Cuộc triển lãm của nữ họa sĩ Carmen Herrera với tên gọi “Carmen Herrera: những đường nét thấu thị” (Carmen Herrera: lines of sight) sẽ kết thúc vào tuần đầu tiên của năm mới 2017, sau nhiều tháng diễn ra tại một trong những địa chỉ mỹ thuật hàng đầu ở New York: Bảo tàng Whitney. Và như vậy, với 101 năm tuổi thọ, Carmen Herrera là một trong vài tác giả mỹ thuật cao niên nhất vẫn còn sáng tác và triển lãm(*). Chính vì thế tạp chí online Artsy đã chọn bà là một trong những họa sĩ đương thời có ảnh hưởng nhất trong năm 2016.
Theo báo New York Times, cuối cùng thì Carmen Herrera cũng được công nhận là một trong những nghệ sĩ tiên phong của hội họa trừu tượng thế kỷ XX qua các tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Whitney. Triển lãm còn là một cuộc khảo sát về cuộc đời sáng tác dài lâu và không ngừng của Carmen Herrera, kể từ khi bà rời quê nhà là thủ đô Havana của đảo quốc Cuba để sang New York định cư vào năm 1954. “Carmen Herrera: những đường nét thấu thị” giới thiệu với công chúng những tác phẩm đã hình thành nên nghệ thuật của bà, đó là thời kỳ đầu tiên trong sự nghiệp của nữ nghệ sĩ: những năm 1948-1978, nhiều bức tranh được vẽ trong ba thập niên đó chưa từng được biết đến vì Carmen Herrera gần như kẻ vô danh trong thế giới nghệ thuật rộng lớn của New York, không được báo chí nhắc tới dòng nào dù đã từng có tranh triển lãm. Nhưng bà cứ vẽ và vẽ trong cảnh sống khó khăn, cô độc và mãi tới năm 2004, khi đã ở tuổi 89 thì mới bán được bức tranh đầu tiên mà người mua tranh là chủ tịch danh dự của Bảo tàng MoMA. Ông đã tặng bức tranh cho MoMa, cũng nhờ đó mà Carmen Herrera mới dần dà thoát khỏi bóng tối đã vây bủa bà suốt hơn 60 năm.
Năm 2008, triển lãm cá nhân đầu tiên của Carmen Herrera được tổ chức tại Bảo tàng tư nhân El Museo del Barrio ở New York, sau đó là triển lãm vinh danh sự nghiệp nghệ thuật của bà tại gallery Ikon ở Birmingham (Anh) và tại Bảo tàng Pfalzgalerie ở Kaiserslautern (Đức) năm 2010. Đầu năm 2016, gallery Lisson ở New York tổ chức triển lãm quy mô lớn “Carmen Herrera: không có gì thêm, không có gì ít hơn” (Carmen Herrera: nothing more, nothing less) kéo dài gần nửa năm, như một cách đền bù và chuộc lại lỗi lầm với một tài năng đã bị quên lãng trong nhiều thập niên. Thật đáng ngạc nhiên khi mà tranh của bà từng được trưng bày cũng tại Bảo tàng Whitney vào năm 1959, bên cạnh những nghệ sĩ tạo hình đã thành danh như Ellsworth Kelly, Jo Baer, Jasper Johns, John McLaughlin trong một triển lãm có tên “Thật khó để thấy nước Mỹ”. Quả là thật khó để nhìn thấy một tài năng như Carmen Herrera!
Trên tạp chí mỹ thuật Modern Painters số tháng 5-2016, Scott Indrisek kể rằng ông đã gặp Carmen Herrera trong căn hộ cũng là studio của bà ở Gramercy Park, nơi Carmen Herrera đã sống và sáng tác từ năm 1967. Khi được hỏi bà có bận tâm đến việc đã bị quên lãng suốt nhiều năm, nữ họa sĩ đã trả lời ngay: “Bận tâm chứ, rất nhiều là đằng khác” và còn khôi hài cho rằng phải chăng bà không được chú ý vì là phụ nữ. Thật ra, ngoài sự phân biệt đối xử có thật về mặt giới tính lúc ấy, theo chủ nhân cũng là giám tuyển nghệ thuật của gallery Lisson là ông Alex Logsdail, đã có những trở ngại “hết sức phức tạp” đối với một người Mỹ gốc Cuba vào thập niên 1960 và những năm trước đó. Cũng theo Alex Logsdail, sự hồi sinh của Carmen Herrera và nghệ thuật của bà chỉ diễn ra những thập niên sau này, khi mà có nhu cầu về hội họa trừu tượng châu Mỹ Latin của các bảo tàng và gallery cũng như của các nhà sưu tập.
Điều đáng ngạc nhiên là đã quá tuổi trăm năm song nghệ thuật của Carmen Herrera không già nua theo tháng năm. Tiến trình nghệ thuật của bà vẫn biến đổi không ngừng kể từ khi Carmen Herrera tìm thấy con đường của riêng mình – trừu tượng cực thiểu – vào giữa thế kỷ XX. Đó là nhờ bà không ngừng làm việc, cách làm việc được chuẩn bịchu đáo vào mỗi sáng. Bà phác họa, tìm màu sắc thích hợp trước khi thực hiện tác phẩm. “Mọi thứ được hoạch định cẩn thận, và việc vẽ tranh không phải là phần hệ trọng nhất đối với Carmen Herrera. Hình ảnh hoàn thiện của tác phẩm đã được bà trau chuốt và xác định trên cơ sở của phác thảo, sau đó là vẽ nét và rồi thể hiện trên giấy”, ông Alex Logsdail mô tả quá trình thực hiện một tác phẩm của nữ họa sĩ. Chỉ khi làm những bức tranh kích thước lớn, Carmen Herrera mới cần tới sự giúp sức của Tony Bechara, người bạn thân cũng là trợ thủ của bà.
Tranh trưng bày tại gallery Lisson là những sáng tác mới của Carmen Herrera được bà vẽ từ năm 2014 đến gần đây; những tác phẩm khổ lớn, một số bức là tranh bộ ba (triptych). Khác với những yếu tố tạo hình đông đặc thường thấy trong tranh bà, ở loạt tranh mới nhất của mình, Carmen Herrera mở ra những khoảng trống đầy sức thu hút. Còn ở Bảo tàng Whitney là một hành trình về với quá khứ của nữ nghệ sĩ. Dana Miller, giám tuyển của triển lãm “Carmen Herrera: những đường nét thấu thị” cho rằng cuộc triển lãm “hết sức có ý nghĩa với Carmen Herrera, thế nhưng bà chỉ muốn được ngồi một mình để vẽ. Quả là ngộ nghĩnh khi mà Carmen thật sự muốn được nhìn nhận từ đồng nghiệp, từ các nhà phê bình và công chúng, thế nhưng tôi không nghĩ rằng bà thích nổi danh. Bà muốn tác phẩm của mình được đánh giá đúng mức và được định giá ngang bằng với tranh của bất kỳ tác giả nam giới nào, và không phải là người nhập cư. Bà cũng không muốn được biết đến như là một họa sĩ Cuba, một nữ họa sĩ hay một họa sĩ cao niên”.
Từ chỗ bị lãng quên, bị khước từ cho tới ngày đạt được vinh quang nghề nghiệp là một thời gian quá dài với đời người.Trong những năm tháng ấy, Carmen Herrera vẫn lặng lẽ làm việc dù tranh cứ chất chồng trong căn hộ. Thế nhưng, nói như một nhà phê bình thì nữ họa sĩ “luôn cảm nhận được sự tự do đi cùng với sự cố tình không được thừa nhận; bà đã được tự do theo đuổi nghệ thuật của mình, không cần đến sự hài lòng của bất kỳ ai ngoài chính mình”.
(*) Trước Carmen Herrera, có nữ họa sĩ Margareta Wechsler “Medi” Dinu (1909-2016), người Romania gốc Do Thái đã sáng tác từ năm 1940 cho đến những năm trước khi bà mất tại Bucharest, thọ 107 tuổi. Nhưng kỷ lục về trường thọ song vẫn hoạt động nghệ thuật là họa sĩ người Mỹ Alphaeus Philemon Cole (1876-1988). Trước khi ông mất, thọ 112 tuổi, Alphaeus là họa sĩ cao niên nhất vẫn sáng tác: ông vẫn vẽ và triển lãm khi đã 103 tuổi! Tranh của ông hiện được trưng bày tại Bảo tàng chân dung quốc gia ở London và tại Bảo tàng Brooklyn ở
New York.