Tập trung vào phân khúc bình dân nhưng chú trọng chất lượng sản phẩm, cung cách phục vụ, Hồ Đức Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Hallo, đã thành công với món bánh mì chả cá nóng mang tên Bánh mì má Hải tại TP.HCM. Sau gần ba năm hoạt động, công ty của anh đã phát triển thành hệ thống với hơn 20 xe đẩy bánh mì đang hoạt động ổn định cũng như đầu tư phát triển cơ sở sản xuất cung cấp nguyên liệu cho các đối tác nhượng quyền tại các tỉnh thành khắp cả nước.
Trưởng thành từ những vấp váp, sai lầm
Những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu ẩm thực nhanh gọn của người dân thành phố, đặc biệt là học sinh – sinh viên, giới văn phòng, nhiều hình thức kinh doanh ẩm thực vỉa hè đã ra đời. Các hàng quà sáng như xôi, bánh bao, bánh mì… rồi đến những chiếc xe “di động” kinh doanh cà phê, nước sâm… mọc lên như nấm mọc sau mưa. Không mất nhiều chi phí đầu tư ban đầu, sản phẩm có giá cả bình dân nên người mua sẵn sàng chi trả… là thế mạnh giúp các cơ sở kinh doanh ẩm thực vỉa hè ngày càng phổ biến.Tuy nhiên, không phải ai chọn loại hình này cũng thành công.Thực tế cho thấy nhiều cửa hàng hoặc chuỗi ẩm thực vỉa hè mọc lên rồi mất hút.Chỉ những đơn vị chú trọng chất lượng, cung cách phục vụ và tiến dần đến việc đầu tư nhận diện thương hiệu mới phát triển mạnh mẽ.
Khởi nghiệp với xe đẩy bánh mì chả cá vỉa hè từ năm 2013 khi còn là sinh viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM với 2 triệu đồng, Hồ Đức Hải cũng nếm trải nhiều vấp váp, sai lầm, cả những ngày buôn bán ếẩm để duy trì việc kinh doanh. Thiếu kinh nghiệm là điểm yếu lớn nhất của chàng sinh viên 23 tuổi này, thế nhưng, kiên định với chất lượng sản phẩm và phong cách phục vụ nhiệt tình đúng chất sinh viên, xe đẩy bánh mì của Hải ngày càng ăn nên làm ra. Trong khi nhiều xe bánh mì chả cá bình dân chọn giá rẻ và không quan trọng nhà cung cấp, Hải chỉ chọn những cơ sở sản xuất chả cá tin cậy từ Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhờ vậy, khách ăn rồi “nghiện” bánh mì chả cá nóng và trở thành khách quen của Bánh mì má Hải lúc nào không hay.
Dù chỉ với giá 10.000 đồng/ổ, khách hàng đến với xe Bánh mì má Hải không chỉ được trải nghiệm bánh mì chả cá nóng giòn với hương vị lạ miệng mà còn cả cung cách phục vụ nhanh chóng, nhiệt tình. Tại mỗi điểm bán, ông chủ trẻ trang bị hình ảnh tiếp thị bắt mắt từ chiếc xe đẩy màu cam đến băng rôn quảng cáo, đồng phục, tạp dề của nhân viên. Nhân viên của Bánh mì má Hải đa phần là các bạn sinh viên cũng trải qua một khóa đào tạo ngắn hạn về bán hàng để tự tin hơn khi phục vụ khách. Giá cả bình dân nhưng chất lượng phục vụ “chuẩn sao” là điều mà ông chủ trẻ hướng đến khi phát triển hệ thống xe đẩy bánh mì chả cá của mình.
Đầu tư bài bản và chuyên nghiệp
Với tiềm năng lớn từ việc kinh doanh ẩm thực vỉa hè, không thiếu những thương hiệu na ná nhau ồạt ra đời dẫn đến sự cạnh tranh trên thị trường là rất lớn. Dù vậy, ông chủ trẻ cho biết, anh tự tin mô hình của mình sẽ tiếp tục phát triển không chỉ bởi chất lượng đảm bảo, độ ổn định của sản phẩm mà cả đội ngũ nhân viên phục vụ.
Nhờ thế mạnh khi tham gia hoạt động Đoàn – Hội thời sinh viên, Hải đã sớm xây dựng quy trình đào tạo bán hàng để nhân viên (đa phần là các bạn sinh viên) mạnh dạn, tự tin khi phục vụ khách, đồng thời thổi hồn vào các điểm bán sự tươi vui, nhiệt tình. Đến cuối năm 2014, Bánh mì má Hải được sự đón nhận tích cực của thị trường. Hoạt động trong khung giờ từ 6 đến 8 giờ 30 phút sáng, các điểm bán có khách đều đặn với số lượng bán ra trung bình 100 ổ/ngày. Hải cũng nhận được nhiều lời đề nghị từ đối tác để phát triển nhượng quyền. Từ đó, anh mạnh dạn đầu tư máy móc, phát triển dây chuyền chuyên sản xuất chả cá để phục vụ hệ thống của mình và các đối tác. Đến nay, Bánh mì má Hải phát triển hệ thống hơn 20 xe đẩy tại nhiều quận của TP.HCM với hàng trăm nhân viên và có cả nhân viên tại ba miền Bắc, miền Trung, miền Tây để hỗ trợ đối tác nhượng quyền.
Có thể thấy, quá trình khởi nghiệp của Hải từ thiếu kinh nghiệm, sai đâu sửa đó đã dần hoàn thiện, chuyên nghiệp hóa và gặt hái những thành công nhất định. Từ việc nhập nguyên liệu của các nhà cung cấp khác, đến nay, công ty đã có thể tự sản xuất các nguyên liệu căn bản như chả cá, nước xốt, tương ớt… để cung cấp cho toàn hệ thống, nhờ đó, chất lượng sản phẩm đảm bảo và ổn định hơn. Quá trình giao hàng, bảo quản, bán hàng cũng được thực hiện với quy trình bài bản. Định kỳ, Hải cũng thực hiện các đợt kiểm tra bất ngờ để nắm bắt tình hình kinh doanh và duy trì chất lượng sản phẩm ổn định tại các điểm bán.
Sau giai đoạn phát triển ồ ạt, dù rất tham vọng nhưng Hải cho biết anh đang tạm dừng mở rộng hệ thống để bổ sung những kiến thức về mặt quản trị cũng như đầu tư đội ngũ quản lý bài bản hơn. Trước đây, đội ngũ nhân viên của Bánh mì má Hải chủ yếu là các bạn sinh viên thì hiện nay, anh sẵn sàng chi trả mức lương cao để kêu gọi những nhà quản lý giỏi về marketing, quản lý nhân sự… để giúp công ty vận hành ngày càng chuyên nghiệp, phục vụ khách hàng tốt hơn. Ngoài phát triển hệ thống nhượng quyền tại các tỉnh thành và cung cấp chả cá cho các xe đẩy bánh mì, trong tương lai, công ty cũng định hướng đến việc sản xuất chả cá cao cấp hơn phục vụ nhu cầu sử dụng chả cá của các điểm bán bánh canh hay các hộ gia đình.
Với chi phí đầu tư thấp và cách vận hành đơn giản, mô hình kinh doanh ẩm thực vỉa hè như Bánh mì má Hải dễ thành công và có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, để phát triển ở quy mô lớn hơn, vấn đề quản trị hệ thống sẽ là bài toán lớn cần giải quyết. Theo một chuyên gia về nhượng quyền thương hiệu, việc vận hành 10-30 cửa hàng sẽ không gây khó cho các nhà quản lý non trẻ nhưng việc phát triển chuỗi từ 30 đến 50 cửa hàng sẽ rất khác, trong đó, kỹ năng quản lý nhân sự, phát triển chuỗi cung ứng và xây dựng thương hiệu là ba kỹ năng cần hoàn thiện.
Diệp Khánh (DNSGCT)