Từ sân bay Tân Sơn Nhất, máy bay của Hãng hàng không Tứ Xuyên đưa chúng tôi đến sân bay Phượng Hoàng trên đảo Hải Nam theo hành trình mới vì đường bay thẳng TP. Hồ Chí Minh – Tam Á mới được khai trương. Chỉ mất 90 phút bay và không phải mất thời gian quá cảnh dài năm giờ như trước, chúng tôi đã tiếp cận được một thành phố đang trở thành điểm đến mới trong bản đồ du lịch quốc tế.
Sau khi rời sân bay Phượng Hoàng, chúng tôi đi tiếp khoảng hơn hai chục cây số để đến Tam Á, nơi có bờ biển bao quanh và nhờ khí hậu gió mùa, nhiệt độ quanh năm từ 16 đến 29oC, gần như không có mùa đông. Sải bước trên bờ biển thoai thoải, chúng tôi cảm nhận khung cảnh trời xanh, nước biếc trong tiết trời mát mẻ hơn mùa hè ở Việt Nam. Xem ra Tam Á có một sức hút riêng như đúng tên gọi “Hawaii phương Đông”.
Chúng tôi theo hành trình đến thị trấn Hưng Long cách Tam Á hơn trăm cây số. Hai bên đường ngút ngàn những rừng dừa rợp bóng. Anh hướng dẫn viên cho biết rằng dừa là loài cây đặc trưng của hòn đảo này. Khi những Hoa kiều hồi hương về Hưng Long, nhà nước Trung Quốc đã ủng hộ họ tập trung xây dựng nông lâm nghiệp. Vì thế, nơi đây dành rất nhiều đất để trồng và nghiên cứu các cây thuốc và hiện đang nằm trong nhóm những khu vực trồng cây thuốc lớn nhất của Trung Quốc. Điều đặc biệt là hoa quả nơi đây có vị ngon ngọt hơn vùng khác. Người dân bản địa cũng có làn da mịn màng, đẹp hơn do tắm ở nguồn nước suối khoáng nóng.
Thị trấn Hưng Long nhỏ, dân số chưa đến 50 ngàn người nhưng cơ sở hạ tầng khá hiện đại với nhiều khách sạn năm sao để thường xuyên phục vụ du khách tứ phương cũng khoảng 50 ngàn người. Đến đây, gặp và trò chuyện với người dân nói được tới năm, sáu thứ tiếng là điều bình thường. Khách du lịch thường nán lại đêm ở Hưng Long để thưởng thức chương trình biểu diễn độc đáo của những người chuyển giới đến từ Thái Lan. Đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình tham quan vườn bách thảo Nam Dược Hưng Long – nơi có nhiều loại cây đặc sản như cà phê, cacao, chè, các loại cây dược liệu miền nhiệt đới và chiêm ngưỡng bức tượng bậc thầy Đông y Trần Vỹ Bình, người đã để lại nhiều công trình nghiên cứu cây thuốc quý giá.
Ngày thứ hai, cả đoàn rời thị trấn nhỏ đến với làng văn hóa của hai dân tộc Lê và Miêu. Lê là dân tộc thiểu sốở sâu trong núi, theo chế độ mẫu hệ. Trẻ em ở đây khi 6 tuổi được xăm hình ở cổ chân với hoa văn đặc trưng riêng của từng gia đình. Trai gái có cùng hình xăm sau này sẽ không được lấy nhau. Người Lê còn có phong tục chúc phúc khá thú vị là cứ mỗi khi khách bước qua ngưỡng cửa thì hai cô gái đẹp sẽ kéo tai khách. Đáp lại, khách cảm ơn bằng cách giơ cao ngón tay cái lên. Còn dân tộc Miêu thì thu hút sự chú ý của du khách bằng cách treo đầu trâu ở cửa ngõ. Nhà nào càng giàu có, được mọi người nể trọng thì càng treo nhiều đầu trâu.
Công viên Lộc Hồi Đầu là điểm đến kế tiếp của chúng tôi. Nơi đây lưu truyền câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp của một chàng thợ săn. Khi đuổi sát một con hươu từ ngọn núi đến vách đá cạnh biển sâu, anh ta giương cung chuẩn bị bắn thì con hươu xoay đầu lại sau một ánh chớp, con hươu bỗng biến thành cô gái đẹp người Lê. Từ đó tình yêu của họ đơm hoa kết trái… Nhiều cặp đôi thích leo lên đỉnh để ngắm bình minh và hoàng hôn, chụp ảnh với bức tượng cặp tình nhân và con hươu đang quay đầu. Từ đỉnh núi này có thể ngắm toàn cảnh thành phố Tam Á với những tòa nhà chọc trời, nhiều đại lộ thênh thang và tàu thuyền đánh cá trên vịnh nước bình yên. Ngoài ra, Tam Á còn mời chào du khách đến với khu du lịch Đại Đông Hải, nơi mọi người có thể thỉnh phúc bằng cách tắm hoặc mang một ít nước biển may mắn về nhà…
Tối đến, chúng tôi ghé công viên Thiên Cổ Tình để xem buổi biểu diễn nghệ thuật “Tam Á thiên cổ tình” với giá vé khoảng 1 triệu đồng (280 tệ). Đây là một trong những vở diễn nổi tiếng thế giới với sáu tiết mục kéo dài hơn một giờ nhằm tái hiện lịch sử hình thành, quá trình phát triển cùng những giai thoại nổi tiếng của Tam Á. Dàn diễn viên tài sắc kết hợp cùng hệ thống âm thanh, ánh sáng dưới sự dàn dựng sân khấu hiện đại hoành tráng của đạo diễn Vương Hiểu Linh khiến người xem không khỏi trầm trồ và vỗ tay tán thưởng liên hồi lan rộng…
Trước khi kết thúc hành trình, anh hướng dẫn viên hỏi chúng tôi đã nghe câu chúc “Phúc như Đông Hải, thọ tỉ Nam Sơn” chưa. Nghe thì quen đấy, nhưng không ai hiểu rành rọt. Hóa ra Nam Sơn chính là một địa danh nổi tiếng nằm cách thành phố Tam Á khoảng bốn chục cây số về phía tây. Khu du lịch sinh thái văn hóa đó chính là điểm đến cuối cùng trong chuyến đi của chúng tôi. Từ ngọn Nam Sơn cao 478m, vùng đất này trải dài đến ven biển và gắn liền với một chữ Thọ. Nam Sơn xưa nay được gọi là nơi “phúc trạch cát tường”. Có cây tùng được xưng danh là “Nam Sơn bất lão thụ” với tuổi đời đã mấy nghìn năm. Nổi bật nhất là tượng đài Nam Hải Quan Âm cao 108m, có ba mặt, ba tư thế nhìn ra ba hướng trông thật uy nghi, đường bệ.
Tam Á quả là hòn đảo có nhiều danh lam thắng cảnh đặc biệt và nhiều điều kỳ thú. Hẳn thành phố này sẽ còn thu hút được thêm nhiều du khách bốn phương đến tham quan và nghỉ dưỡng.
Với bề dày kinh nghiệm trong việc tổ chức thành công các chuyến bay charter trong và ngoài nước tiết kiệm chi phí, thời gian, dịch vụ tốt và khởi hành đúng kế hoạch, Vietravel triển khai chương trình thuê bao nguyên chuyến khởi hành từ TP. Hồ Chí Minh đi Tam Á. Với chuyến bay charter mới này, du khách sẽ có thêm điểm đến mới hấp dẫn trong dịp hè 2016. Các chuyến bay đến Tam Á khởi hành vào thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hằng tuần với giá từ 8,39 triệu đồng/khách.