Ngày 5-6, các bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương nhóm nước công nghiệp hóa G7 đã tham dự một hội nghị từ xa khẩn cấp để bàn về cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực đồng euro và sự sa sút trong hoạt động của khu vực tư, kể cả tại Đức.
Trước thềm hội nghị, Bộ trưởng Tài chính và Hành chính công quyền Tây Ban Nha, ông Cristobal Montoro, tuyên bố rằng “cánh cửa thị trường đã không mở ra với Tây Ban Nha nữa rồi”. Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos nói thêm rằng kể từ trung tuần tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ kiểm tra hoạt động các ngân hàng tại Tây Ban Nha và từ nay đến khi kết thúc cuộc kiểm tra (có thể là vào cuối tháng 6-2012), sẽ không có quyết định nào được đưa ra.
Các ngân hàng Tây Ban Nha đang gánh một khoản vay bất động sản không thu hồi được lên đến 270 tỉ USD. Chỉ riêng Bankia, ngân hàng lớn thứ tư Tây Ban Nha, cần được hỗ trợ 24 tỉ USD. Dự kiến nước này cần hơn 100 tỉ USD để tăng cường sức đề kháng của hệ thống ngân hàng. Để tránh tâm lý bất ổn, chính quyền Tây Ban Nha giới hạn sự thiệt hại của các ngân hàng chỉ trong nhóm cổ đông và chủ nợ, không cho ảnh hưởng nhiều đến người chịu thuế. Nhưng điều này không dễ đạt được, khi mà đạo luật bảo vệ người chịu thuế trước những thất bại của hệ thống ngân hàng chưa thể có hiệu lực trước năm 2014. Trong tình thế ấy, Ủy ban châu Âu (EC) đang phác thảo một chương trình khung có tầm bao quát cả Liên minh châu Âu (EU), bao gồm những biện pháp cơ bản sau:
– Các nhà lãnh đạo tài chính cần “dấn thân” hơn nữa trong việc điều hành các ngân hàng khi đối mặt với nguy cơ.
– Hệ thống ngân hàng mỗi nước phải phác họa các dự án phục hồi cùng các giải pháp khi hoạt động tài chính bị sa sút.
– Các quốc gia liên hệ cần bán đi toàn bộ hay một phần những ngân hàng làm ăn thất bại, không nên quá chú trọng đến quyền lợi cổ đông hay các chủ nợ.
– Chỉ định một “nhà quản lý đặc biệt” cho mỗi ngân hàng cần “phục hồi tình trạng tài chính” của cơ sở.
– Đặt nền tảng cho việc xây dựng một cơ chế giám sát xuyên quốc gia có tính thống nhất, hoạt động trong phạm vi toàn EU.
Nếu phác thảo này đạt được sự ủng hộ của các quốc gia EU và Nghị viện châu Âu, đây sẽ là một bước quan trọng trong việc quản lý toàn bộ hệ thống ngân hàng châu Âu đang có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sự suy sụp của các ngân hàng Tây Ban Nha.
Tại cuộc họp trực tuyến diễn ra vào ngày 10-6, Bộ trưởng Tài chính các nước eurozone thống nhất sẵn sàng hỗ trợ Tây Ban Nha với mức tối đa là 100 tỉ euro (tương đương 125 tỉ USD). Các điều kiện cho vay sẽ áp đặt trực tiếp lên các ngân hàng Tây Ban Nha đang gặp khó khăn cần được trợ vốn.
Lê Nguyễn tổng hợp