Theo đại lộ George W. Bush, chúng tôi đi từ sân bay Tbilisi để vào trung tâm thủ đô Tbilisi của đất nước Georgia. Đại lộ dài gần 20 cây số khá hiện đại, cắt ngang một vùng đồi xanh tươi. Trước đó, khi máy bay sắp hạ cánh, hành khách đã được nhìn Tbilisi từ trên cao. Thành phố gây ấn tượng dễ chịu bởi những cụm kiến trúc đẹp mắt phân bố hòa hợp với các mảng xanh. Phố phường, nhà thờ soi bóng xuống dòng sông trong xanh mềm mại uốn lượn qua những ngọn đồi.
Xứ sở của cái đẹp
Georgia mấy năm gần đây phát triển mạnh về du lịch. Quốc gia nhỏ bé xinh đẹp này còn nhiều mới mẻ với dân châu Âu. Nằm tại điểm nối Đông Âu và Tây Á, Georgia có nền văn hóa pha trộn đặc sắc. Mặc dù dân số chưa đến 5 triệu nhưng năm 2015, Georgia đã đón gần 2,5 triệu du khách. Cùng với nông nghiệp, du lịch đang trở thành ngành kinh tế chính ở đất nước đi đâu cũng thấy toàn núi là núi.
Món quà đầu tiên mà Tbilisi dành cho chúng tôi là sự ngạc nhiên. Trước khi vào thành phố, ấn tượng về một Georgia bất ổn chính trị lâu năm và kinh tế rơi xuống tận đáy vẫn làm nhiều người trong đoàn dè dặt. Vì vậy, khi đặt chân lên đại lộ Rustaveli lộng lẫy hoa đèn, nhiều du khách ngỡ ngàng trước những cửa hàng, những quán cà phê hiện đại, những kiến trúc mặt tiền sang trọng. Như mọi đại lộ theo phong cách châu Âu, ấn tượng chính của quảng trường, dinh thự, tượng đài và nhiều thứ được phô bày ở Rustaveli là đẹp và hào hoa.
Rồi, từ đại lộ rẽ vào những ngõ nhỏ, chỉ cần vài bước chân là một khung cảnh khác được mở ra. Phố nhỏ không hào nhoáng nữa, không lấp lánh nữa nhưng vẫn khiến người ta khó rời mắt với vẻ xinh, duyên và cổ xưa. Những ngôi nhà gỗ buông rèm lụa, những ban công gỗ trang trí cầu kỳ nhìn óng ả trong nắng mùa thu. Các cụ bà ngồi bên lan can cũng đẹp như trong tranh vẽ, vẻ mặt sắc sảo mà đôn hậu của phụ nữ Tây Á khi về già trông vẫn thu hút. Các cụ vẫn choàng khăn thêu, mặc trang phục lối xưa kiểu hơi diêm dúa nhưng nữ tính, điệu đà.
Có vẻ như người Georgia rất coi trọng cái đẹp. Nhà cửa, trang phục có thể không mới nhưng phải tươm tất. Những phiên chợ bán đồ thủ công không quá cao cấp nhưng các gian hàng được chăm chút với óc thẩm mỹ rất tinh tế. Thức ăn trong Dezerter Bazaar (chợ nông sản ngay trung tâm thủ đô) thì hút mắt thôi rồi. Phô mai trắng trộn bạc hà xanh nhìn như tảng cẩm thạch, bánh mì thơm vàng nhìn là muốn cắn. Nhà thơ Nga Puskin từng nhận xét rằng mỗi món ăn của Georgia đều là một bài thơ. Quả thực ẩm thực xứ này nổi tiếng khắp vùng biển Đen là ngon và đẹp. Bánh khachapuri adjarulu như chiếc nồi mỏng tang xinh xắn với lòng đỏ trứng tròn xoe nằm giữa. Rồi từng xâu churchkhela đủ màu sắc tô điểm cho dãy gian hàng bánh kẹo vốn đã quá rực rỡ, món này mới nhìn tôi cứ tưởng là xúc xích, hóa ra không phải, churchkhela là xâu hạt óc chó được phủ nước cốt trái cây keo đặc. Trái cây Georgia rất phong phú, vậy nên mứt kẹo xứ này cũng hấp dẫn tuyệt vời. Nhiều chị em trong đoàn dù không ưa ngọt nhưng vẫn mua cả gói lớn kẹo tklapi. Kẹo này mới nhìn cứ tưởng là bộ sưu tập khăn lụa với tông màu đỏ, cam, vàng, tía, nhưng thực ra đây là tinh chất trái cây cô đặc được cán mỏng như giấy rồi đem phơi khô. Người Georgia rất khó tính trong việc chế biến thực phẩm, thế nên churchkhela hay tklapi đều không có hóa chất mà vẫn đẹp mắt và thơm ngon. Kỹ thuật chế biến bánh kẹo thủ công hơn ngàn năm kinh nghiệm có những bí quyết không bao giờ lọt ra ngoài. Kỹ thuật làm rượu vang, rượu trái cây cũng là “tài sản quốc gia”. Georgia là một trong những vùng sản xuất rượu vang đầu tiên trên thế giới. Hoạt động xuất khẩu rượu và nông sản hiện đóng góp khoảng 50% vào GDP đất nước.
Viên ngọc trên con đường tơ lụa
Georgia ngày nay được hợp thành từ hai vương quốc cổ là Iberia và Colchis. Tbilisi suốt 1.500 năm qua luôn giữ vị trí kinh đô rồi thủ đô. Nằm ở vị trí quan trọng trên con đường tơ lụa, Tbilisi từng có giai đoạn cực kỳ thịnh vượng vào thế kỷ XI, XII. Từ lúc mới hình thành, thành phố đã là nơi ở của thương gia, thợ thủ công đến từ nhiều nền văn hóa, tôn giáo khác nhau. Lịch sử pha trộn đó còn thể hiện rõ trên những kiến trúc thánh đường và dinh thự. Đỉnh cao của sự kết hợp mỹ thuật Đông Tây tại Tbilisi phải nói đến đại giáo đường Sameba. Công trình này khiến tôi choáng ngợp, không chỉ vì quy mô mà còn vì kiến trúc vô cùng độc đáo. Sự kết hợp khéo léo kiểu mái vòm cổ điển với phong cách kiến trúc La Mã nguyên thủy đã hình thành nên phong cách vòm chéo Georgia đặc sắc. Phong cách kiến trúc vòm chéo phát triển mạnh tại Georgia trong thế kỷ thứ IX và Sameba xứng đáng gọi là tuyệt tác. Đứng từ quảng trường cẩm thạch nhìn lên, Sameba như một tòa thành vĩ đại về niềm tin. Đứng từ trên đồi cao nhìn xuống, nhà thờ như chiếc vương miện vàng ròng cẩn đá quý làm sáng rực cả thung lũng. Văn hóa Georgia đặc biệt chú trọng tới cá nhân, điều này được thể hiện rất rõ qua sự phân bố không gian bên trong nhà thờ. Thánh đường Sameba dường như không phải để con chiên cảm thấy mình quá bé nhỏ trước Chúa Trời, mà chỉ để người ta có một khoảng lặng khi đối diện với bản ngã của mình.
Cách Sameba không xa, khu nhà tắm hơi cổ xưa lại có kiểu kiến trúc hoàn toàn khác. Đây là một công trình xây dựng mang đậm phong cách hoàng gia Ba Tư. Tận dụng dòng suối khoáng nóng tự nhiên ngay giữa trung tâm kinh đô, giới quý tộc Tbilisi ngày xưa đã xây dựng một khu tắm hơi chữa bệnh, thư giãn thật vương giả với vật liệu phần lớn là cẩm thạch màu sắc rất đẹp. Không đậm vẻ duy mỹ như khu tắm hơi, pháo đài Narikala trên núi đá mà chúng tôi phải đi bằng cáp treo lại khiến mọi người trầm trồ bởi vẻ đồ sộ, kiên cố của một kiến trúc quân sự. Dưới thấp hơn pháo đài một chút là ngôi làng cheo leo giữa sườn núi. Làng gồm toàn những ngôi nhà ba bốn tầng san sát nhau vây quanh một nhà thờ gạch nung. Nhìn xa, làng xinh xắn, gọn ghẽ như bộ đồ chơi. Đến gần mới thấy từng ngôi nhà đều có cách trang trí mặt tiền, khung cửa và hành lang kiểu khác nhau song tất cả đều rất thanh thoát, trang nhã.
Chiều muộn, chúng tôi lên cao nguyên Metekhi để tham quan Nhà thờ C. Metekhi, một di sản văn hóa thế giới. Tại đây nhìn xuống thủ đô thấy rõ nhất là các nhà thờ, tu viện. Tbilisi có nhiều nhà thờ cả ngàn năm tuổi được xây bằng đá nhìn rất huyền bí trong ánh chiều chạng vạng. Trên các ngọn đồi trọc bao quanh thành phố, những tháp canh bằng đá đứng cô độc vừa là nơi ở, vừa là hệ thống phòng thủ của người thời xưa. Tháp có từ ba đến năm tầng, bên trong chủ yếu chứa nông cụ, lương thực dự trữ cho mùa đông hoặc lúc chiến tranh. Phóng tầm mắt ra xa hết mức, tôi còn thấy được thấp thoáng thánh đường Do Thái và Hồi giáo của nước Armenia phía bên kia biên giới.
Xong buổi tối, dù đã khá mệt nhưng mọi người vẫn cố gắng đi xem cầu đi bộ Thủy Tinh và Nhà hát Rhike, hai công trình tiêu biểu cho kiến trúc hiện đại Tbilisi. Anh hướng dẫn viên người Georgia thấy đoàn đi đông đủ thì vui ra mặt. Kinh tế Georgia những năm gần đây phát triển nhanh và hai công trình này là thành quả khiến người dân tự hào. Những năm tháng nghèo đói vì chiến tranh đã khép lại, tỷ trọng đóng góp GDP từ du lịch đã giành được vị trí hàng đầu… Cầu đi bộ bắc ngang con sông Kura được làm hoàn toàn từ thép và thủy tinh. Dưới ánh đèn, cầu như chuỗi ngọc lục bảo cài lên suối tóc Kura mềm mại. Còn cụm Nhà hát – Nhà triển lãm Rhike thì có hình dáng độc nhất vô nhị: Toàn bộ công trình gồm hai tòa nhà tròn dài khổng lồ tựa như hai ống nước, một đầu chụm vào, đầu kia xòe rộng ra, bên trong mỗi ống nước khổng lồ này là những khu vực kiến trúc riêng biệt thú vị; mỗi ống nước được tạo nên từ một khung thép đan hình lập phương chằng chịt với nhau, bên ngoài lồng thêm một hệ thống kính màu óng ánh khép kín…