Tuần qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay vụ đông xuân năm nay thương nhân Trung Quốc xuống tận các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tìm mua gạo chất lượng cao và gạo thơm. Họ vào trực tiếp nhà máy của doanh nghiệp ViệtNamký hợp đồng, yêu cầu mở L/C nhập chính ngạch. Thế nhưng mới đây, việc mua gạo đã bị “hạn chế một cách tối đa”, mặc dù thị trường này vẫn có nhu cầu rất lớn. Bên cạnh đó, có trường hợp họ bỏ cả hợp đồng.
Thu hoạch khóm ở Tân Lập, Tiền Giang
Theo ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA, hồi đầu năm nay hai bên đã thành lập trung tâm xúc tiến Thương mại Việt Nam- Trung Quốc nhằm tăng cường hợp tác mua bán gạo. Nhưng đến thời điểm này, theo đánh giá của VFA, chính sách mua gạo của khách hàng Trung Quốc là “không hiểu được”. Họ liên tục thay đổi quyết định: dừng mua, rồi lại đột ngột mua trở lại, chủ yếu để làm thế nào hạ giá gạo xuống mức thấp nhất. “Chính sách mua gạo đóng – mở được áp dụng đồng loạt ở cả thị trường chính ngạch và tiểu ngạch”, ông Phong nói.
Thời gian qua, việc mua bán gạo sang Trung Quốc còn có thêm trục trặc khác là khách hàng Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp ViệtNamtrộn gạo trắng vào gạo thơm nhằm trục lợi. Liệu đây có phải đơn thuần là chuyện lợi ích kinh tế hay không, khi mà điều này có thể hạ thấp uy tín và chất lượng gạo Việt Nam.
Không chỉ gạo mà dừa cũng là nông sản đang phải đối phó với tình trạng tương tự. Theo Sở Công thương tỉnh Bến Tre, giá dừa hiện nay đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Với giá này đời sống người trồng dừa đang rất khó khăn. Điều đáng ngại là hiện nay ở một số nơi thương lái không mua dừa trong dân nữa vì lượng dừa tồn đọng rất lớn.
Trước đây thương lái Trung Quốc đưa tàu vào tận thành phố Bến Tre mua hàng triệu trái dừa mỗi ngày, nhưng hiện nay sản lượng mua dừa của họ giảm tới 70%. Nông dân ở các huyện Giồng Trôm, Bình Đại và chung quanh thị xã Bến Tre đã phải chặt bỏ hàng chục ngàn cây dừa để trồng nông sản khác.
Trong khi hàng trăm ngàn hộ trồng dừa ở Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang rơi vào cảnh túng quẫn thì các cơ quan chức năng cũng bế tắc trong việc tìm giải pháp cứu cây dừa và người trồng dừa.
Theo bà Phạm Thị Hân – Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre, giải pháp chủ yếu là vận động, khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nhau, không cạnh tranh bằng cách hạ giá sản phẩm khi chào giá xuất khẩu. Tỉnh cũng đề nghị Hiệp hội Dừa Bến Tre tiếp tục vận động các doanh nghiệp sản xuất, chế biến dừa trong tỉnh mua dừa với giá ổn định, giảm bớt khâu trung gian trong việc mua dừa.
Sau dừa và khoai lang, các thương nhân Trung Quốc cũng đến vùng nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long đặt trạm và trực tiếp mua khóm (dứa) của nông dân với giá cao. Họ còn tới tận ruộng khóm xem xét và gợi ý sẽ “cung cấp thuốc” để nông dân xử lý cho trái thật to.
Ông Bùi Công Thành, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng (xã Tân Lập 2, huyện Châu Thành, Tiền Giang) cho biết: “Vừa rồi có hai đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh điện thoại đặt mua khóm xuất qua Trung Quốc từ 20 tấn mỗi ngày, điều kiện là khóm phải đạt chuẩn từ 1 kg/trái trở lên. Nhưng tôi đã từ chối và đưa ra điều kiện là mua bán phải có hợp đồng và làm ăn lâu dài. Cho dù bán cho thương lái Trung Quốc với giá cao hơn nhưng chúng tôi vẫn không dám bán, vì sợ giữa chừng họ không mua nữa thì sẽ không biết bán cho ai”.