Nhiều người sợ, rằng khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch độc lập tài chính, họ sẽ phải chia tay những điều thú vị trong cuộc sống, như sở thích du lịch, ăn uống với bạn bè, vui chơi vào các dịp cuối tuần… Họ sợ cuộc sống của họ sẽ chỉ nhàm chán như những con robot, suốt ngày xoay quanh việc tiết kiệm, tính toán đầu tư, sinh lời và rồi lại tiết kiệm. Thậm chí, họ sợ nếu kế hoạch tài chính lỡ may không thành, những năm tháng thắt lưng buộc bụng còn khiến cho tuổi trẻ, tuổi đẹp nhất trong đời con người, trôi qua lãng phí.
Sophia Bera là chuyên gia tài chính cá nhân người Mỹ, sáng lập nên công ty tài chính Gen Y Planning, được vinh danh trong danh sách “Top 40 Under 40” của tờInvestment News, “10 young Advisors to Watch” của tờFinancial Advisor Magazine, “10 of the Best Personal Finance Experts on Twitter”, đồng thời còn có nhiều bài báo về tài chính cá nhân được đăng tải trên The New York Times, Wall Street Journal, Forbes, Business Insider… Theo Sophia Bera, để đạt được sự tự do tài chính nói riêng và thành công nói chung, bạn cần kỷ luật, tập trung, đặt ra một số giới hạn cho mình, nhưng không đồng nghĩa với việc bạn phải sống “kiếp tu hành”, chia tay mọi thứ.
Dưới đây là ba bước giúp bạn đạt được sự cân bằng cho cả mục tiêu tài chính lẫn mục tiêu “thưởng thức” cuộc sống:
Biết được bao nhiêu là đủ
Tất nhiên, càng tiết kiệm và đầu tư nhiều thì bạn càng nhanh đạt được mục tiêu tài chính. Nhưng cuộc sống còn nhiều thứ khác, cũng thú vị và hấp dẫn không kém, như những chuyến du lịch khám phá, thú sưu tầm đồ cổ, sưu tầm tranh ảnh, những chiếc xe mơước… Do đó, để cân bằng, bạn phải biết bao nhiêu tiền là đủ và cần thiết cho kế hoạch tài chính trong tương lai.
Ramit Sethi từng đề cập trong quyển I Will Teach You To Be Rich (Tôi sẽ dạy bạn trở nên giàu có), quyển sách best-seller theo xếp hạng của The New York Times và Wall Street Journal, rằng hầu hết triệu phú đều cố định khoản tiền đầu tư của họ, thông thường là 20% số tiền họ kiếm được hằng năm.
Vì thế, bước đầu tiên, bạn hãy xác định số tiền cụ thể dành cho đầu tư và các quỹ như quỹ khẩn cấp (phòng ngừa các tình huống rủi ro như thất nghiệp, tai nạn…) hằng tháng. Số tiền này có thể phụ thuộc vào thời gian bạn mong muốn để hoàn thành kế hoạch tài chính, số tiền kiếm được hằng tháng, số tài sản đang sở hữu… Càng rõ ràng và cụ thể, bạn sẽ càng dễ cân bằng mọi thứ sau này.
Bỏ qua tác động từ bên ngoài, hiểu mình thích điều gì
Bạn bè, gia đình có thể có ý tốt với bạn, nhưng họ sẽ không thể cho bạn lời khuyên tốt nhất giúp bạn tìm ra thứ mà bạn yêu thích, giúp bạn tận hưởng cuộc sống đích thực. Người cho lời khuyên đó đương nhiên là chính bạn. Đừng bao giờ để những chiếc xe mới của người thân, bữa tiệc linh đình của bạn bè, chuyến du lịch xa hoa của đồng nghiệp…, nói cách khác là những thú vui của người khác tác động đến sở thích của bạn. Bạn phải biết mình thích gì và hãy tiêu tiền vào điều mình thích.
Càng chạy theo sự đua đòi, bạn sẽ càng tụt lại phía sau. Không có một kế hoạch tài chính hay một mức thu nhập nào có thể đáp ứng được một mớ hỗn độn những sở thích của bạn lẫn sở thích của người xung quanh bạn như vậy.
Theo Sophia Bera, nghe có vẻ tiêu cực, nhưng nếu có thể, bạn hãy ngừng follow (theo dõi) những người bạn, người thân hay khoe khoang trong danh sách bạn bè của bạn trên Facebook, Twitter… Điều này không có nghĩa là bạn không quan tâm đến họ, mà chỉ là hạn chế bị tác động bởi họ, cho đến khi bạn tìm ra sở thích của chính mình.
Thỏa mãn sở thích một cách từ tốn, đảm bảo phù hợp với mức thu – chi
Khi đã biết rõ mình thích gì, bạn phải học cách đáp ứng chúng một cách từ từ. Bởi hầu hết chúng ta thường có những mong muốn ngày càng cao trong khi còn bị giới hạn bởi những nguồn lực hiện có. Trong kế hoạch tài chính, sự giới hạn đó chính là thu nhập của bạn.
Sophia Bera cho rằng: “Khi bạn đảm bảo mọi hóa đơn trong tháng đều được thanh toán, số tiền hằng tháng cho các khoản đầu tư, các khoản quỹ… đều đã được đảm bảo, thì bạn có thể tùy nghi sử dụng số tiền dư ra để nâng cấp hay thỏa mãn những sở thích khác nhau trong cuộc sống của mình”. Đó có thể là chuyển sang một căn hộ mới, tiện nghi và thoải mái hơn, là những bữa ăn bên ngoài sang trọng, là một kỳ nghỉở nước ngoài, sê-ri đồ thời trang, những chiếc đồng hồ đắt giá…
Chẳng sao cả, bạn có thể làm gì tùy thích miễn là bạn đảm bảo mọi thứ trong tầm kiểm soát, không phải vay nợ, mượn tiền… để thỏa mãn những điều ấy. Điều bạn cần nhắc nhở mình, là sau khi trừ đi tất cả chi phí, trừ đi khoản đầu tư, nếu chỉ còn lại một số tiền không quá thoải mái, thì hãy thỏa mãn sở thích một cách từ tốn, tự thưởng cho bản thân những món quà vừa phải trước. Đến khi mọi thứ trở nên dư dả, bạn sẽ hướng đến những món quà cao cấp hơn.