú ý là Biennale năm nay có rất nhiều tranh sơn mài, nhiều bức kích thước lớn và rất lớn, cho thấy chất liệu tạo hình truyền thống Việt Nam được các bạn trẻ ưa thích. Đây còn là lần đầu tiên không gian tổ chức Biennale được đưa vào bảo tàng, các lần trước diễn ra tại Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, mà theo một thành viên ban tổ chức thì mặt bằng mới này tạo thuận lợi cho việc trưng bày tác phẩm hơn nhiều so với trước đây. Họa sĩ Uyên Huy cho biết từ trước tới nay, kinh phí để thực hiện các Biennale đều từ nguồn xã hội hóa, song để duy trì đều đặn từng hai năm cho sự kiện này là việc không dễ dàng gì. Ông kêu gọi các doanh nghiệp lớn, các nhà hảo tâm, các gallery… quan tâm và hỗ trợ tài chính để có thể nuôi dưỡng sinh hoạt này trong những năm kế tiếp. Ngay với Bảo tàng Mỹ thuật, ông cũng đề nghị nên có sự hỗ trợ về mặt bằng triển lãm cho các Biennale mỹ thuật trẻ về lâu dài.
– Tại Biennale 2017, có tranh, tượng, sắp đặt của nghệ sĩ trẻ ở 15 địa phương khác: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Phú Yên, Gia Lai, Bình Dương, Cần Thơ, Kiên Giang.
– Chất liệu tạo hình rất đa dạng; về hội họa và đồ họa có sơn dầu, acrylic, sơn mài, lụa, màu nước, bút chì trên vải, giấy dó, chất liệu tổng hợp, khắc kẽm, khắc gỗ; về điêu khắc có tượng đồng, sắt, gốm nung…
– Ban giám khảo trao 11 giải thưởng: một giải nhất (30 triệu đồng), hai giải nhì (20 triệu đồng/giải), ba giải ba (15 triệu đồng/giải) và năm giải khuyến khích (5 triệu đồng/giải).
- Phạm Đán Bình