Năm mươi ba năm trước, cuộc đảo chính ngày 1-11-1963 do các tướng lãnh miền Nam thực hiện và do chính quyền Mỹ giật dây đã dẫn đến cái chết bi thảm của hai anh em ông Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu, chôn vùi nền Đệ nhất Cộng hòa còn non trẻ chỉ tồn tại chưa đầy tám năm. Đây là biến cố mang tính lịch sử vượt ra ngoài tầm quốc gia, mà nửa thế kỷ trôi qua vẫn còn nhiều khoảng tối chưa được làm sáng tỏ. Những đánh giá về con người và hoàn cảnh liên quan đến biến cố này là đề tài nghiên cứu của giới sử gia lẫn nhiều người trong cuộc với hàng trăm cuốn sách và hàng ngàn bài viết nhìn từ nhiều góc độ khác nhau.
Gần đây, sử gia người Mỹ Edward Miller trong cuốn Misalliance: Ngo Dinh Diem, The United States and the fate of South Vietnam dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu đã cung cấp nhiều thông tin đa chiều về mối quan hệ giữa ông Diệm và Hoa Kỳ, làm sáng tỏ thêm nhiều chi tiết lâu nay vẫn còn là nghi vấn. Sách được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia giới thiệu rộng rãi với người đọc qua bản dịch Liên minh sai lầm: Ngô Đình Diệm, Mỹ và số phận Nam Việt Nam.
Qua hơn 400 trang sách, có thể xem đây là một “biên niên sử” chín năm cầm quyền của ông Ngô Đình Diệm kể từ năm 1954. Từ năm 1956 trở thành tổng thống được sự hậu thuẫn của chính quyền Mỹ để rồi những năm tháng cuối đời đã thất vọng đắng cay. Dưới góc nhìn của sử gia này đó là một liên minh sai lầm. Những sự kiện và tình huống được tác giả mô tả trong sách khá hấp dẫn theo từng cột mốc thời gian. Qua việc khai thác kho tư liệu phong phú, Edward Miller đã cho thấy vai trò những người Mỹ đầu tiên đến với ông Diệm quan trọng như thế nào, điều mà trước đây những nhà phân tích tình hình chính trị miền Nam vẫn chưa biết hết, trong đó có đại tá tình báo Edward Lansdale. Ông ta nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam, được xem là có một tình bạn sâu sắc và sự tin cậy đối với Ngô Đình Diệm, cũng là nhân vật có ảnh hưởng lớn đến các quyết định của chính khách này.
Sau vài ba năm có tiếng nói chung trong các kế hoạch xây dựng nền tảng cho thể chế chính trị như hình thành bộ máy tam quyền phân lập, xây dựng quân đội và các lực lượng an ninh, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội, thì cuối năm 1957, những mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện trong chương trình Dinh Điền nhằm ổn định các vùng nông thôn, sự hiện diện của người Mỹ, chiến dịch tố cộng…, đã phát đi tín hiệu tan rã của một liên minh.
Cuộc đảo chính bất thành vào ngày 11-11-1960 của một nhóm sĩ quan đã làm lung lay mối quan hệ giữa chính quyền Sài Gòn và đại sứ quán Mỹ vì hai ông Diệm – Nhu nghi ngờ một số người Mỹ đã đứng sau âm mưu lật đổ hai ông. Áp lực đó ngày càng căng thẳng khi mùa xuân năm 1963 anh em Diệm – Nhu bắt đầu chủ trương “xét lại” mối quan hệ với Mỹ với lời phàn nàn người Mỹ xâm phạm chủ quyền. Từ đây “liên minh” đã bị biến chất mà những sự kiện về sau, điển hình là sự bất mãn của trí thức và đặc biệt là “cuộc khủng hoảng Phật giáo”, dẫn đến cuộc đảo chính lật đổ hai ông Diệm – Nhu và nhận chìm thể chế chính trị, “đệ nhất Cộng hòa”.
Theo tác giả, thật ra người Mỹ cũng đã nắm bắt tình hình này khi phát hiện những tín hiệu từ Hà Nội trong năm 1962 và đầu năm 1963 đánh dấu bước đi quan trọng ban đầu hướng tới đối thoại Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa qua kênh liên lạc các nhà ngoại giao. Đoạn trích dẫn sau đây cho thấy ló dạng một triển vọng:
“Năm 1955, các nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cố gắng thuyết phục Diệm thương lượng về việc tiến hành bầu cử toàn quốc, hứa hẹn để ông giữ chức phó chủ tịch của chính phủ Việt Nam thống nhất. Mặc dù Diệm cự tuyệt, các nhà lãnh đạo miền Bắc Việt Nam vẫn để ngỏ khả năng thảo luận trong tương lai. Giữa năm 1962, các nhà lãnh đạo cộng sản ra tín hiệu với Diệm rằng, có thể tiến hành thương lượng với những điều kiện nhất định. Vào tháng 7, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tuyên bố sẽ làm việc với các bên liên quan để mang lại sự trung lập hóa cho Nam Việt Nam – một quan điểm rõ ràng là mềm mỏng hơn so với lập trường trước đó cho rằng Diệm phải từ chức trước khi thành lập một chính phủ trung lập tại miền Nam. Hai tháng sau ông Hồ đã nhắc tới Diệm như một người yêu nước trong một cuộc gặp với các đại diện của ICC (Ủy ban kiểm soát quốc tế về Đông Dương) tại Hà Nội. Ông nói với Goburdhun (Chủ tịch ủy ban): “Hãy bắt tay hộ tôi nếu ông gặp ông ấy”. Tháng 5-1963, ông Hồ tuyên bố, có thể ngừng bắn và đàm phán với chính quyền Diệm khi Mỹ rút hết nhân viên quân sự khỏi Nam Việt Nam. Tất nhiên, nhiều khả năng ông Hồ đưa ra tuyên bố này để làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Việt Nam Cộng hòa. Nhưng ngay cả như vậy những nhận xét của ông vẫn cho thấy một số lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để ngỏ khả năng thương lượng với Sài Gòn trong những điều kiện cụ thể” (trang 409-410).
Trong suốt mùa hè năm 1963 tại Sài Gòn râm ran lời đồn đãi Phủ tổng thống đang thương lượng với miền Bắc. Ngô Đình Nhu đã khuyến khích các tin đồn này bằng cách xác nhận ông đã nhận được những thông điệp từ Hà Nội thông qua những kênh bí mật cũng như nói với các quan chức Mỹ và những người khác rằng ông đã gặp các nhà lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Việc Nhu từ chối tiết lộ bất kỳ chi tiết nào làm cho tình hình thêm nhiều bí ẩn. Mặc dù tác giả dè dặt nói rằng các chi tiết ông đề cập về những cuộc gặp gỡ của ông Nhu chưa được kiểm chứng bởi các nguồn khác, nhưng theo ông không có khả năng anh em họ Ngô dự định sử dụng các cuộc họp này như là cơ hội để theo đuổi một thỏa thuận trung lập hóa miền Nam mà các lãnh đạo phe cộng sản muốn thảo luận.
Những khuất tất của lịch sử có thể được người đọc nhận ra sau khi khép lại những trang sách cuối cùng của Edward Miller. Được biết nhà xuất bản đang chuẩn bị tái bản sau khi tác phẩm này thu hút một lượng lớn độc giả.
- Gia Minh