Sau Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ, Hàn Quốc – nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới – đang đầu tư đáng kể vào châu Phi. Tại Hội nghị cấp Bộ trưởng Hàn Quốc – châu Phi về Hợp tác kinh tế lần thứ 5 (KOAFEC) diễn ra tại Seoul hồi cuối tháng 10 vừa qua, chính phủ Hàn Quốc đã công bố gói hợp tác tài chính trị giá 10 tỉ USD trong vòng bốn năm tới với các đối tác châu Phi.
Theo kế hoạch, 5 tỉ USD sẽ được giải ngân trong vòng hai năm tới. Những lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa Hàn Quốc và châu Phi là phát triển nông nghiệp và năng lượng. Khác với một số đối tác lâu năm của châu Phi, Hàn Quốc chú trọng đến việc phát triển hợp tác theo hướng bền vững thay vì khai thác cạn kiệt tài nguyên của lục địa đen. Theo tuyên bố của những nhà lãnh đạo Hàn Quốc, nước này hướng đến trở thành một đối tác thực sự của châu Phi, luôn sẵn sàng chia sẻ và truyền thụ những kinh nghiệm đã giúp Hàn Quốc vươn lên thành một trong những quốc gia có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Shin Kim, một trong những lãnh đạo của Samsung C&T, công ty chuyên về xây dựng thuộc Tập đoàn Samsung, cho biết trong những năm 1960, xuất khẩu chính của Hàn Quốc là nông sản và tóc giả. Người Hàn Quốc lúc ấy nghèo đến độ phải bán cả tóc của mình. Trên thực tế, trước khi trở thành một nước công nghiệp phát triển, Hàn Quốc cũng đã phải trải qua những khó khăn tương tự như nhiều nước châu Phi đang đối mặt hiện nay. Samsung Electronics, một trong những tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới hiện nay, ra đời trong những năm 1960 dưới dạng liên doanh với hai tập đoàn Nhật Bản là Sanyo Electric Co và NEC Corporation, lúc đó chịu trách nhiệm giám định sản phẩm.
Hoặc như Hyundai Heavy Industries, trước khi trở thành một trong những ông lớn thế giới về đóng tàu biển đã phải đến Anh và Hy Lạp để tìm kiếm nhà đầu tư và khách hàng.
Hay như chủ nghĩa hoài nghi vẫn tiếp tục bao quanh lục địa đen cũng đã từng phủ lên Hàn Quốc và coi đây là một đất nước không có tương lai.
Mô hình phát triển của Hàn Quốc – đã đưa GDP bình quân đầu người từ khoảng 50 USD sau chiến tranh lên gần 30.000 USD hiện nay – là nhờ thực hiện một số ưu tiên như lãnh đạo chính trị mạnh mẽ, đề cao doanh nhân, đầu tư không giới hạn vào giáo dục, chiến lược công nghiệp độc đáo và duy nhất.
Đ.N (DNSGCT)