Đúng 150 năm trước, đã có một vụ mua bán đất đai quy mô chưa từng thấy và sẽ không bao giờ tái lập. Theo hợp đồng giao dịch thương mại do Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ bấy giờ, William Seward, ký kết, Mỹ thanh toán ngay khoản tiền 7,2 triệu USD mua đứt lãnh thổ Alaska từ Nga. Thời đó, cuộc mua bán này được định danh là “Trò điên rồ của Seward”. Nay, Alaska là một chuỗi phát triển thần kỳ cả về tài sản kinh tế, văn hóa, môi trường, chiến lược. Thương vụ ấy còn thành công hơn nữa khi con người tiếp cận và khai thác Bắc cực.
Một trăm năm chiếm giữ Alaska, Nga chỉ thấy mối lợi trên biển, cùng lắm là khai thác lông thú, nhất là rái cá biển rất có giá. Nhưng việc chiếm giữ lại quá tốn kém, vượt quá khả năng kinh tế, quân sự, nhất là cuộc chiến tranh Crimea giữa năm 1850 tốn của, hao lực. Cuộc thương thảo tiến hành gấp rút để ngày 30-3-1867 Alaska về tay Mỹ với giá 2 xu một mẫu Anh (0,4ha).
Con số 7,2 triệu USD vào thời điểm năm 1867 tương đương 150 triệu USD theo thời giá hiện nay, không bằng ngân sách hằng năm của Ngân hàng Fairbanks cấp quận Alaska. Sự thành công của thương vụ đã được thấy ngay từ năm 1890, khi cư dân kéo đến khai thác tài nguyên gỗ, thủy sản và gây nên cơn sốt vàng. Thập niên 1950, 1960, tài nguyên khổng lồ dầu mỏ được khám phá, làm xương sống cho sự phát triển kinh tế hiện đại Mỹ. Ngày nay, sự phát triển của Alaska tạo thêm một nguồn thu nhập đáng kể – du lịch. Dầu mỏ dần dần rút khỏi nguồn thu nhập chính của nơi đây. Giảm khai thác tài nguyên khoáng sản còn để duy trì vẻ đẹp tự nhiên, hoang dã, tránh những tác động xấu tới đất đai, văn hóa địa phương – một tài nguyên vô giá thời nay.
- Lê Lành theo The Fairbanks Daily News Miner
Xem thêm: