Ngày xửa ngày xưa có một ngôi trường… Đó là ngôi trường duy nhất của tỉnh dành cho các em gái song song với ngôi trường dành cho các em trai. Đó là nơi các cô giáo mặc áo dài thật đẹp, mặt mày lúc nào cũng tươi rói để đón các học sinh bước vào cấp học đầu tiên, cấp tiểu học từ lớp năm đến lớp nhất (lớp một đến lớp năm ngày nay). Ngôi trường mang tên Trường Nữ Tiểu học Tỉnh lỵ Cần Thơ ấy có một cô hiệu trưởng tại chức suốt mấy mươi năm, bắt đầu từ khi cô tốt nghiệp Trường Áo Tím Sài Gòn.
Bây giờ thì ngôi trường trên trăm năm tuổi ấy đã hoàn toàn biến mất. Ngay chỗ trường cũ đã là một siêu thị Co.opmart ba tầng cao ngất, cửa mở ra bốn hướng, tấp nập người ra vào mua sắm. Có lẽ vì vậy mà tôi muốn nhớ về ngôi trường thuở vỡ lòng của mình, về mẹ tôi, người hiệu trưởng kỳ cựu nhất của trường như một chuyện đời xưa, thật đẹp đẽ, thật lãng mạn.
Trong lòng tôi, mẹ tôi lúc nào cũng là cô giáo, tuy tôi chưa được ngồi trong lớp của mẹ ngày nào. Bởi khi tôi bắt đầu cắp sách đến trường, mẹ tôi đã là hiệu trưởng của Trường Nữ Tỉnh lỵ này rồi. Ba tôi mất sớm, mẹ tôi gồng gánh cả gia đình. Mẹ tôi chăm chút việc học hành cho chị em tôi rất chu đáo, theo dõi thật kỹ tình hình học mỗi học kỳ. Nhưng tôi biết, ngôi trường mới chính là chốn yên ấm, là niềm vui của mẹ mình. Bây giờ, thỉnh thoảng nhắm mắt lại, tôi vẫn hình dung lại nét mặt nhẹ nhõm tươi cười của mẹ tôi khi ngồi hớp từng ngụm trà trong văn phòng hiệu trưởng, lúc nào cũng năm ba cô giáo chung quanh, có khi tôi lại thấy bà đang lui cui bên tấm bảng lớn trước cửa phòng, cài lên từng cái tên học trò được lên bảng danh dự trong tháng. Tôi thật tự hào về mẹ mình. Nhớ lại thì không chỉ lúc học ở trường tiểu học của mẹ tôi mà ngay cả lúc bước vào trung học, đến đâu tôi cũng được “ưu ái”, chăm sóc cẩn thận bởi tôi là “con của bà hiệu trưởng”. Đôi lúc, núp trong cái bóng quá lớn đó, tôi cũng gặp không ít phiền muộn, mệt mỏi.
Tôi vẫn nhớ như in cái ngày mẹ tôi dẫn tôi vào nhà tưởng niệm các thầy cô quá cố. Chả là cả ty giáo dục chỉ có một nhà tưởng niệm các thầy cô tiểu học đặt trong khuôn viên Trường Nữ Tỉnh lỵ nên mẹ tôi rất tự hào về nó. Lúc đó, vẻ mặt mẹ mới trang nghiêm, thành kính làm sao!
– Con nhìn đi. Đây là Niệm Sư Từ đó. Những người được nêu tên trên bảng đồng này là những người thầy được tôn vinh bởi cả đời gắn bó, tận tụy với nghề, với nghiệp.
Dù bà không nói ra, nhưng tôi biết bà đang nghĩ gì. Bà rất muốn tôi thi vào sư phạm, bởi làm cô giáo cuộc sống nhàn nhã, trong sạch, không phải bon chen, lại dễ giữ hạnh phúc gia đình…
Tôi biết vậy nên thấy áy náy trong lòng. Suốt đời mẹ tôi cũng gắn với nghề “Gõ đầu trẻ”, vậy mà hạnh phúc của mẹ mới ngắn ngủi làm sao. Có lẽ vì vậy mà tôi đã cố đi theo con đường dạy học, chỉ là cho mẹ tôi yên lòng. Sau này càng ngày tôi càng cảm nghiệm ra rằng những người phụ nữ giỏi giang, một mình chèo chống nuôi cả gia đình như mẹ tôi hạnh phúc mới hiếm hoi, ngắn ngủi làm sao! Hình như ngoài niềm vui trong công việc, ngoài những giây phút ngồi nhâm nhi tách trà trong phòng giáo viên cùng mấy cô giáo, mẹ tôi chẳng còn niềm vui nào nữa. Bởi ngay cả con cái như chúng tôi cũng toàn gây buồn phiền cho mẹ. Thân cò lặn lội, những người phụ nữ như mẹ tôi cứ lầm lũi đi, lầm lũi lo tròn trách nhiệm không một lời than vãn, oán trách dù cuộc đời có đa đoan, nhọc nhằn đến mấy.
Ngày mẹ tôi mất, các cô giáo tựu về rất đông, trong đó có rất nhiều lớp học trò cũ từ thời xưa xửa nào. Thấy những mái đầu muối tiêu hoặc bạc trắng khóc nức nở trước linh vị, tôi nhận ra rằng mình chưa hiểu hết về mẹ mình, về quãng đường đằng đẵng của người thầy, người mẹ mà mẹ tôi đã đi từng bước thật nhọc nhằn và thật toàn tâm.
Các cô giáo cũ đã trang trọng đặt trước ảnh mẹ tôi vòng hoa với dòng chữ “Trường Nữ Tiểu học Tỉnh lỵ thành kính phân ưu”. Dải băng làm tôi nghẹn ngào bởi ngôi trường đã mấy lần đổi tên, thay bảng hiệu rồi nhưng trong lòng các cô giáo ấy, mẹ tôi vẫn là hiệu trưởng của trường xưa.
Nay thì ngay cả ngôi trường cũ cũng không còn. Mỗi lần đạp xe ngang qua khu siêu thị cao ngất, tôi lại nhớ mẹ tôi đến quặn lòng. Chẳng biết ngôi nhà tưởng niệm các thầy cô quá vãng kia giờ đã trôi dạt về đâu, còn có ai đứng thắp nhang thành kính như mẹ con tôi ngày nào nữa không? May mà mẹ tôi đã về cõi vĩnh hằng nên không phải đau lòng trước cuộc “bể dâu” này. Tôi vẫn tự an ủi mình như vậy.
Tôi ra trường, may mắn được về dạy ở Trường Phan Thanh Giản (nay là THPT Châu Văn Liêm), ngôi trường cũ cổ kính, danh giá nhất thành phố Cần Thơ bên bờ sông Hậu mà tôi từng học hành và trải qua thời thanh xuân đẹp đẽ của thuở nào. Những ngày lễ nhà giáo, tôi lại dẫn học trò mình lên phòng truyền thống, thắp hương tưởng niệm các thầy cô quá vãng trước bàn thờ trên có chữ “Sư Đạo Tôn” còn tươi màu mực mà da diết nhớ đến một “Niệm Sư Từ” trong ngôi trường nữ tiểu học xưa. Chính tại đây, mỗi đầu năm học, các học trò mới vào cũng được các thầy cô đưa vào làm lễ ra mắt “Ân sư”, tiếp nối truyền thống “Tôn sư trọng đạo” sáng ngời của trường xưa.
Những lúc đó, tôi lại nhủ với lòng, nhất định sau này sẽ tiếp tục kể cho cháu chắt mình nghe rằng: Ngày xửa ngày xưa, trong ngôi trường tiểu học hơn trăm năm tuổi đã biến mất của thành phố này có một Niệm Sư Từ… Phải, trong lòng tôi mãi mãi còn đó hình ảnh mẹ tôi, người thầy đầu tiên của tôi, niệm sư từ của tôi…