Bức tranh thiên nhiên khó quên
Trong mấy ngày ở đây, chúng tôi nghỉ tại một khách sạn thuộc địa giới của Đại Nghiên Trấn nhưng nằm ngoài khu phố cổ, nhà cao, đường rộng và sạch sẽ mang dáng dấp một khu đô thị mới. Dự báo thời tiết vùng cao nguyên những ngày này nắng mưa bất chợt, đến và đi rất nhanh nhưng may mắn, những ngày tham quan của chúng tôi đều đẹp trời, nắng chói lòa dù nhiệt độ chỉ khoảng 17 – 20oC.
Du khách chỉ cần mặc một chiếc áo khoác nhẹ là có thể ngồi phơi nắng trên quảng trường Tứ Phương ở trung tâm cổ trấn, ngắm dòng du khách đến từ khắp Á, Âu. Nhiều người hào hứng giao lưu với các nhóm sắc dân bản địa đang đàn hát, múa, thổi sáo trên đường phố. Mấy con ngựa gần đó mang đầy đủ yên cương, phủ thêm trên lưng tấm thảm sặc sỡ của người Tạng luôn sẵn sàng phục vụ những ai muốn dạo chơi.
Đại Nghiên Cổ Trấn tọa lạc trên triền dốc của những quả đồi nhỏ. Khi trời thật trong, đứng ở một vị trí cao, người ta có thể nhìn thấy rõ những đỉnh núi cao nhất của dãy Ngọc Long Tuyết Sơn. Hôm sau, khi đến công viên Hắc Long Đàm, trên nền của hồ nước lớn trong xanh lung linh in bóng cùng những cây cầu và vọng lâu, chúng tôi càng thấy Ngọc Long Tuyết Sơn thể hiện toàn mỹ vẻ đẹp hùng vĩ mà vẫn gần gũi với người dân bản địa.
- Xem thêm: Sức hút của Tam Á
Nơi nhân địa giao hòa
Nếu có ít nhất hai ngày ở Lệ Giang thì Hắc Long Đàm, Ngọc Long Tuyết Sơn và Ngọc Thủy Trại là những nơi du khách nên đến. Trời cao xanh, cây cỏ, hoa lá nổi bật lung linh soi bóng trên sông suối và đầm hồ. Con người và thiên nhiên hòa quyện trong khung cảnh còn mang vẻ hoang sơ trên thảo nguyên bao la, bên rừng cây ôm kín đến lưng chừng dãy Ngọc Long cao ngất gần sáu ngàn mét, tuyết phủ quanh năm đầy vẻ huyền bí và lôi cuốn.
Ở Ngọc Thủy Trại, đất tổ của người Na Xi, nơi đầu nguồn nước từ Ngọc Long chảy ra, cung cấp nước ngọt cho cả vùng, tôi được gặp gỡ, chuyện trò cùng cư dân bản địa. Dân tộc Na Xi, một trong ba dân tộc sinh sống lâu đời ở vùng đất này có quan niệm từ ngàn xưa rằng con người và thiên nhiên, kể từ dã thú, chim muông, động vật thủy sinh đến cây cỏ, đất đai, nguồn nước… đều có cùng một nguồn cội, dù sau này có dị biệt nhưng vẫn còn rất nhiều điểm tương đồng, cần phải chung sống, giữ gìn, bảo vệ lẫn nhau. Phương châm xử thế được khắc hẳn trên một tấm bia đá này quả là có nội dung rất gần với tiêu chí của những tuyên ngôn bảo vệ môi sinh trong thế giới đương đại.
Trên đường lên núi Ngọc Long, đoạn đầu chúng tôi ngồi xe, đoạn sau là cáp treo và đi bộ. Cảnh quan dọc đường vô cùng quyến rũ. Mây núi lúc dày như bông, lúc mỏng như sương khói, lúc tản xa để nắng ấm tỏa chiếu xua bớt cái lạnh. Càng lên cao nhiệt độ càng giảm rõ rệt.
Nhiều du khách không tính trước khi lên núi, phải thuê áo ấm ở các trạm nghỉ. Có ba đường cáp treo để lên những độ cao khác nhau tùy theo chọn lựa của du khách. Vì thời gian và sức khỏe, nhóm chúng tôi chỉ lên độ cao 3.800m với vé giá 180 tệ, thêm 5 tệ phí bảo hiểm.
Tam đạo trà
Bước qua cây cầu nhỏ bằng gỗ bắc ngang nhánh kênh, chúng tôi được cô Vạn Cúc, hướng dẫn viên người Na Xi đưa vào trà quán có tên Nhất Mễ Dương Quang. Quán không rộng nhưng ở vị trí thật gần gũi với thiên nhiên. Trước cửa là con kênh nối liền với sông Ngọc Hà, nước rất trong, chảy mạnh do có độ dốc.
Trên bờ, hàng liễu rủ từng chùm cành lá mềm mại nhẹ rung theo gió. Phía sau, qua khung cửa rộng có thể thấy thấp thoáng Ngọc Long Tuyết Sơn. Trên tường treo vài bức thư pháp chữ Hán và chữ Đông Ba, cổ tự của người Na Xi. Cũng như ở mọi ngôi nhà và đường phố tại Đại Lý và Lệ Giang, các giống hoa đủ sắc màu được cắm, trồng trong các loại bình, đĩa bằng gốm, thủy tinh, gỗ, mây tre…
Bàn ghế và đồ nội thất cũng như chính ngôi nhà tất thảy đều bằng gỗ và tre, hầu như không có đồ bằng kim loại. Trước cửa nhà cũng như trên các con phố của Đại Nghiên Cổ Trấn không thấy giăng ngang các đường dây điện và cáp viễn thông.
Nhất Mễ Dương Quang không có cao lương mỹ vị gì, thực đơn chỉ có thức uống và các món ăn nhẹ nhưng món nào cũng có cái tên khá dài liên quan đến các danh từ Long, Phượng, Nhật, Nguyệt, Xuân, Thu, Phong, Tuyết, Thiên, Địa… Cô Cúc gọi cho chúng tôi đặc sản Tam Đạo Trà. Tiếp viên bưng ra một khay khá lớn trên có bếp lò, ấm chén…
Chúng tôi thích thú chăm chú quan sát các động tác pha trà trong lúc chờ đợi những ngụm trà tuyết nổi tiếng của con đường buôn bán ngựa và trà từ hơn ngàn năm trước (Lệ Giang là điểm cung ứng trà của Mã Trà Cổ Đạo, con đường buôn bán ngựa và trà qua lại giữa Tứ Xuyên, Vân Nam và Tây Tạng ngày xưa).
Tiếp viên là cô Đoàn Ngọc Định, người dân tộc Bạch trong sắc phục truyền thống gồm hai màu chủ đạo là hồng, trắng với những đường chỉ thêu tinh xảo trên mũ và váy áo vừa pha trà vừa giải thích ý nghĩa trà đạo này. Sau khi hơ ấm trên lò than cho thật khô và nóng, cô bốc lá trà còn xanh bỏ vào ấm, lắc nhẹ trên lò rồi pha nước sôi vào.
- Xem thêm: 1.300 năm, Phượng Hoàng cổ trấn
Lúc ngả sang màu nâu vàng, trà tỏa hương thơm rất đặc trưng. Khi hết tiếng sủi nhẹ trong ấm, cô mới rót ra ly. Nhâm nhi từng ngụm trà thơm lừng màu đỏ sậm, tôi cảm nhận được mùi hương và vị chát của trà đọng lại rất lâu nơi đầu lưỡi.
Sau gần một buổi chồn chân dạo khắp bốn con phố chính của cổ trấn và những con hẻm dốc nhỏ được lát bằng những phiến đá xanh gần ngàn năm tuổi, được cùng giao lưu với người dân bản địa bên ấm trà tinh túy, chúng tôi ai nấy đều cảm thấy thật sảng khoái.
Cô Định cho biết vì thời gian không có nhiều nên màn thưởng trà vừa rồi chỉ là “tóm tắt”. Đúng ra, Tam Đạo Trà phải có đủ ba công đoạn tương ứng với cuộc đời mỗi người. Pha lần đầu – nhất đạo trà thì dùng trà đắng để tượng trưng cho đắng cay, gian khó trong bước đầu sự nghiệp của đời người. Pha lần hai – nhị đạo trà sẽ dùng trà làm từ đường thủ công, sữa, nhân bồ đào… như lúc thụ hưởng thành quả hạnh phúc, ngọt ngào sau những lao động nhọc nhằn.
Pha lần ba – tam đạo trà thì thưởng trà cùng với mật ong, quế, gừng, cam thảo, tiêu… là những thảo dược có lợi cho sức khỏe, giúp phục hồi thể chất và tinh thần, vừa thơm, ngọt, đắng, cay vừa tê tê đầu lưỡi. Khách thưởng ngoạn vừa nhấp trà vừa suy ngẫm, chiêm nghiệm như tất cả mọi người lúc hưởng tuổi già…
Tạm biệt Lệ Giang, nơi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1997, chúng tôi đã hẹn cùng hai cô Cúc và Định ngày tái ngộ trong một không gian nghệ thuật truyền thống trọn vẹn của Tam Đạo Trà.