Nhìn vào các giải Nobel khoa học năm nay, người ta vẫn thấy có sự áp đảo của những nhà khoa học làm việc tại các trường đại học ở Mỹ (4/7). Người châu Á có lý do để hãnh diện khi một trong những giải Nobel khoa học lọt vào tay nhà khoa học người Nhật Bản, giáo sư Yoshinori Ohsumi.
Giải Nobel Y học. Giải được trao cho giáo sư Yoshinori Ohsumi, sinh năm 1945 tại Fukuoka, Nhật Bản, hiện làm việc tại Viện Công nghệ Tokyo, vì những phát hiện độc đáo của ông về cơ chế tự thực (autophagy) của tế bào. Đây là tiến trình cơ bản của sự thoái biến và tái sinh tế bào trong cơ thể con người cũng như các loài động vật khác. Khái niệm tự thực của tế bào ra đời từ những năm 1960 khi các nhà khoa học quan sát thấy tế bào có thể tự hủy các thành phần bên trong của nó trong quá trình thoái biến. Song phải chờ đến đầu thập niên 1990, Yoshinori Ohsumi mới đạt được thành công qua những thử nghiệm sáng giá về cơ chế này. Phát hiện của ông mở đường cho việc nắm bắt được tầm quan trọng của cơ chế tự thực của tế bào, từ đó có thể giúp tìm hiểu được sâu hơn một số bệnh của cơ thể, trong đó có bệnh ung thư và bệnh về thần kinh.
Giải Nobel Vật lý. Được trao cho ba nhà khoa học David J. Thouless, sinh năm 1934 tại Anh, thuộc Trường ĐH Washington, bang Washington (Mỹ), F. Duncan M. Haldane, sinh năm 1951 tại Anh thuộc Trường ĐH Princeton, bang New Jersey (Mỹ) và J. Michael Kosterlitz, sinh năm 1943 tại Aberdeen (Scotland) thuộc Trường ĐH Brown, bang Rhode Island (Mỹ), do những khám phá về mặt lý thuyết của họ về những chuyển pha tô-pô học và các pha tô-pô của vật chất. Kết quả nghiên cứu của họ mở ra cánh cửa của một thế giới chưa được biết đến, ở đó vật chất ngoài ba dạng chủ yếu là thể khí, thể lỏng và thể rắn, còn có thể thuộc về những trạng thái kỳ lạ như siêu dẫn, siêu lỏng, hoặc những màng từ tính siêu mỏng. Giới khoa học tin rằng những khám phá của họ trong tương lai có thể được ứng dụng trong cả khoa học vật chất lẫn điện tử học.
Nhà khoa học David J. Thouless được hưởng phân nửa giải thưởng (trị giá khoảng 930.000 USD), nửa còn lại được chia đều cho hai người kia.
Giải Nobel Hóa học. Được trao cho ba nhà khoa học Jean Pierre Sauvage, sinh năm 1944 tại Pháp, thuộc Trường ĐH Strasbourg (Pháp); Sir J. Fraser Stoddart, sinh năm 1942 ở Edinburgh, thuộc Trường ĐH Northwestern, bang Illinois (Mỹ) và Bernard L. Feringa, sinh năm 1951 ở Barger Compascuum (Hà Lan) thuộc Trường ĐH Groningen (Hà Lan), về việc đã “thiết kế và tổng hợp các cỗ máy phân tử”. Họ đã khai triển những cỗ máy nhỏ nhất thế giới làm bằng các phân tử với những chuyển động có thể kiểm soát được. Với kỹ thuật máy tính, họ đã thu thật nhỏ các cỗ máy và mang lại cho ngành hóa học một tầm vóc mới. Sản phẩm do họ nghĩ ra sẽ là những robot siêu nhỏở mức nano (1 nano = 0,000001mm) mà trong tương lai, các bác sĩ có thể dùng chữa trị bằng cách tiêm vào mạch máu người bệnh để nhận diện và đối phó với các tế bào ung thư. Bên cạnh đó, các cỗ máy phân tử có thể được dùng để chế tạo nhiều loại vật liệu mới, các bộ cảm biến và các hệ thống lưu trữ năng lượng.
Ba nhà khoa học được chia đều trị giá giải thưởng.
Giải Nobel Hòa bình. Được trao cho ông Juan Manuel Santos, sinh năm 1951 tại Bogota (Colombia), đương kim tổng thống Colombia, về những nỗ lực hòa giải của ông với tổ chức nổi dậy FARC, tránh cho đất nước ông tiếp tục rơi vào một cuộc nội chiến đẫm máu từng làm thiệt mạng hơn 200 ngàn người, đẩy gần 7 triệu người ra khỏi nơi cư trú của họ. Ngay sau khi đắc cử và nhậm chức tổng thống Colombia vào tháng 8-2010, ông Santos đã bắt tay vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao Colombia – Venezuela, bình thường hóa trở lại mối quan hệ giữa hai nước. Tháng 8-2012, ông công bố cuộc đàm phán giữa lực lượng chính phủ Colombia với tổ chức nổi dậy FARC, sau nhiều cuộc ngưng chiến mà chính phủ tiền nhiệm đã không duy trì được. Từ hơn bốn năm qua, những nỗ lực của Tổng thống Juan Manuel Santos giúp cho người dân Colombia tránh được những thảm họa của một cuộc nội chiến kéo dài, mặc dù đến nay vẫn chưa phải là đã thực sự kết thúc, nhưng thế giới đang nhìn vào Colombia với nhiều kỳ vọng tươi sáng nhất.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)
Người đoạt giải Nobel ngày càng cao tuổi
Năm nay, tuổi trung bình của những người chiến thắng giải Nobel là 72. Có một thực tế là tuổi của các nhà khoa học đoạt giải Nobel có xu hướng ngày càng tăng. Vì sao vậy?
Chủ nhân của các giải Nobel 2016 trong các lĩnh vực Vật lý, Y học, Hóa học đều là nam giới, thấp nhất là 65 tuổi và hầu hết là trên 72 tuổi.
Hồi nửa đầu thế kỷ XX, tuổi trung bình của những người đoạt giải Nobel chỉ là 56. Chủ nhân các giải Nobel Vật lý trước đây có độ tuổi trung bình 47 nhưng giờ đây thường là một nhóm nam giới trong độ tuổi cuối 60.
Trên thực tế, trong tất cả các lĩnh vực khoa học truyền thống, có một khuynh hướng đáng chú ý là các nhà khoa học thường đoạt giải Nobel ở những năm về sau của cuộc đời. Khuynh hướng này bắt đầu từ khoảng những năm 1950 và tiếp tục cho tới ngày nay.
Liệu có phải là do ngày nay có nhiều thông tin và học thuyết đến nỗi các đột phá khoa học chỉ xảy ra ở tuổi già?
Gustav Källstrand, hướng dẫn viên chính tại bảo tàng Nobel ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển), cho biết 100 năm trước chỉ có khoảng 1.000 nhà vật lý. Nhưng ngày nay, ước tính có 1 triệu nhà vật lý trên thế giới. Theo ông, đây chính là một nhân tố quan trọng. Thời gian chờ đợi để nhận một giải Nobel đang trở nên lâu hơn và họ không nhận được giải thưởng ngay tức thì sau một phát hiện đột phá nào đó.
Ngày nay các nhà khoa học có các phát minh khi còn trẻ nhưng hàng nghìn người khác cũng như vậy. Ngoài ra Ủy ban giải Nobel đặt ra quy chuẩn cao về quá trình đánh giá nên các nhà khoa học phải mất nhiều năm mới giành được giải thưởng.
T.H (DNSGCT)