Vườn ư? Thì có gì là lạ? Giờ đây, trên đất nước này, có ai đếm được bao nhiêu quán cà phê vườn? Ngay cả ở những nơi mà tấc đất đã thực sự trở thành… tấc vàng như Hà Nội – Sài Gòn, trong những quán cà phê hộp của chốn chen chúc phố phường, người ta cũng cố dành ra một góc xanh nhỏ bé để… “tiếp sức” cho việc làm dịu thần kinh của khách. Và của chính chủ nhân nữa, chứ sao!
Ở thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), cũng vậy thôi. Vậy mà, ở nơi có cái tên “cà phê Chương” này, trong một con hẻm nhỏ trên đường Tiểu La, lại có thể tìm ra một nét khác. Mà phải đến đây nhiều lần, mới “cảm” được điều ấy: dường như khách đến uống cà phê nơi đây đều là bạn bè với nhau cả. Phần lớn là nhà giáo, nhà báo, nhà văn…
Trời mưa. Mấy bộ bàn ghế ở phòng khách của căn nhà vừa đủ cho khoảng hai mươi người. Không có vẻ gì là “quán” cả. Mà như một cuộc lặng lẽ cà phê của vài nhóm bạn thân quen. Không mưa, thì những góc vườn êm mát bóng xanh cũng “vừa vặn” cho từng nhóm nhỏ dăm ba người nhâm nhi trò chuyện.
Chủ nhà chọn tên quán là tên của… chính mình. Không biết vì lý do gì? Để dễ nhớ chăng? Hay để nói rằng: Đây là nơi để gặp gỡ bằng hữu, còn cà phê chỉ là… Thì rằng là: Chủ nhân người gốc Huế, đi cũng đã nhiều nơi; vợ cũng không phải là người địa phương này. Và bây giờ, có lẽ sẽ định cư luôn ở chốn này. Thế đấy, sau những ma chiết của bao thăng trầm, bằng hữu chẳng phải là điều quý nhất hay sao?
Lan man thế, còn cà phê thì sao? Phải “được” chứ. Tất nhiên thôi, dù có vẻ chỉ là chuyện bình thường, nhưng có ly cà phê nào “thấm đượm” mà chẳng qua bao lần pha pha chế chế?
Nhạc thì hay, cũng “phải” vậy thôi. Nhiều loại, nhưng đều đẹp cả. Nghĩa là, những thanh âm ấy làm cho người nghe thấy yêu hơn những ánh lấp lánh của cuộc sống.
Những buổi chiều, trong đôi lần ghé qua nơi đây, chúng tôi – hai thầy giáo Hiệp và Thanh, Phan Văn Cẩm, tôi và chủ nhân – ngồi uống rượu vang. Trong thoáng sâu xa dang dở của khúc Symphonie Inachevée của Beethoven. Trong bóng mờ nhạt của ngày sắp hết. Và những câu thơ của người thi sĩ – nhạc sĩ quá cố trở lại. Uống hết một ngày đã hết / uống hết một năm sắp hết / còn liếm môi / Họ thèm bia hay thèm sống? (Quán bia – Văn Cao). May thay, chúng tôi ít nhiều đã qua được cái giai đoạn “thèm sống” đáng sợấy. Bây giờ, chúng tôi đang sống. Trong nhận thức về ý nghĩa của lời Khổng tử: vi nhân nan (làm người khó lắm thay).
Trong vườn, cây bao báp của nhà báo Minh Tự đã lớn. Ở một góc khác, là cây ngô đồng của nhà văn tài hoa mệnh yểu Nguyễn Xuân Hoàng. Cũng đã xanh. Cho thời gian thả rơi xuống những chiếc lá. Ngô đồng nhất diệp lạc / Thiên hạ cộng tri thu. Để biết rằng, Dòng Sống là sự Mất Đi và Còn Lại. Lại nhớ câu thơ của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ, viết lúc 16 tuổi, khoảng 50 năm trước: Cà phê không ngọt mộng / Thêm chút đường ưu tư… Những câu thơ của một tuổi trẻ đang “tìm đường”, trong những năm tháng đất nước còn bị chia cắt. Và tách cà phê khác, của một người đang tiến đến cái ngưỡng “nhi nhĩ thuận”: chúng ta nhận ra vị đắng và ngọt / trong bóng lá bạc hà in vào mắt của nhau… Trong cái thế giới ấy, vạn vật không phải là “cái bên ngoài” mà chính là những biểu hiện của tâm thức. Giữa hai giọt cà phê ấy, là Thời gian. Như thế, phải chăng, cà phê là những giọt nối? Để người gần với người hơn. Để yêu thương, thay vì căm hận.
Dường như trong bóng cây thùy liễu đang thẫm lại, có giọng hát ai, mơ hồ: Tim vang còn giây lát / Hơi rung còn thơm ngát / Dương gian còn trong mắt / nghe tiếng hát chưa nhạt tan…/ Bao nhiêu là thương mến /…với bao nhiêu niềm xao xuyến / Đời vẫn ban cho ngọt bùi…
- Nguyễn Đông Nhật