Trong ngôn ngữ biểu cảm của Lê Khanh luôn ẩn chứa một bí mật quyến rũ. Chị là một trong số hiếm hoi nghệ sĩ đạt đến sự tự do, quyền biến, luôn nổi bật bởi sức hút của những thiên tính nữ.
Sở hữu một gia tài khổng lồ với hàng trăm vai diễn đủ các màu sắc khác nhau, chị không ngừng góp nhặt, vun đắp cảm xúc của mình để tạo nên những phút giây làm đắm lòng người xem.
Nhạy cảm đến tận cùng với nỗi đau thiếu nữ, nỗi đau đàn bà, nỗi đau người mẹ…, chị mang lại cho khán thính giả một vẻ đẹp thuần khiết, có khả năng soi sáng và thức tỉnh lương tri bất chấp hiểm nguy, bất chấp mất mát và khổ đau…
Là con gái của hai nghệ sĩ Trần Tiến – Lê Mai, lớn lên trong chiến tranh, lênh đênh khắp mọi miền quê cùng cha mẹ lưu diễn, dường như thời thơ ấu đã giúp chị có nhiều trải nghiệm đắt giá để có thể theo đuổi con đường nghệ thuật?
Nếu tính thâm niên chính thức thì tôi đã làm nghề từ… trong bụng mẹ! Mầm sống là tôi đã rong ruổi cùng mẹ trên khắp nẻo đường.
Đến 8 tuổi tôi diễn cùng bố tham gia chương trình nghệ thuật sân khấu, điện ảnh truyền hình, năm 9 tuổi bắt đầu tham gia điện ảnh, năm 15 tuổi đóng những nhân vật thiếu nữ tuổi đầy khát vọng, lý tưởng. Với tôi, tuổi đời bao nhiêu thì tuổi nghề bấy nhiêu!
Khác với chị em gái mình chọn nghề múa, tôi đã chọn sân khấu, điện ảnh. Đó là cái duyên, cái mệnh, khiến sự nghiệp lúc nào cũng luôn bắt đầu, dang dở. Càng trải nghiệm nhiều, tôi càng muốn thực hiện tiếp giấc mơ của mình.
Nghe có vẻ nghịch lý nhưng khi quỹ thời gian đã dần ngắn lại, người ta thường có thêm nhiều khát vọng và mong mỏi thực hiện trong thời gian ngắn nhất có thể.
Thời thơấu, tôi được chứng kiến sự hóa thân của bố mẹ dưới ánh đèn sân khấu và điều đó đã tạo ấn tượng mạnh trong cả cuộc đời tôi. Sống, suy nghĩ, vui đùa mà trong tôi lúc nào cũng có ánh sáng của các nhân vật. Ngay cả những trò chơi của tôi cũng là diễn các nhân vật của bố mẹ.
Các cụ tổ nghề thường nói đó là nghề chọn mình, như cái duyên. Mệnh đó nếu chỉ vậy cũng là bình thường vì nhiều gia đình vẫn cha truyền con nối, nhưng để nuôi dưỡng lòng yêu nghề đến hôm nay, ở tôi có một sự đắm đuối sân khấu đến mức ma mị. Đó chính là cảm giác được hóa thân vào những thân phận, cuộc đời trên sàn diễn.
Những trải nghiệm nào trong cuộc sống đã giúp chị hóa thân vào những nhân vật vô cùng đa dạng, thật như Lý Chiêu Hoàng trong Rừng Trúc của cố văn sĩ Nguyễn Đình Thi hay hư cấu như nàng Juliet, nàng Desdemona?
Chẳng có nghề nào thú vị như nghề diễn. Vẫn là ta, nhưng hôm nay ta lại được làm người mẹ, người chị, người em khi tham gia diễn trong Bến bờ xa lắc hay Người Hà Nội. Ít ngày sau, ta lại được là con vua, vị vua cuối cùng đời Lý, trở thành hoàng hậu, dân thường. Rồi tự nhiên, ta lại quay trở về với quá khứ, đi thật là xa để hóa thân thành các nàng Juliet, Desdemona…
Nhưng để nuôi dưỡng tâm hồn đến giờ phút này và hóa thân thành công vào những vai diễn đó, tôi đã phải tận dụng hết mọi trải nghiệm của mình trong cuộc sống. Cái tôi của chính mình phải hòa được vào cái chung, tạo nên những hình tượng điển hình có sức lôi cuốn khán thính giả.
Người xem vẫn không thể nào quên được hình ảnh Lý Chiêu Hoàng, một dấu ấn mà có lẽ chị cũng không thể nào quên…
Khi có cơ may đối diện với những nhân vật lịch sử, tôi cảm nhận một nhân duyên tâm linh rất rõ. Từ điều lớn lao đó, trong quá trình hóa thân, tôi luôn nghiêm cẩn, trân trọng để qua vai diễn truyền đi một thông điệp thật mạch lạc về đời sống hôm nay qua bài học lịch sử hôm qua.
Nếu người nghệ sĩ không có nhiều trải nghiệm cuộc sống khi diễn vai Lý Chiêu Hoàng thì dễ đắm vào sự mất mát mà không làm nổi bật được sự thông thái của nhân vật.
Bài học việc nước là lớn nhất, nhưng bài học giữa người với người lại quan trọng hơn. Cốt lõi cao cả nhất là vấn đề con người. Đừng vì lý do lớn lao mang tầm đất nước mà đi ngược lại những vấn đề liên quan đến con người, đến tình yêu, đạo lý.
Nhờ đúc kết được những bài học như vậy, sự trở về đời thường của Lý Chiêu Hoàng thật cao cả, thanh thoát, nhẹ nhàng, khiến mọi người thức tỉnh, ân hận trước những lối hành xử vụ lợi, đi ngược lại giá trị của con người…
Đan Thiềm trong Vũ Như Tô thì ngược lại với Lý Chiêu Hoàng. Xuất thân từ một cung nữ bị bỏ quên, bà đã khuyên được kiến trúc sư nổi tiếng của thành Thăng Long là Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài…
Tại sao một cung nữ lại dám lấy mạng sống của mình để thuyết phục được Vũ Như Tô? Đó là vì Đan Thiềm hiểu rõ khát vọng lớn lao của những người nghệ sĩ nói riêng và của nhân tài nước Việt nói chung là muốn đem tài năng cống hiến cho non sông đất nước.
Khi đã được cống hiến tài năng cho đất nước, dẫu các nhân tài không còn trên cõi đời này thì tác phẩm của họ để lại vẫn là vốn quý của dân tộc, có giá trị đến muôn đời.
Có phải Jeanne d’Arc trong Chim sơn ca là vai diễn độc đáo đã tạo nên bước ngoặt của đời chị?
Năm 1996, tôi được hóa thân vào vai nữ anh hùng nước Pháp 17 tuổi, mặc áo giáp, lên yên ngựa, chỉ huy quân đội, chiến thắng quân Anh vang dội trong hai năm.
Đến năm 19 tuổi, cô bị bắt và bị hỏa thiêu, sau này được phong thánh. Tôi đã được trải nghiệm cảm giác bất cứ ai cũng có thể trở thành anh hùng khi có động lực lớn trong một thời điểm lịch sử đặc biệt, biết vượt qua chính mình để chiến đấu vì tự do của đất nước.
Ai cũng có thể trở thành anh hùng khi biết vượt qua giới hạn của bản thân, quyết đi tới cùng vì những giá trị đẹp của con người.
Jeanne d’Arc là một nông dân chăn cừu, chưa được học rộng, biết nhiều, chỉ có một lòng tin mãnh liệt để vượt qua giới hạn của một thiếu nữ, vượt lên cả nỗi sợ của chính mình…
Mỗi lần vượt qua, cô càng lớn mạnh hơn, thuyết phục được quân đội, được cả nhà vua. Lòng tin không thể cưỡng lại là phải cứu đất nước đã thôi thúc Jeanne d’Arc lên ngựa, phất cờ và chiến thắng. Đó là một giá trị sống rất thật với mỗi chúng ta, ai cũng phải vượt lên chính mình.
Chị có buồn không khi không khí làm nghệ thuật không còn như xưa? Liệu có phép thuật gì giúp sân khấu không bị đẩy lùi trong sự cạnh tranh khắc nghiệt với nghệ thuật thứ Bảy?
Đất nước chưa giàu, kỹ thuật chưa cao, âm thanh ánh sáng chưa thật, trang trí nghèo nàn… thì phải bù lại bằng tài năng diễn xuất. Không gì có thể hạn chế người nghệ sĩ thể hiện tài năng nếu họ muốn tác động vào nghệ thuật, vào tâm thức của khán giả.
Một sân khấu trống rỗng chỉ có một diễn viên vẫn có thể làm lay động lòng người, khiến người xem chợt cười, chợt khóc và ra về trong niềm xúc động. Tôi rất trân trọng những nghệ sĩ sẵn sàng là con thiêu thân cho nghệ thuật sân khấu, sẵn sàng chết trong nghệ thuật.
Làm thế nào để chị có thể nuôi dưỡng được ngọn lửa đam mê? Những vai diễn đầu sóng ngọn gió như thế có khiến chị phải trả giá nhiều không?
Năm làm bộ phim Người Hà Nội thì tôi vừa sinh con gái đầu lòng. Trong cảnh Thảo bị bế tắc, vô tình đi ra biển, Đồ Sơn thấu lạnh, gió hut hút. Suốt một đêm tôi ngấm lạnh vì phải mặc rất mong manh. Sau đoạn Thảo lao xuống biển, tôi bị mất luôn nguồn sữa nuôi con.
Một vở để lại ấn tượng sâu thẳm sau nhiều năm là Bến bờ xa lắc. Tôi mới mang bầu hai tháng thì đến ngày tổng duyệt rất quan trọng. Thế mà trớ trêu sao, hôm đó tôi bị động thai.
Đạo đức nghề nghiệp và trái tim người mẹ đã phải đấu tranh khủng khiếp với nhau. Tôi quyết định vào bệnh viện tiêm liều thuốc bảo vệ và hứa với bác sĩ sau đêm tổng duyệt mới vào nằm viện.
Tiếc là sáu ngày sau, tôi bị xảy thai. Điều an ủi là cuối cùng chiếc huy chương vàng trong Liên hoan sân khấu toàn quốc ở Ninh Bình đã đến với chúng tôi.
Với điện ảnh, trong phim Chiếc mặt nạ da người, thực sự tôi đã cận kề cái chết. Tôi đã gặp tai nạn khủng khiếp khi quay vì con ngựa lồng lên, phi nước đại.
Tôi đành phải buông dây cương, lộn ba vòng trên không, chấp nhận tàn phế suốt đời còn hơn để con ngựa quang quật thân xác mình vào đồi Cù của Đà Lạt.
Nhưng thật kỳ lạ, sau cú ngã đó, tôi đứng dậy tự nhiên, chẳng bị xây xước hay bầm tím thân thể trong lúc cả đoàn phim chết lặng.
Chính quay phim Phạm Việt Thanh, sau này là chồng tôi, đã lao đến xốc tôi lên. Chỉ hai giờ sau tôi trở lại bình thường, lại lên chính con ngựa đó và phim được quay tiếp.
Danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân có là một áp lực lớn đối với chị cả trong nghệ thuật lẫn đời thường?
Khi hóa thân vào nhân vật, chẳng bao giờ tôi nghĩ sẽ được phong danh hiệu gì. Cuộc đời tôi chẳng nhận được điều gì khuyến mãi cả, tất cả đều phải trả giá một cách… phi thường!
Cái được có chăng là hơn trăm vai diễn trong các thể loại nghệ thuật với biết bao đời sống, tính cách sinh động và phong phú, góp phần truyền tải những thông điệp cuộc sống có giá trị, ý nghĩa.
Chị quan niệm thế nào là sống giàu? Làm thế nào để sống giàu theo nghĩa đẹp nhất khi cuộc sống hằng ngày đầy nghiệt ngã trong mối quan hệ giữa con người với con người?
Sống giàu với tôi đơn giản là sống có ý nghĩa mỗi ngày. Giàu nghèo ở đây liên quan đến khái niệm kinh tế, đo giữa nhiều và ít. Bài toán kinh tế của tôi hơi khác so với mọi người. Tôi không đặt con số lên trước.
Trong tình yêu, ngày tôi gặp anh Thanh, quyết định sống chung với nhau thì sự giao kèo thỏa thuận đầu tiên bằng lời nói không có công chứng rằng em không giỏi kiếm tiền, chỉ biết diễn thôi, nếu anh kiếm nhiều sẽ tiêu nhiều, kiếm ít sẽ tiêu ít.
Đó là thỏa thuận duy nhất, tôi không yêu cầu về kinh tế, chỉ có yêu cầu về nghệ thuật, mong anh cùng yêu, cùng trọng, cùng giúp em thực hiện mong muốn của em.
Trong nghệ thuật, từ vai nhỏ đến vai lớn, bao giờ tôi cũng say sưa hết mình, không toan tính vụ lợi. Có điều đi đến đâu tôi cũng gặp những người thân quen, cũng được giúp đỡ. Cái lãi ấy không thể đong đếm được.
Tôi luôn vô tư, cống hiến hết mình, luôn có nhu cầu được học. Vì thế, đến tuổi này rồi mà có cơ hội học là tôi sẵn sàng.
Bí quyết thành công của chị là gì?
Tôi biết rất rõ điểm yếu của mình để khắc phục. Tôi cũng biết thi vị hóa cuộc sống để vượt qua khó khăn và đến đích. Tôi biết tài của mình có giới hạn nên luôn khát khao được học thêm.
Mình có gì đó chậm chạp, không linh hoạt, hơi cũ, hơi cổ thì từ từ thay đổi, không thông minh lanh lợi thì nghĩ cho kỹ. Tôi sẵn sàng học mọi lúc mọi nơi, từ bất cứ nơi đâu khi có thể. Từ việc tham gia đều đặn các khóa học về nghề ở nước ngoài (Nhật Bản) đến việc thường xuyên học hỏi từ các tác phẩm kinh điển truyền hình.
Một trong những sở thích của tôi là xem các vở nhạc kịch danh tiếng bằng TV. Màu sắc sống động của TV Samsung SUHD mở ra cánh cửa đến với thế giới của hình ảnh, của cung bậc cảm xúc, để từ đó tôi góp nhặt trải nghiệm để làm giàu vốn sống và thổi niềm đam mê đó vào các vai diễn của mình.
Gia đình chị tận hưởng cuộc sống như thế nào sau những ngày bận rộn? Thú vui nào chị yêu thích nhất?
Làm ngành nghệ thuật, bôn ba khắp bốn phương trời nên được sum họp là niềm vui nhất của gia đình tôi. Chúng tôi có thú vui được chăm sóc nhau, sáng tác cùng nhau, du lịch khám phá, gặp gỡ bạn bè.
Chúng tôi cùng xem phim, thưởng thức những bộ phim kinh điển, cùng bình luận và chia sẻ ý kiến về tác phẩm ấy. Tôi cũng có đam mê những thú vui nho nhỏ như bếp núc, sắp xếp nhà cửa, trồng hoa… Những lúc đó, tôi hay cười một mình và thấy lòng rất bình an.
Điều gì giúp chị có một cốt cách rất riêng của người Hà Nội?
Cốt cách nếu có là do thẩm thấu từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, rồi từ đất nước, vùng miền. Phụ nữ Hà Nội gốc dễ nhận ra lắm, thường rất thanh và rất lịch, đa phần khẽ khàng, ý tứ và nề nếp. Nhiều người lên tuổi cụ rồi mà lúc nào cũng vẫn tinh tươm, e ấp như mới đôi mươi.
Chị quan niệm thế nào là người phụ nữ đẹp? Làm thế nào để giữ mãi sự thanh xuân trong từng ánh mắt, nụ cười?
Theo tôi, người phụ nữ đẹp là người dù ở bất kể hoàn cảnh nào cũng có khả năng tạo nên những giá trị cuộc sống cho mình và cho người khác bằng tinh thần và tấm lòng. Ánh mắt, nụ cười rạng rỡ là biểu hiện lòng tin về ý nghĩa tồn tại của họở trên đời.
Trong cách giáo dục con, chị coi trọng điều gì nhất? Chị muốn các con lớn lên trong bầu không khí như thế nào?
Ngoài lễ, nghĩa, hiếu thì việc khích lệ con vượt qua những giới hạn của chính mình, dám ước mơ và không bỏ cuộc là những điều tôi coi trọng nhất. Gia đình tôi luôn tạo cho các con một môi trường sống đầm ấm, có trách nhiệm và biết sẻ chia.
Theo chị, điều gì là quý giá nhất?
Có sức khỏe là có tất cả!