Trong những ngày qua, Hy Lạp được các phương tiện truyền thông nhắc đến nhiều khi các chính phủ thuộc khu vực đồng euro (Eurozone) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chưa thống nhất được những biện pháp nhằm đưa nước này ra khỏi bờ vực khủng hoảng. IMF cho rằng Hy Lạp cần được kéo dài thời gian trả khoản nợ cao như núi trước khi những ngân khoản cứu trợ được tháo khoán tiếp. Trong khi đó, Eurozone đã chịu giảm lãi suất cho Hy Lạp, kéo dài thời gian trả nợ, song lại ngần ngại trong việc đi xa hơn. Nhiều nước thuộc khu vực đồng euro đang đối mặt với những vấn đề chính trị nội bộ trong việc quyết định miễn giảm nợ cho Hy Lạp. Một vài nước lại lo ngại rằng giảm nợ sẽ không tạo được áp lực buộc nước này phải hoàn tất những bước cải cách đầy khó khăn. Riêng Đức là nước giữ vai trò quan trọng ở Eurozone thì đang gặp sự bất đồng trong nội bộ chính phủ liên hiệp.
Trước câu hỏi liệu có phải cuộc khủng hoảng đang trở lại Hy Lạp, các nhà bình luận cho rằng nó không đến ngay, mà phải vào tháng Bảy năm nay – thời điểm nước này phải trả nợ cho cả hai khu vực công và tư, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Để hoàn thành việc này, Hy Lạp cần được cứu trợ tài chính lần thứ ba, khi mà chương trình cứu trợ của bộ ba “Troika” gồm IMF, Ủy ban châu Âu (EC) và ECB hoàn tất. Hiện nay chương trình này bị hoãn lại, do Hy Lạp không chứng tỏ được những tiến bộ trong kế hoạch cải cách để hướng tới một tăng trưởng kinh tế lâu dài và một nền tài chính công bền vững. IMF không đóng góp tài chính cho lần cứu trợ thứ ba, trong khi Eurozone cần đến sự hỗ trợ tích cực của tổ chức này. Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi nhiều nước châu Âu sẽ tổ chức bầu cử trong năm nay. Tại Pháp, Mặt trận Quốc gia của Marine Le Pen và đảng Tự do của Geert Wilder ở Hà Lan đều có ác cảm với Liên minh châu Âu (EU) và đều chỉ trích chương trình cứu trợ tài chính cho Hy Lạp, sự thắng cử của những đảng phái chính trị này sẽ càng làm cho Hy Lạp rơi vào khủng hoảng thêm.
- Lê Nguyễn theo BBC, Telagraph