Dòng thời sự chủ lưu tuần qua ghi nhận các dự án giao thông được triển khai trong tình hình kẹt xe ảnh hưởng đến dân sinh lẫn kinh tế. Thời gian qua, tình trạng ùn tắc giao thông ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất diễn biến rất phức tạp. Tình trạng kẹt xe không chỉ vào giờ cao điểm mà còn lan ra các cung giờ khác. Vào các dịp lễ tình trạng ùn tắc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đi lại của người dân cũng như sân bay Tân Sơn Nhất. Hai dự án xây dựng cầu vượt tại giao lộ Trường Sơn và vòng xoay Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn sẽ khởi công trong những tháng đầu năm 2017, kỳ vọng “giải cứu” giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất khỏi tình trạng này.
Theo thiết kế cầu vượt hình chữ Y, cho xe lưu thông theo hướng từ đường Trường Sơn vào nhà ga quốc tế dài 303,8m, nhánh cầu vào nhà ga quốc nội dài 153,8m. Cầu có tĩnh không 4,75m, mặt đường dưới cầu rộng 40m được tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu kết hợp với các đảo phân làn. Tổng mức đầu tư hơn 242 tỉ đồng.
Theo thiết kế cầu vượt bằng thép có dạng hình chữ N, bao gồm một cầu vượt hướng Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn dài hơn 367m, một cầu vượt hướng Nguyễn Kiệm – Hoàng Minh Giám dài hơn 367m và một cầu vượt từ đường Hoàng Minh Giám – Nguyễn Thái Sơn dài gần 363m.
Dự án còn cải tạo, mở rộng đường ra vào nút giao thông để đảm bảo cho xe thông thoát nhanh qua giao lộ; xây dựng hệ thống chiếu sáng sử dụng đèn led, trồng cây xanh… Tổng mức đầu tư công trình là 504 tỉ đồng.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, để giảm ùn tắc tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM sẽ triển khai sáu dự án với tổng vốn gần 1.400 tỉ đồng ngay trong năm 2017.
Trong đó hai dự án được làm theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng sẽ hoàn thành trong năm là: cầu vượt bằng thép tại nút giao thông Trường Sơn – đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài (quận Tân Bình) có kinh phí 242 tỉ đồng và cầu vượt tại vòng xoay nút giao thông Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp – quận Phú Nhuận) với kinh phí 504 tỉ đồng.
Cũng trong năm 2017, sẽ khởi công bốn dự án còn lại gồm: dự án mở rộng đường Hoàng Minh Giám – đoạn gần đường Phổ Quang (quận Phú Nhuận); mở rộng đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) – đoạn cạnh nút giao thông Lăng Cha Cả; đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) – đoạn từ Cộng Hòa vào sân bay và mở rộng đoạn đường Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình).
Không chỉ có các dự án giải tỏa áp lực kẹt xe cho TP.HCM, hai dự án đường cao tốc đi qua tỉnh Đồng Nai là Dầu Giây – Phan Thiết (100km) và Dầu Giây – Liên Khương (220km) dự kiến sẽ được khởi công trong năm 2017.
Việc xây dựng hai tuyến cao tốc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa giảm tải cho quốc lộ 20 và quốc lộ 1A, đồng thời, kết nối hoàn chỉnh với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Khi các tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ tạo ra sự liên kết thuận tiện giữa các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên với TP.HCM, tạo nên một vùng kinh tế phát triển.
Theo số liệu của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), năm 2016 có khoảng 30 triệu lượt xe đi các tuyến đường cao tốc do VEC đang quản lý trên cả nước, tăng 33% so với năm 2015; doanh thu thu phí vượt 21% kế hoạch năm, tăng 30,5% so với năm 2015.
Năm 2017, VEC dự báo lượng xe đi trên các tuyến cao tốc tăng 10% so với năm 2016. Số lượng xe đi đường cao tốc mỗi năm một tăng là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư rót vốn xây dựng các tuyến đường cao tốc.
Liên quan đến vấn đề đời sống người dân, Bộ Tài chính mới đây đã công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó đáng chú ý là khung thuế với xăng tăng từ 4.000-8.000 đồng/lít.
Góp ý về dự thảo này, Bộ Tư pháp nhận xét dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường còn sơ sài,… Báo cáo đánh giá tác động chưa nêu bật được nội dung của chính sách, không có đánh giá tác động định lượng mà chỉ sử dụng phương pháp định tính trong khi mức thuế bảo vệ môi trường lại tăng 2,5 lần so với quy định hiện hành.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Tài chính đánh giá tác động một cách cẩn trọng đối với các chính sách trong dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, đặc biệt là việc điều chỉnh khung thuế suất đối với nhóm hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn lên gấp đôi quy định hiện hành, tạo khoảng cách lớn giữa mức thuế tối thiểu và mức thuế tối đa.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng mức nâng thuế mà Bộ Tài chính đưa trong dự thảo là quá cao, nếu nâng thuế môi trường tiếp thì sẽ gây tác động liên hoàn đến kinh tế, tác động tới giá vận tải, giá cả hàng hóa, tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến lạm phát.
Năm 2017 Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát ở mức 4%, vì vậy việc tăng thuế có thể sẽ tác động không tốt đến chỉ tiêu này. Đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng là cách dễ nhất để thu ngân sách nhưng tác động tới lạm phát, ảnh hưởng đến cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam so với các nước khác. Cho nên cần hết sức thận trọng trong việc tăng thuế môi trường với xăng dầu.
Trên thực tế, ngày 1-5-2015, sau khi tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít, tiền thuế thu vào ngân sách tăng mạnh. Năm 2015, thuế bảo vệ môi trường thu về đã tăng gấp đôi so với năm 2014 đạt 27.030 tỉ đồng. Sang năm 2016, mức thu còn tăng mạnh, đạt 42.393 tỉ đồng và chiếm tỷ trọng khoảng 1,5 – 4,1% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã có văn bản góp ý với Bộ Tài chính, cho rằng về dài hạn việc nới khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là lợi bất cập hại.
Việc tăng thuế đối với xăng dầu nhằm bù vào khoản hụt thu từ các hiệp định thương mại sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Việc cắt giảm thuế quan từ các hiệp định thương mại có thể mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng mang lại lợi thế tương tự cho các doanh nghiệp ở quốc gia khác.
Nếu tăng thuế đối với xăng dầu để bù lại, thì vô hình trung, chính sách này khiến các doanh nghiệp Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài. Xăng dầu là chi phí đầu vào của nhiều ngành kinh tế, vì vậy nếu tăng sẽ tác động liên hoàn tới nền kinh tế, tăng lạm phát.
- Gia Minh
Xem thêm: