Đạo diễn Trần Anh Hùng cho biết với anh, điều quan trọng là làm cho ngôn ngữ điện ảnh giàu lên và nghệ thuật không phải là hiểu biết, không phải là triết học, đạo học hay xã hội học. Mục đích của nghệ thuật là cảm xúc.
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần gặp đạo diễn Trần Anh Hùng tại một quán cà phê trên đường Tú Xương. Trần Anh Hùng cho biết đây là con đường có nhiều kỷ niệm vì lần đầu tiên từ Pháp về Việt Nam chọn cảnh cho Mùi đu đủ xanh, anh cũng lưu trú trên con đường này.
Hôm ấy cũng là lần đầu tiên Trần Anh Hùng gặp một đoàn phim Việt Nam quay ở đây. Có lần họ dựng cảnh mưa ban đêm và chiếu đèn thắp sáng cả con đường.
Ở một góc có người phụ trách đèn điện của đoàn phim cứ đứng chỉ cho người đi đường một “thiết bị” giống như cây bút ở dưới chân anh và anh giật vào thì đèn sáng, ý là “đừng đụng vào vì sẽ giật đấy”. Trần Anh Hùng chia sẻ và nụ cười từ kỷ niệm ấy anh mang luôn vào cuộc trò chuyện.
Chào anh Trần Anh Hùng. Éternité đang chiếu ngoài rạp và đây là sự thể nghiệm cách làm phim mới của anh. Sau khi anh hoàn thành xong, Liên hoan phim Cannes và Venice không nhận phim của mình thì anh có thấy sự thể nghiệm của mình quá cực đoan hay không?
Thứ nhất là Hùng không làm phim để đưa đi liên hoan phim. Thứ hai là mình chỉ làm được những gì mình biết làm và những cái mình thấy mình cần phải làm. Đây là chuyện cần thiết. Cần làm là làm cho ai, làm gì. Chỉ có một luật thôi đối với Hùng, đó là làm cho ngôn ngữ điện ảnh giàu lên. Đó là cái quan trọng.
Sự mới mẻ đó có được tiếp nhận hay không lại là chuyện khác, không thành vấn đề, nó không phải là cái gì căng thẳng đối với Hùng. Nếu có một vài người rất thích và làm họ rất xúc động thì tốt. Quan trọng là khi mình làm xong mình thấy có thành công hay không.
Điều này cũng giống những tác phẩm ra đời cách đây cả mấy thế kỷ nó đến với mình, có vài tác phẩm nhìn vào đó mình thấy ngay rằng khi làm ra nó, họ biết họ đã làm ra được những điều tuyệt vời. Nếu ai biết trước thì đó chính là Hùng biết trước chuyện đó.
Sau này những liên hoan phim họ không nhận phim mình vào liên hoan phim của họ, khi mình biết lý do thì mình hiểu trình độ của họ như thế nào.
Nhiều lúc có những tác phẩm như cái thước đo người ta, người này như thế nào về mặt trí tuệ, về mặt văn hóa, nhân văn họ chỉ có chừng này thôi, còn nhiều người họ có chừng này chẳng hạn (vừa nói đạo diễn Trần Anh Hùng vừa đưa hai bàn tay ra dấu hai đoạn thẳng dài và ngắn).
Đây là điều mình phải biết vậy thôi. Rõ ràng người tuyển phim cho hai liên hoan phim lớn này họ rất kém. Họ chỉ quan tâm đến nội dung mà nội dung bắt buộc là những gì liên quan đến thời nay, những gì đang xảy ra. Bản thân Hùng không làm chuyện đó.
Nếu nói điều quan trọng nhất là làm cho ngôn ngữ điện ảnh giàu lên thì có vẻ anh cũng không quá xem trọng phản ứng của khán giả?
Không, khán giả quan trọng chứ. Chính vì thế mà Hùng thích đi gặp khán giả để biết được một chút họ nghĩ như thế nào. Cái này là cái rất hay.
Phim được ra mắt ở Pháp trước. Vậy anh thấy sự đón nhận của khán giảở Pháp khác với sự đón nhận của khán giảở Việt Nam như thế nào?
Cái này Hùng không biết vì phim ra mắt ở Pháp trước Việt Nam hai ngày, lúc đó mình đang ở Việt Nam. Hùng chỉ có chiếu một lần cho đoàn phim thôi. Đoàn phim thì khác, là bạn bè, người quen nên khác.
Tôi tò mò về không khí sáng tạo trên trường quay vì ngoài Yên Khê và nhà quay phim Ping Bin Lee làm việc với anh lâu năm, còn lại đa phần là những người mới hợp tác với anh lần đầu. Liệu giữa anh và họ có sự đồng điệu như ý chứ?
Quá trình làm phim này có một cái chất rất nhẹ nhàng. Đoàn phim gần như là hạnh phúc, không có chuyện gì nhiều lắm. Chỉ có vài ba chuyện căng thẳng về con người nhưng trong quá trình quay rất đơn giản, nhẹ nhàng.
Phim này mình bắt buộc phải làm việc với Bỉ vì đây là phim hợp tác với Bỉ. Tất nhiên là có sự đồng điệu vì đơn giản là mọi người nói chung một ngôn ngữ với nhau. Cái khó là cho Yên Khê thì Yên Khê làm việc với những tổ người Bỉ.
Những mâu thuẫn là Yên Khê gánh hết. Được cái Yên Khê là người rất nhẹ nhàng, luôn làm sao cho mọi sự trôi chảy. Có điều nào bực tức thì Yên Khê gánh hết chứ Hùng không biết gì.
Yên Khê chia sẻ trong quá trình chuẩn bị và bấm máy, Yên Khê phải đi xe lửa qua lại giữa Pháp và Bỉ. Có phải anh chọn bối cảnh chính ở Bỉ vì họ bắt buộc như thế?
Bỉ hỗ trợ một ít tiền thôi nhưng khi mình xài tiền ở bên Bỉ thì tiền quay trở lại. Chẳng hạn mình xài 10 đồng thì 4 đồng trở lại. Vì thế mà nó tăng số tiền của mình lên.
Đối với nhà sản xuất thì số tiền mình xài ở Bỉ nên càng nhiều càng tốt. Chẳng hạn số tiền của mình là 100 đồng, khi mình xài số tiền đó bên Bỉ thì có 40% người ta trả lại về thuế.
Trong 100 đó nếu mình chỉ dùng 10 đồng thì chỉ có 4 đồng trở lại. Nếu dùng 100 đồng thì có 40 đồng trở lại. Do đó mình phải suy nghĩ những cái không thể làm ở Bỉ thì mới làm ở Pháp, chẳng hạn cảnh biển, cảnh vườn.
Hiện tại tình hình kinh tế chưa khả quan và các quỹ dành cho điện ảnh cũng ít đi. Nghe nói phim này có kinh phí ít hơn so với Rừng Na Uy. Anh có thấy mình cần giải bài toán kinh tế này hay đó là chuyện của người khác. Nhân tiện, phim này có kinh phí bao nhiêu, thưa anh?
Phim này nghe nói kinh phí 14 triệu đô còn Rừng Na Uy thì Hùng không nhớ. Khi mình đang đi tìm tiền làm phim thì nhiều lúc mình phải đi theo nhà sản xuất gặp người này người nọ.
Có nhà sản xuất nói Hùng ơi, người này hơi khó và tôi không đủ lời để nói với họ. Có người sau khi Hùng đến thì họ vẫn từ chối.
Có người ban đầu từ chối nhưng sau khi nói chuyện với Hùng thì lại quay mặt sang nhà sản xuất và hỏi: “Anh cần bao nhiêu”, kiểu như thế. Đó là chuyện mình cần phải làm.
Hội họa và âm nhạc ảnh hưởng đến anh như thế nào trong cách làm phim?
Đó là thức ăn văn hóa rồi. Văn hóa như là thức ăn của trí tuệ. Khi tiếp cận với hội họa và âm nhạc thì trong đầu mình đã lược bỏ những cái mình không muốn, không thích.
Mình chỉ quan tâm đến những cái ở trong gia đình nghệ thuật của mình, khi làm phim thì tự nó hiện ra. Mình không bảo với người quay phim hay thiết kế là tôi muốn làm thế này. Quan trọng là dựa vào cái cảm giác của mình.
Nơi này thế nào, vậy thì nó giống phim này, phim kia, phải làm nó khác hẳn. Nó khác hẳn như thế nào. À, có một họa sĩ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, họ làm màu thế này. Đó là cách suy nghĩ để làm việc. Quan trọng là đưa cái nhìn mới chứ giống nhau hết thì không hay.
Xem những bức tranh của các họa sĩ cùng thời với nhau mình thấy họ hoàn toàn khác nhau. Mình tự hỏi người nào ở trong gia đình nghệ thuật của mình, người nào không, mình biết hết.
Khi mình làm phim, những cái mình lựa chọn cũng quan trọng ngang với những cái mình bỏ đi. Mình phải biết cái gì mình bỏ đi.
Vậy trong phim này, về ngôn ngữ điện ảnh, anh đã chọn gì, bỏ gì?
Nếu mình nói về ngôn ngữ điện ảnh thì Hùng đã bỏ đi tâm lý, bỏ đi những cảnh. Cảnh có nghĩa là, chẳng hạn như cảnh này khi mình ngồi nói chuyện như vầy thì bàn bên kia có mấy người đọc sách, bàn bên này có một gia đình, có một cô gái đang chụp ảnh.
Trong lúc đó có hai người nói rất to. Ví dụ vậy. Trong phim Éternité không có điều này. Phim này không có một cốt truyện. Trong đó chỉ có một bộ xương của câu chuyện thôi, không có da thịt, không đi vào chi tiết của đời sống hằng ngày, không có lời nói hằng ngày.
Khi bỏ hết những điều đó thì chỉ còn gì? Chỉ còn lại một cái nhìn xa xa về đời sống. Nó có một khoảng cách trong cái nhìn.
Nó xa xa và nó tạo ra một cảm giác của thời gian trôi qua rất nhanh, đến lúc nào đó mình ngu ngốc mình chết đi thì xong, nhưng đời sống vẫn tiếp tục, chung quanh mình vẫn tiếp tục.
Có lúc người ta nhìn vào mình, có lúc người ta không nhìn vào mình vì sắc đẹp. Rất nhiều cái tạo nên cảm xúc đặc biệt về đời sống.
Mình nhớ có lúc trong đời mình hoặc buổi sáng nào đó mình tỉnh dậy và cảm thấy có những lớp cảm xúc mà mình đã nhận được nó chồng lên nhau. Có cả cái vui cả cái buồn đi với nhau. Nó tạo cảm giác mình rất khó hiểu. Đó là một cảm giác mờ mờ của đời sống. Nó làm cho đời sống rộng ra, lớn lên.
Phim này chi tiết không có, nó xóa đi hết. Phim này có những cái mình giữ lại là cảm giác của vĩnh cửu, cảm giác của thời gian nó không bao giờ ngừng.
Ngoài những điều anh vừa chia sẻ thì thời gian còn thể hiện qua nghệ thuật quay phim hay dựng phim như thế nào?
Phim có những đoạn rất cụt cụt. Người ta đi qua, cắt, một cô bé ở trong khu vườn, cắt. Có cảnh hai chị em đang chơi với nhau mình chưa hiểu gì thì mới nói có một câu lại cắt.
Cô này đang khóc vì mất một đứa con, cắt, chuyển qua cảnh cô đang hôn một đứa con khác. Những hình ảnh ngắn cụt cụt ấy phải tiến rất nhanh và đó chính là thời gian, sự trôi qua. Khi mình có những cảnh như thế nó sẽ tạo nên cảm giác, cảm xúc chồng lên nhau.
Đến một lúc nào đó người xem họ sẽ không chịu được. Tới lúc đó có thể là có nước mắt hoặc bực tức. Người ta cảm được điều gì đó nếu người ta đủ chỗ, vì phim không có cốt truyện để theo dõi.
Lúc đó họ sẽ có sự trao đổi giữa nội tâm của họ với cuốn phim và những gì xảy ra trên màn ảnh cứ đi qua đi lại, đến một lúc nào đó nó tạo ra bực tức hoặc người ta sẽ khóc, khóc với một cách người ta không hiểu được. Cái này là một cái rất huyền bí.
Mục đích của nghệ thuật là thế, là cảm xúc chứ không phải là hiểu biết, không phải là triết học, đạo học, xã hội học. Tất cả những điều này mờ mờ xung quanh nhưng quan trọng là nội tâm và sự nhạy cảm và cảm xúc. Đó là mục đích của nghệ thuật.
Đây có phải là bộ phim chín muồi nhất của anh và anh có từ bỏ phong cách làm phim trước đây của mình?
Không đâu. Tôi không bỏ phong cách trước. Bây giờ có hai cách để anh làm phim. Một cách là trừ bỏ hết những điều tôi vừa chia sẻ như tâm lý, cốt truyện.
Cách thứ hai là kiểu trước đó. Con đường trước đó vẫn có rất nhiều thứ để khai thác. Thật ra cho đến bây giờ, ngay bây giờ thì ngôn ngữ của điện ảnh rất nghèo với những bộ phim mình xem hằng ngày.
Nếu mình lấy tất cả những phim đã làm trong năm nay ra so sánh với chỉ một phim của Murnau đã làm năm 1920 thì Murnau giàu hơn nhiều về mặt ngôn ngữ.
Bây giờ thì rất nghèo, chỉ dùng hình miêu tả cốt truyện để khi người ta xem, họ à thế này, à thế này. Hồi trước thì họ dùng hình gợi hoặc dùng cách khác.
Như vậy đường này vẫn cần, vẫn có nhiều chuyện để khai thác. Hai con đường đó rất rõ. Tùy theo từng dự án, tùy theo vật liệu đầu tiên xuất hiện mà mình nghĩ mình muốn làm gì đó với vật liệu này thì lúc đó mình mới biết mình đi đường nào hợp với vật liệu đó, mình muốn nói gì, mình muốn đưa cảm xúc đến cho người ta như thế nào.
Cảm ơn Trần Anh Hùng. Hy vọng với sự “biết trước” và đi trước thời đại của mình, Éternité của anh sẽ vĩnh cửu với thời gian.