Có một món ăn truyền thống của người dân vùng đất Tây Sơn (thuộc huyện Phú Phong, Bình Định), khách phương xa ai ghé qua cũng phải thưởng thức một lần: đó là món bánh cuốn. Thế nhưng bánh cuốn Tây Sơn hoàn toàn khác với món bánh cuốn hay bánh ướt thông thường; đúng hơn nó là bánh tráng cuốn.
Món ăn dân dã của đất Tây Sơn được làm bằng bánh tráng nhúng nước cuốn với thịt nướng xiên, rau, trứng vịt, nem, chả, đậu khuôn… rồi nhúng vào thứ nước chấm đậm đà, làm thành một hòa quyện tuyệt vời. Tương truyền, món bánh cuốn này là thực phẩm chủ đạo của nghĩa quân Tây Sơn mỗi khi hành quân đường dài vì chế biến đơn giản, gọn nhẹ, dễ mang đi lại giúp no lâu. Theo lời kể của những bậc cao niên ở thị trấn Phú Phong, ban đầu bánh cuốn Tây Sơn chỉ có bánh tráng cuốn với cơm nguội, được người nông dân mang theo ra đồng “chống đói” cùng chén nước mắm. Theo thời gian, bánh cuốn Tây Sơn đã trở thành món ăn truyền thống của người dân địa phương, với thành phần nhân phong phú, còn được dùng làm quà trong các dịp cưới hỏi, giỗ chạp…
Điều đáng nói là độ “khủng” của bánh cuốn Tây Sơn: người ta thường sử dụng hai cái bánh tráng để cuộn cho chặt các nguyên liệu dồi dào bên trong. Và phải biết cách ăn cái cuốn to gần bằng cổ tay này mới ngon – đó là ăn kiểu “tả – hữu – tề”: cắn bên trái cuốn bánh một miếng, xong cắn tiếp miếng bên phải, cuối cùng là mới cắn chính giữa cho bằng. Tất nhiên phải chấm với thứ nước chấm làm bằng đậu phộng giã nhỏ mới dậy hương vị của các nguyên liệu, kích thích tất cả giác quan của người thưởng thức, ăn một lần rồi nhớ mãi.
Ở Tây Sơn hiện nay có nhiều quán bánh cuốn, nổi tiếng và đông khách hơn cả là quán Cô Tâm (thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận), quán Năm Mận và quán Tèo Công (thị trấn Phú Phong). Có từ 5-9 nguyên liệu để cuốn, khách chọn theo sở thích của mình. Tại TP. Hồ Chí Minh, bánh cuốn Tây Sơn được chàng trai trẻ Nguyễn Đình Chính (quê ở thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận) du nhập. Khởi nghiệp, quán bánh cuốn của Chính với vốn đầu tư 60 triệu đồng sớm thất bại. Thế là Chính về quê “tầm sư học đạo” tại quán Cô Tâm một tháng để hiểu “chất Tây Sơn” trong món ăn ấy rồi quay lại TP.HCM tái khởi nghiệp chỉ với 2 triệu đồng tiền vốn. Hiện tại, dù chỉ bán duy nhất món bánh cuốn Tây Sơn theo hình thức giao hàng tận nơi tại trang web www.banhcuontayson.com và thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, món ăn quê nhà đã mang về cho chàng trai trẻ doanh thu trung bình hàng trăm triệu đồng/tháng cùng công việc bán thời gian cho rất nhiều sinh viên quê Bình Định.
Theo Nguyễn Đình Chính, điều khiến bánh cuốn Tây Sơn được nhiều khách hàng yêu thích, nhất là những người Bình Định đang sinh sống tại TP.HCM bởi nó giữ được “cả hồn lẫn vía” của món ăn quê nhà. Rau sống do gia đình Chính tự trồng ở quê, bánh tráng, nem chả, nước mắm, cả tỏi ớt cũng từ quê gửi vào, chỉ có thịt là lấy từ các cửa hàng quen uy tín tại Sài Gòn. Cuốn bánh thành phẩm vẫn y chang nhưở Tây Sơn, tùy theo yêu cầu của khách mà giá tiền và nhân bánh sẽ nhiều hay ít. Riêng nước chấm, Chính có gia giảm chút ít để hợp khẩu vị của người bản địa, ít cay hơn, giảm mặn và tăng ngọt. Hiện Chính đã thành lập công ty và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền bánh cuốn Tây Sơn. Chàng giám đốc trẻ cũng đang tiến hành các bước cần thiết để mở chuỗi cửa hàng phục vụ món bánh này như một món “fast food” Việt Nam.
Mộc Lan (DNSGCT)