“Vài năm trước, bước chân ra khỏi giường lúc 7 giờ sáng với tôi là một cực hình nhưng nay tôi luôn bắt đầu ngày mới từ lúc 4 giờ 50. Cách đây hai năm, tôi cảm thấy khó mà bơi được 100m nhưng nay, tôi bơi liên tục 2.000m trong 40 phút. Mới năm ngoái, tôi không nghĩ mình có thể thiền, nhưng nay, 30 phút thiền mỗi buổi sáng cho tôi sự sáng suốt, tập trung trong công việc. Chuyến trekking ở Bù Già Mập (Bình Phước) mới đây thì cho tôi thấy con vắt không đáng sợ như tôi tưởng tượng”. Đây là chia sẻ của anh Lê Thanh Nhàn, giám đốc điều hành hai công ty về xuất nhập khẩu hải sản đồng thời là thành viên ban điều hành của hai nhóm Quản trị và Khởi nghiệp (QTvKN) và Brand Walkers, chuyên về thương hiệu.
Đi để chiến thắng bản thân
Lê Thanh Nhàn cho biết, anh đã làm trong ngành xuất nhập khẩu thủy hải sản hơn 20 năm, bắt đầu khởi nghiệp hơn mười năm, kinh qua nhiều thất bại cũng như thành công nhưng với anh, chiến thắng bản thân mới là điều quan trọng nhất. Một trong những “chiến thắng” bản thân gần đây nhất của anh là anh vượt qua nỗi sợ… vắt rừng. Để vượt qua nó, anh quyết định tham gia đoàn trekking Bù Già Mập vào đầu tháng 4 vừa qua để đối mặt với nỗi sợ của mình thay vì chọn đi vào mùa khô như vài lần trước. “Sau ba ngày băng rừng lội suối, bị vắt cắn liên tục và không ít lần phải tự tay bắt những con vắt đeo bám trên người thì tôi thấy con vật ấy cũng… thường. Điều quan trọng là tôi đã dám đối diện và vượt qua nỗi sợ của chính mình”, anh Nhàn kể lại.
Thú trekking của Thanh Nhàn bắt nguồn từ sở thích đi du lịch bụi của hai vợ chồng anh. Trước đây, vợ chồng anh thường đưa hai con đi nghỉ mát ở những khu resort cao cấp bốn, năm lần mỗi năm. Sau một vài lần “phượt” đến những vùng đất thiên nhiên hoang sơ, vắng người, gia đình anh cảm thấy hứng thú hơn đi nghỉ dưỡng cao cấp nhiều. “Như chuyến đi đến đảo Nam Du cách đây không lâu, sống trong nhà của ngư dân, tắm ở bãi biển vắng người, nước trong veo là những trải nghiệm khó quên cho tất cả các thành viên. Đặc biệt là chúng tôi được theo ngư dân đi bắt cá đêm trước, rồi dùng cá đó để đánh bắt ốc hương vào sáng hôm sau. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời và các con tôi có những câu chuyện thú vị để kể lại cho bạn bè nghe sau chuyến đi”.
Trekking là một trong những chuyến du lịch không phải ai cũng có thể tham gia, đòi hỏi sức khỏe thể chất và khả năng ứng phó với khó khăn. Là người luyện tập thể thao lâu năm mà khi tham gia chuyến trekking cung đường Tà Năng – Phan Dũng, anh Nhàn cũng muốn… hết hơi.
Anh kể: “Cung đường thì quá đẹp nhưng quá nguy hiểm, đi bộ gần 50km trong khi balô trên vai nặng 12, 13kg đã là một thử thách lớn đối với tôi. Đường đi lại không bằng phẳng như tôi hình dung. Tôi theo đoàn trekking đi trên những con đường mòn, men theo những khu rừng thông, leo bức tường thẳng đứng để lên thác Yavly rồi băng qua những ngọn đồi cao hơn 1.000m, khi xuống dốc chỉ cần sơ sẩy một chút là trượt chân xuống vực sâu, có đêm phải băng rừng trong cơn mưa như trút nước, nước chảy siết trong suối sau mưa có thể cuốn trôi đoàn người bất cứ lúc nào…”. Qua chuyến trekking, anh Nhàn đã biết đến cảm giác đói, khát, lạnh, mệt mỏi, sợ hãi và kiệt sức chưa từng trải qua trước đó. Anh cũng tập trung hoàn toàn vào chuyến đi, hoàn toàn không bị vướng bận bởi công việc vì đây là khu vực không có sóng điện thoại, internet. Và anh đã có niềm hạnh phúc lớn khi chiến thắng tất cả để trở về an toàn. Thêm vào đó là niềm vui được nhân lên khi kết bạn được những người trẻ đầy quyết tâm và tinh thần đoàn kết đã giúp các thành viên hoàn thành cung đường.
Cải thiện cuộc sống nhờ thiền và thể thao
Với nụ cười tươi và phong thái nhẹ nhàng, anh Lê Thanh Nhàn trông bề ngoài trẻ hơn tuổi 44 của mình. Anh cho biết mình đã chơi cầu lông hơn 20 năm nay. Sáu tháng trước, trong một lần “cứu cầu”, anh bị chấn thương vai nên phải chuyển sang bơi và tập gym. Anh cho biết: “Cảm giác “sướng” trong thể thao khá đơn giản, đó là khi tự phá kỷ lục của chính mình, chẳng hạn như sáng nay tôi hoàn thành 2.000m bơi sải và 200m bơi bướm trong 60 phút, giảm so với tháng trước 10 phút. Với tôi, thắng người không vui bằng thắng chính mình”.
Cách đây hơn một năm, vợ anh tặng chồng cuốn sách “Tám phút thiền” của tác giả Victor Davich. Anh đọc và nhận ra thực hành thiền khá đơn giản nên bắt đầu bước vào thiền theo các bước hướng dẫn trong sách. “Những buổi đầu tiên, tôi tập ngồi thiền khoảng 5 phút, sau tăng lên 10 phút, rồi 15 phút… Đến nay, tôi đã có thói quen thiền 30 phút mỗi buổi sáng, cảm nhận hơi thở di chuyển trong cơ thể, tâm tĩnh và trí sáng hơn, không bị lạc lối vào những suy nghĩ chung quanh”, anh Thanh Nhàn cho biết.
Có thể nói, cuộc sống hiện đại khiến đầu óc chúng ta bị phân tán thường xuyên bởi rất nhiều vấn đề xung quanh. Những cuộc gọi, tin nhắn từ điện thoại, mạng xã hội cứ đến liên tục khiến chúng ta khó tập trung vào việc đang làm như việc chuyên môn, đọc sách, nghe nhạc, trò chuyện… “Thiền giúp tôi tập trung sự chú ý vào những việc bình thường nhất và có khả năng lấy lại sự tập trung ngay lập tức sau khi bị phân tán tư tưởng. Ngoài ra, thiền còn giúp tôi tỉnh trí và không còn dễ nổi nóng như trước”.
Cũng theo chia sẻ của anh Nhàn, thiền là một cách sống chậm để có thể đi nhanh trên con đường sự nghiệp. Thiền cho chúng ta sự tập trung vào cuộc sống ở thời điểm hiện tại (mindfullness). Khi ở trạng thái này, bạn sẽ biết cách tách biệt cảm xúc và lý trí để đánh giá sự vật, sự việc một cách khách quan, không phán xét tốt xấu. Đây là một cách giúp chúng ta không bị định kiến khi nhìn nhận về một sự việc hay đánh giá về một con người.
Thiền và luyện tập thể thao giúp anh Nhàn có một sức khỏe tốt cả về thể chất lẫn tinh thần. Anh cho biết, thói quen luyện tập mỗi buổi sáng giúp cho anh bắt đầu ngày mới bằng một sự sảng khoái, tỉnh táo. Nhiều ngày phải làm việc từ sáng đến 8, 9 giờ tối vẫn chưa “hết lửa”. Cơ thể của anh cũng thích nghi tốt hơn mỗi lần đi công tác, không bị xáo trộn nhịp sinh học khi di chuyển từ nước này sang nước khác (jeg lag).
Trong những buổi chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, anh cũng khuyến khích các bạn trẻ thiền và luyện tập thể thao. “Các bạn trẻ thường nói rằng họ không có thời gian hoặc không có động lực. Những lý do này theo tôi là không thuyết phục, ai cũng có thể dành thời gian và tạo động lực cho đam mê, sở thích của mình. Phần lớn chúng ta luôn phải đấu tranh với chính mình để có thể ra khỏi giường lúc sáng sớm, làm được điều này thì bạn sẽ có thời gian dành cho thể thao. Hãy luyện tập từng bước cho cơ thể làm quen với việc dậy sớm và nghĩ đến kết quả sẽ đạt được trong tương lai để làm động lực”, anh Thanh Nhàn nói.
- Thanh Nhã