Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 đồng thời hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trường vẽ Gia Định – Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (1913-2013), tác phẩm của các thầy cô giáo thuộc nhiều thế hệ được tổ chức triển lãm nối tiếp nhau tại gallery của nhà trường (số 5 Phan Đăng Lưu,
Từ trẻ tới nhiều thế hệ
Triển lãm thường niên 2012 của Câu lạc bộ Giảng viên trẻ Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (từ 11-11 đến 19-11) là dịp để các nhà giáo – nghệ sĩ trẻ giới thiệu các sáng tác mới cũng như những thử nghiệm mới, cho thấy những nỗ lực tìm kiếm cả về ngôn ngữ tạo hình cũng như chất liệu, kỹ thuật thể hiện. Các tác phẩm điêu khắc, hội họa, đồ họa… của Phạm Đình Tiến, Nguyễn Tân, Mạc Hoàng Thượng, Bùi Tiến Tuấn, Nguyễn Duy Du, Nguyễn Đào Trường Nghi, Nguyễn Thị Tố Uyên, Nguyễn Thùy Hương, Nguyễn Ngọc Mai, Đỗ Văn Dũng, Phạm Trung Hậu, Hoàng Văn Cừ, Tiêu Văn Khoa… đã làm nên một phòng triển lãm tươi tắn, có chất lượng nghệ thuật khá cao, qua đó khẳng định được năng lực của các giảng viên trên hành trình truyền đạt tri thức và kinh nghiệm cho sinh viên. Được biết, CLB Giảng viên trẻ ra đời từ năm 2008, qua bốn năm tồn tại đã tổ chức được nhiều hoạt động đa dạng như các triển lãm sáng tác thường niên (triển lãm hình họa – ký họa), tham gia các trại sáng tác và tổ chức hội thảo chuyên môn nhằm tăng cường giao lưu, học hỏi, trao đổi, tạo sự gắn kết giữa các thế hệ giảng viên cũng như sinh viên của nhà trường.
Nối tiếp đó là triển lãm tác phẩm mới của các giảng viên khoa Hội họa (từ 20-11 đến 28-11), cũng là một hoạt động hằng năm nhằm mục đích kích thích, thúc đẩy sự thực hành, sáng tạo nghệ thuật của các giảng viên đang giảng dạy tại một khoa quan trọng của trường và cũng là cơ hội để họ giới thiệu tác phẩm mới, giao lưu với các đồng nghiệp, đồng thời là dịp sinh viên của trường được thưởng lãm, học tập kinh nghiệm sáng tác của thầy, cô giáo. Thông qua hoạt động sáng tạo, tự làm mới mình và không ngừng tích lũy kinh nghiệm sáng tác thì các giảng viên mới có thể đảm nhiệm được nhiệm vụ truyền thụ cảm hứng sáng tạo và giảng dạy nghệ thuật cho lớp trẻ.
Đặc biệt, trong tổng số 48 tác phẩm nhiều thể loại và chất liệu tại triển lãm năm nay, ngoài tranh những thầy cô giáo đang giảng dạy tại khoa Hội họa như Trần Hữu Tri, Nguyễn Quang Vinh, Võ Nam, Nguyễn Dũng An Hòa, Trần Quốc Tuấn, Mai Anh Dũng, Liêu Nguyễn Hướng Dương… còn có tác phẩm của các vị từng là trưởng khoa của nhiều thời kỳ (sau năm 1975) như các thầy Hoàng Trầm, Nguyễn Hoàng, Đào Minh Tri, Uyên Huy, Lê Đàn. Có thể nói đây là một phòng tranh rất đáng xem vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay.
Và ngôi trường trăm năm lịch sử
Không lâu nữa, bước sang năm 2013 Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức kỷ niệm sinh nhật tròn một thế kỷ tính từ ngày thành lập Trường vẽ Gia Định (Ecole de Dessin) vào năm 1913 một mốc quan trọng trong sự phát triển của nghệ thuật tạo hình Việt Nam bởi đây là trường chuyên về mỹ thuật, dù trước đó chính quyền Pháp bảo hộ đã cho xây dựng Trường Mỹ thuật Đồ mộc Thủ Dầu Một (1901) và Trường Nghệ thuật và Kỹ thuật Biên Hòa (1903 – thường được gọi là Trường Mỹ nghệ Biên Hòa). Đến năm 1917 thì Trường vẽ Gia Định được xếp vào bậc trung học đệ nhất cấp và trở thành hội viên của Hiệp hội Trang trí mỹ thuật Paris, có chương trình đào tạo bài bản, khoa học và hệ thống. Đến năm 1940, trường được đổi tên thành Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định (Ecole des Arts appliqués de Gia Định), chương trình đào tạo được bổ sung thêm nhiều môn học như trang trí tổng quát, luật viễn cận, ký họa… Đến năm 1961 trường lại được đổi tên thành Trường Trung học Trang trí mỹ thuật. Trong thời gian từ 1913 cho đến ngày 30-4-1975, trường đã trải qua nhiều đời hiệu trưởng mà người sáng lập trường là ông André Joyeux (từ 1913 đến 1921), một kiến trúc sư tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng mỹ thuật Paris và từ năm 1900 đã sang Sài Gòn sinh sống, lập nghiệp, bắt đầu vẽ tranh tại đây và từng có tranh tham dự Triển lãm thuộc địa năm 1906 tại Marseille.
Năm 1954 lại có thêm một mốc quan trọng khác của mỹ thuật Việt Nam, đó là việc thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định mà vị hiệu trưởng đầu tiên là họa sĩ Lê Văn Đệ, quê Bến Tre, sinh viên khóa I Trường Mỹ thuật Đông Dương (cùng khóa với Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tường Tam… và là người đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp), được coi là một bậc thầy lớn của hội họa Việt Nam hiện đại. Sau năm 1975, hai trường nói trên được hợp nhất thành Trường Cao đẳng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và đến năm 1981 trở thành Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập là dịp để tôn vinh, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, các nhà giáo, các nghệ sĩ nhiều thế hệ cả Pháp lẫn Việt, trước và sau 1975 – những người đã góp phần làm rạng danh mỹ thuật Việt Nam hôm nay.
Trong chiều hướng ấy, giá như cuộc triển lãm của khoa Hội họa có thêm tác phẩm của các họa sĩ – nhà giáo từng tham gia giảng dạy tại trường trước năm 1975 thì sẽ hoàn chỉnh hơn.
- Ngã Văn