Bất kỳ ngành kinh doanh nào, tại một thị trường nào, nhất là khi còn mới, đều có những thử thách riêng. Việt Nam, một thị trường đang phát triển, chập chững hội nhập vào kinh tế thế giới, không phải là ngoại lệ.
Song song với tiềm năng thị trường là những thử thách chung của một thị trường đang phát triển, cộng với những thử thách riêng của đặc điểm thị trường và nền kinh tế. Chiến lược phát triển của doanh nghiệp nhượng quyền tại Việt Nam, do đó, cần được xây dựng dựa trên sự cân bằng cơ hội, thử thách bên ngoài với nguồn lực và năng lực bên trong.
Nhượng quyền mới nhen nhóm tại nước ta khoảng năm 2006-2007 sau khi luật thương mại 2005 có hiệu lực và thực sự sôi động từ những năm 2010-2011 khi nhiều thương hiệu quốc tế lớn thâm nhập thị trường. Sự xuất hiện của những đại gia nhượng quyền như Burger King (2011), Starbucks (2013), McDonald’s (2014) trở thành những cột mốc đánh dấu sự hình thành của thị trường nhượng quyền trong nước.
Tuy nhiên, tất cả chỉ là sự khởi đầu. Thị trường nhượng quyền vẫn còn vô cùng non nớt, cùng với đó là một loạt thử thách đối với doanh nghiệp nhượng quyền, như hiểu biết và kinh nghiệm chuyên ngành, quy mô thị trường, tốc độ phát triển cơ sở vật chất phục vụ thương mại, phục vụ ngành bán lẻ, nguồn nhân sự có kỹ năng và chuyên ngành, chuỗi cung ứng phục vụ ngành nhượng quyền và bán lẻ, nền tảng pháp lý hỗ trợ ngành nhượng quyền và bán lẻ, cuối cùng là hỗ trợ của chính phủ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, sự tác động từ môi trường bên ngoài đến cơ hội phát triển nhượng quyền thì tại bất kỳ thị trường mới nổi nào cũng giống nhau. Doanh nghiệp Việt không thể vì những trở lực bên ngoài này mà bỏ qua ý định xây dựng những mô hình và thương hiệu nhượng quyền “made in Vietnam” có tiềm năng và cơ hội.
Về năng lực bên trong, với ngành nhượng quyền có đòi hỏi rất cao về hệ thống và tính chuẩn mực, có bốn thử thách cơ bản mà doanh nghiệp cần vượt qua để phát triển.
Nếp suy nghĩ
Do tính chất phát triển của nền kinh tế tư nhân tại nước ta, tầm nhìn và nếp suy nghĩ dài hạn là hàng hiếm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có thể nói trong thời kỳ nền kinh tế còn non nớt, khi kinh doanh là một ý niệm còn tranh tối tranh sáng, khi nếp suy nghĩ ngắn hạn “thà lấy một đồng hôm nay còn hơn mười đồng ngày mai” đã ăn sâu vào tiềm thức, vô hình trung có thể kiểm soát hoặc chi phối mọi quyết định của doanh nghiệp.
Nếu chọn mô hình phát triển nhượng quyền, một hệ thống yêu cầu tính minh bạch, cam kết đầu tư và hỗ trợ dài hạn, liệu doanh nghiệp Việt có vượt qua được trở ngại lớn nhất này? Thay đổi bao giờ cũng bắt đầu từ nếp suy nghĩ. Nếu tất cả mọi thứ giữ nguyên nhưng có sự thay đổi về tư tưởng và suy nghĩ, doanh nghiệp đã có thể giải quyết ngay được 50% vấn đề nền tảng thành công.
Từ ngắn hạn sang dài hạn, từ tranh thủ sang đầu tư, hành trình thay đổi có thể là tích tắc, cũng có thể là vô tận. Nếu không thể vượt qua cửa ải này, nhượng quyền chỉ nên được nhắc đến như một giấc mơ đẹp. Doanh nghiệp vẫn có thể thành công trong thời gian đầu hoạt động nếu không tích cực thay đổi, nhưng sớm muộn gì nếp suy nghĩ ngắn hạn này cũng sẽ dừng chân tại bờ vực của sự khủng hoảng.
Hiểu biết và kinh nghiệm chuyên ngành
Từ một thị trường nhượng quyền còn rất non nớt, chúng ta sẽ mất một thời gian trải nghiệm để có thể học hỏi cách làm và kinh nghiệm của những thương hiệu nước ngoài, bắt đầu từ việc mua nhượng quyền các thương hiệu nước ngoài sẵn có. Ngay cả đối với các thương hiệu nước ngoài nhượng quyền vào nước ta, ba năm đầu vẫn còn là thời gian thử nghiệm, điều chỉnh, chuẩn bị nền tảng trước khi thật sự bước vào giai đoạn phát triển.
Do đó, mọi đối tác tham gia vào chuỗi giá trị nhượng quyền – nhà cung cấp, doanh nghiệp vận hành, doanh nghiệp nhượng quyền, đối tác nhận quyền – đều đang vận hành trong chế độ thử nghiệm, sẽ trưởng thành dần cùng với thời gian phát triển của thị trường.
Như vậy, để có thể chuẩn bị nền tảng phát triển thương hiệu nhượng quyền nội địa, doanh nghiệp Việt có hai lựa chọn trong việc nâng cao hiểu biết và kinh nghiệm trong ngành: mua giấy phép nhượng quyền và vận hành một mô hình nhượng quyền nước ngoài tại Việt Nam để học hỏi kiến thức và kinh nghiệm, từ đó áp dụng vào việc xây dựng thương hiệu và mô hình nhượng quyền cho thương hiệu nội địa mà mình đang sở hữu, hoặc sử dụng các chuyên gia tư vấn chuyên ngành.
Đây là lựa chọn nhanh và dễ dàng nhất. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý đánh giá thật kỹ chuyên viên tư vấn trước khi tiến hành. Tại nước ta, chuyên gia trong ngành nhượng quyền khá ít ỏi, số lượng người có trải nghiệm trong ngành và thời gian trải nghiệm không nhiều. Chuyên gia tư vấn nước ngoài tham gia vào thị trường nước ta 90% là các công ty môi giới mua bán nhượng quyền.
Nguồn lực đầu tư
Nếu chỉ muốn thu tiền nhanh, dễ dàng, không trách nhiệm, nhượng quyền không phải dành cho bạn! Nhượng quyền không bắt đầu từ việc thu tiền, mà bắt đầu từ việc đầu tư.
Đây là một cột mốc quan trọng đối với mô hình kinh doanh nhượng quyền: cột mốc hòa vốn hoạt động khi doanh thu từ hệ thống nhượng quyền bằng chi phí hoạt động của doanh nghiệp – là chi phí cần thiết để duy trì và phát triển hệ thống nhượng quyền. Đây là chi phí không thể và không được phép tiết kiệm. Như vậy, trong thời gian đầu hoạt động, doanh nghiệp chắc chắn phải đầu tư nguồn lực, chịu lỗ và cam kết đầu tư vào các nền tảng nhượng quyền.
Tại nước ta, do ngành nhượng quyền còn rất mới, hiểu biết và kinh nghiệm về nhượng quyền hầu như không có, doanh nghiệp mong muốn nhượng quyền thường phân vân với câu hỏi: “Liệu đầu tư xây dựng hệ thống nhượng quyền rồi có lấy lại được tiền đầu tư không?”. Dù sao thì 50-60 ngàn USD trả cho đối tác tư vấn cũng là con số không nhỏ.
Là người đã trải nghiệm gần 20 năm trong ngành nhượng quyền, chúng tôi khuyên doanh nghiệp hãy tìm hiểu thật kỹ và không ngừng học hỏi về nhượng quyền cho đến khi hiểu và tự tin đầu tư vào hệ thống. Đừng bao giờ vừa làm việc với chuyên viên vừa phân vân về hiệu quả đầu tư. Khi còn chưa đủ tự tin, việc đầu tư xây dựng nền tảng tạm thời nên gác lại, dành thời gian để trau dồi, học hỏi về ngành. Bên cạnh đó, cần chuyên nghiệp ngay từ buổi đầu tiên.
Nhượng quyền là một mô hình đã được chứng minh thành công trên thế giới. Nếu mọi thương hiệu nhượng quyền lớn trên thế giới có thể đầu tư 100-150 ngàn USD để mời chuyên gia tư vấn mô hình, pháp lý, tiếp thị, phát triển nhượng quyền tham gia đóng góp vào nền tảng và mô hình, thương hiệu trước khi nhượng quyền, có lẽ ngay cả quyết định đầu tư vào hệ thống cũng đã được chứng minh là cần thiết.
- Xem thêm: Nhượng quyền thương hiệu: Hoa hồng hay nước mắt – Đoạn cuối trong quan hệ kinh doanh nhượng quyền
Nếu đã nghĩ đến mô hình nhượng quyền, đừng tự mày mò làm đến đâu sửa đến đó. Đối tác nhận quyền không cho phép doanh nghiệp vừa làm vừa sửa theo cách làm kiểu Việt Nam từ trước đến nay. Hãy đầu tư vào nhân sự có năng lực. Nhượng quyền là mô hình đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, không chỉ kỹ năng chuyên môn mà còn nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp và xây dựng quan hệ.
Doanh nghiệp nên có chiến lược nhân sự và đầu tư hợp lý vào các vị trí nhân sự chủ chốt. Đừng bao giờ đi theo lối mòn của doanh nghiệp gia đình, bổ nhiệm người thân, bạn bè thiếu năng lực vào các vị trí chủ chốt. Họ có thể đáng tin cậy, nhưng không thể giúp bạn phát triển thương hiệu và hệ thống.
Nếu không có khả năng đầu tư nhưng đánh giá được tiềm năng của thương hiệu, doanh nghiệp nên trình bày rõ ràng với đối tác tư vấn để có thể đưa ra mục tiêu, hình thức vay vốn hoặc kêu gọi đầu tư phù hợp. Trên thế giới hiện có một số quỹ đầu tư rất quan tâm đến việc đầu tư hoặc mua lại các mô hình và thương hiệu nhỏ có tiềm năng phát triển cao, đặc biệt trong lĩnh vực ẩm thực Việt truyền thống.
Do đó, doanh nghiệp nên trình bày rõ với đối tác tư vấn để có lộ trình đánh giá giá trị doanh nghiệp khi khởi nghiệp hoặc chuyển đổi sang mô hình nhượng quyền, thống nhất giá trị và thời gian đầu tư, cột mốc thời gian tham gia mua bán sáp nhập để có thể đưa thương hiệu lên tầm cao mới. Dù mục tiêu của doanh nghiệp là gì thì minh bạch cũng là sự khởi đầu tốt nhất trong quan hệ nhượng quyền.
Văn hóa nhượng quyền
Cũng như bất kỳ thị trường đang phát triển nào trong đó có Việt Nam, văn hóa nhượng quyền là một thứ ý niệm mơ hồ. Thị trường rồi sẽ phải trải qua khủng hoảng, nhiều thương hiệu nhượng quyền sẽ phá sản vì cách làm thiếu văn hóa, nhiều đối tác nhận quyền sẽ bị chấm dứt hợp đồng, nhiều vụ kiện tụng trong ngành rồi sẽ trở thành tiêu đề cho những bài báo. Tất cả sẽ làm cho mọi người hiểu ra rằng doanh nghiệp nhượng quyền và đối tác nhận quyền chỉ có thể cộng sinh và tồn tại trên cùng một nền tảng, đó chính là văn hóa nhượng quyền.
Vậy văn hóa nhượng quyền là gì mà có thể gây ra nhiều sóng gió? Thực tế, đây chỉ là những nguyên tắc đạo đức kinh doanh hết sức cơ bản mà bất kỳ doanh nghiệp có tầm nhìn nào cũng cần phải xây dựng, duy trì, giữ gìn và thực hiện.
Các thị trường mới chập chững nhượng quyền như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Myanmar hay các nước châu Phi, Đông Âu đều như thế. Điều đáng sợ không phải là môi trường, mà là giá trị của bản thân doanh nghiệp. Liệu doanh nghiệp có đủ kiên nhẫn, niềm tin, sức mạnh để gạt bỏ lợi nhuận trước mắt, gạt bỏ sự thỏa hiệp, kiên quyết giữ gìn văn hóa nhượng quyền, nền tảng của sự trường tồn?
Tính minh bạch, quan hệ win-win cho sự vững bền của toàn hệ thống, quan hệ hợp tác dựa trên uy tín và lòng tin cậy, như vậy có phải là đòi hỏi quá đáng?
Nhượng quyền, kể khó khăn thì thật khó khăn, nhưng nếu doanh nghiệp Việt có thể thay đổi tư duy, cách tiếp cận có tầm nhìn và mục tiêu dài hạn, thì đó là con đường ngắn giúp doanh nghiệp phát triển giá trị, cạnh tranh vững bền tại thị trường nội địa cũng như vươn ra thế giới.