Thứ Sáu cuối cùng trong tháng ở Nhật gọi là Thứ Sáu tiền thưởng (Premium Friday). Đây là cuộc vận động của chính phủ với các nhân viên công sở kiệt sức suốt tuần vì mải mê công việc. Ngày hôm đó, mới 15 giờ, các công sở inh ỏi tiếng chuông hối thúc mọi người nhanh chóng rời nơi làm việc để đi nghỉ, tiêu khiển. Người cầm đầu chính phủ cũng không ngoại lệ. Thủ tướng Shinzo Abe đi thiền ở một ngôi chùa ngoại ô Tokyo.
Một nhân viên xí nghiệp đồ uống Suntory cho biết: “Ở Nhật chúng tôi không có văn hóa đi nghỉ dài ngày. Chỉ cần nghỉ ngơi thật thoải mái một buổi chiều là sảng khoái lắm rồi”.
Mục tiêu của Thứ Sáu tiền thưởng là nhằm tạo sinh lực cho nền kinh tế tụt xuống hạng ba thế giới và thay đổi lối làm việc được đánh giá bằng giờ làm.
Các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội quảng cáo các dịch vụ cho Thứ Sáu tiền thưởng; những chuyến du ngoạn, tiệc tùng, tổ chức gặp mặt, hẹn hò, tầm soát sức khỏe…
Thế nhưng, chỉ 3% nhân viên Công ty văn hóa Tsutaya, trong tổng số 1.063 người được phỏng vấn hưởng ứng cuộc vận động này.
Nhưng phát ngôn viên công ty viễn thông khổng lồ SoftBank lại cho biết các nhân viên của họ nghỉ kéo dài mà không phải làm bù. Đến tháng Tư này, mỗi tháng họ còn được cấp 10.000 yen (83 USD) để nghỉ ngơi, tiêu pha.
Masanao Ueda, yếu nhân của Hiệp hội doanh nhân Kaidaren nói: “Người Nhật không có thói quen ngày nghỉ. Chúng tôi phải tạo điều kiện để họ được hưởng quyền lợi đó. Hy vọng kích thích tiêu dùng ngắn hạn bằng cách thay đổi lối suy nghĩ, lề lối làm việc”.
Giới hạn pháp lý làm việc ở Nhật là 40 giờ/tuần, nhưng nhân viên nhiều công ty có nguy cơ bị karoshi (kiệt sức vì làm việc quá giờ). Công ty quảng cáo Dentsu mang vết nhơ – nhân viên Matsuri Takahasi chết đúng ngày Noel 2015, vì làm việc tăng 130 giờ/tháng.
- Lê Lành theo Asahi Shimbun