Sau nửa năm đầu 2016 khá im ắng, thị trường điện ảnh Hàn Quốc đã có thêm một phim đoạt thành tích vượt qua con số 10 triệu lượt xem với Train to Busan (11.565.386 lượt xem). Ở một quốc gia có dân số khoảng hơn 50 triệu người, thì chắc chắn việc một phim nội địa có thể đạt được con số này thật sự không hề dễ dàng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Train to Busan vẫn chưa vào được Top 10 phim điện ảnh có lượt người xem cao nhất mọi thời đại của Hàn Quốc. Giới chuyên môn đã có nhiều bài phân tích về thành công của Train to Busan, xem vì lý do gì mà một phim về đề tài zombie, còn rất mới mẻ với khán giả Hàn Quốc, lại đạt được thành công đến thế! Rõ ràng Train to Busan là một phim mang tính giải trí rất cao, nhưng “thành công của phim đến từ sự phê bình hiện thực xã hội” – nhà phê bình điện ảnh Kang Yu Jeong phát biểu trên nhật báo Joong Ang. Bộ phim miêu tả một nhóm người chiến đấu để sinh tồn trước sự bùng phát của nạn dịch do một loại virus gây ra, biến con người thành zombie. Khi nhóm người này trên chuyến tàu đến Busan – nơi mà nạn dịch chưa lan đến – sự ích kỷ và tàn nhẫn của con người lần lượt bộc lộ. “Bộ phim thể hiện sự tham lam và ích kỷ của con người trong xã hội hiện đại. Vì lẽ đó con người còn đáng sợ hơn zombie nhiều. Hầu hết các phim bán được hơn 10 triệu vé đều phê phán xã hội hiện đại. Như The Host (2006) châm biếm một chính phủ bất tài; hay Veteran (2015) bóc trần những chuyện bê bối của các chaebol (đại gia); còn The Attorney (2013) đặt ra những vấn đề của một xã hội dân chủ…” – ông Kang Yu Jeong kết luận.
Từ bộ phim đầu tiên đạt được con số 10 triệu vé bán ra (phim Silmido phát hành năm 2003) đến Train to Busan (2016) cho thấy thị hiếu khán giả và cách tiếp cận của nhà sản xuất thay đổi khá nhiều. Trong vòng một thập niên trở lại đây, thị trường điện ảnh Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ về số lượng rạp chiếu và doanh thu. Ví dụ như phim Silmido mất gần hai tháng mới đạt được con số 10 triệu vé bán ra, trong khi Train to Busan chỉ cần 19 ngày. Lý do chủ yếu khi Silmido phát hành năm 2003, cả nước Hàn chỉ có 325 rạp chiếu, hiện nay số rạp chiếu đã lên đến 2.300. Thêm nhiều lý do để các phim hiện nay nhanh chóng có doanh thu tốt, ví dụ như kinh phí thực hiện cao, kinh phí quảng bá cao, khi một phim vừa ra mắt, hiệu ứng lan truyền trên internet và mạng xã hội cũng bắt đầu. Nhờ hiệu ứng này, phim khiến những người thậm chí không quan tâm đến bộ phim cũng ra rạp xem, bởi họ không muốn đứng ngoài lề những cuộc tranh luận về bộ phim.
Trong cuốn sách của Mark Russell, Pop Goes Korea: Behind the Revolution in Movies, Music and Internet Culture, tác giả đã nêu rõ: Nền tảng cho sự thay đổi nhanh chóng của điện ảnh Hàn Quốc là nền kinh tế tăng trưởng, một chính phủ ngày càng dân chủ, tự do. Điện ảnh Hàn Quốc từ 1996 đã liên tục tăng trưởng, cả về doanh thu nội địa và tỷ lệ phần trăm chiếm lĩnh của phim nội. Nó đạt đỉnh cao vào năm 2006, khi doanh thu phòng vé đạt kỷ lục chưa từng có, và phim nội chiếm tới 65% số vé. Sự thành công của điện ảnh Hàn Quốc là bài học cho các thị trường điện ảnh nhỏ tại châu Á, trong cuộc đối đầu với gã khổng lồ Hollywood. Bất kỳ nền điện ảnh nào cũng có thể có những nghệ sĩ lớn. Nhưng để có một ngành công nghiệp điện ảnh, cần thiết lập một hệ thống thương mại chính quy, có tổ chức và làm ra tiền. Cần hiểu và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, thay vì “ép” họ phải thích cái mà các nhà làm phim “thích”.
Top 10 phim có số lượt người xem cao nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc:
- The Admiral: Roaring Currents (2014) – 17.614.679 lượt xem
- Ode to My Father (2014) – 14.262.139 lượt xem
- Veteran (2015) – 13.413.986 lượt xem
- The Host (2006) – 13.019.740 lượt xem
- The Thieves (2012) – 12.983.821 lượt xem
- Miracle in Cell No.7 (2013) – 12.811.213 lượt xem
- Assassination (2015) – 12.704.656 lượt xem
- Masquerade (2012) – 12.323.555 lượt xem
- King and the Clown (2005) – 12.302.831 lượt xem
- Taegukgi (2004) – 11.746.135 lượt xem
- Mai Khôi