Có một thực tế là những phân tích dự báo trên thị trường chứng khoán thường “nương” theo đà lên xuống của các chỉ số. Khi mọi chuyện tốt đẹp, những cột mốc điểm mới được xác lập, những dự báo đều nghiêng về kịch bản VN-Index sẽ thẳng tiến đến số tròn 700. Thế nhưng chỉ sau một quãng giảm điểm, tâm lý bi quan đã bao trùm, những dự báo bây giờ là thị trường sẽ còn tiếp tục đi xuống cùng những lời khuyên không nên mở vị thế mua mới, đừng tham gia bắt đáy… dành cho các nhà đầu tư.
Như đã đề cập nhiều trong các phân tích trước đây, thực ra việc VN-Index lui về vùng giá hiện nay và thậm chí thấp hơn nữa là điều tốt. Một mặt, điều này giúp đưa cổ phiếu về vùng giá trị thực, bởi những bước tăng trưởng vừa qua không đi kèm với sự đi lên về kinh tế hoặc dấu ấn kinh doanh gì nổi bật của doanh nghiệp nên không bền vững. Mặt khác, việc một số cổ phiếu tăng trưởng nóng có dấu hiệu bị “thổi” giá liên tiếp phải giảm giá giúp cho nhà đầu tư có được cái nhìn rõ ràng hơn về chất lượng hàng hóa mình mua.
Có thể nói chu kỳ tăng trưởng gần nửa năm và vượt mọi kỳ vọng của các nhà đầu tư đã chấm dứt. Kỳ vọng quá mức của một số nhà đầu tư, cộng thêm tác động từ những nhóm mua bán lớn mang tính đầu cơ khiến cho nhiều cổ phiếu có mức tăng “khủng”. Nhóm cổ phiếu này thường là nơi tập trung nhiều khoản vay margin và cũng là nhóm cổ phiếu dễ bị bán tháo nhất khi thị trường đi xuống. Một điển hình cho sự mất giá của cổ phiếu đầu cơ, giá trị không tương ứng với chất lượng tài sản và kinh doanh của doanh nghiệp là cổ phiếu TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành. Sau khi được đẩy lên đến đỉnh 43.600 đồng/cổ phiếu, những thông tin về việc công ty bị phát hiện thiếu 980 tỉ đồng hàng tồn kho, dẫn đến khoản lỗ hơn 1.100 tỉ đồng trong quý II-2016 đã khiến cho TTF “rơi tự do”, giảm sàn liên tục hàng chục phiên. Không những thế, mỗi phiên lại có hàng triệu cổ phiếu này được bán với giá sàn nhưng chẳng có ai mua. Thực ra, nhiều nhà đầu tư dù biết hoặc cảm nhận được doanh nghiệp như vậy có những yếu tố bất ổn, nhưng vẫn chấp nhận tham gia vào con sóng tăng điểm của chúng với hy vọng nếu có gì xảy ra thì mình vẫn “thoát” kịp. Nhưng với những cú lao dốc như của TTF, DRH, KSB, ACM, HAX, TMT… thì dù có thoát kịp, nhà đầu tư cũng phải gánh chịu tổn thất không nhỏ.
Khi VN-Index và HNX-Index về với vùng giá “dễ chịu” (620 với VN-Index và 80 với HNX-Index), mọi thứ sẽ dần cân bằng hơn. Vẫn có hai yếu tố tích cực, có thể làm điểm tựa cho thị trường trong lúc khó khăn và trong thời gian tới. Đầu tiên, yếu tố “ngoại” tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Sau tháng 7 mua ròng kỷ lục với trị giá lên tới 1.158,87 tỉ đồng (hơn 52 triệu USD), bất chấp việc hai thị trường đều giảm điểm, giao dịch của khối ngoại vẫn khá tích cực, trạng thái mua ròng vẫn được duy trì trong tuần lễ đầu tiên của tháng 8, với giá trị gần 350 tỉ đồng. Điều tích cực thứ hai là một số cổ phiếu cơ bản có vốn hóa lớn như VNM, MWG, HPG, HSG… hay một số cổ phiếu cơ bản tốt khác chứng tỏ chúng hoàn toàn có thể trụ vững trong những điều kiện khó khăn, khi cả sàn gần như “đỏ rực”. Sự “ngược dòng” này chứng tỏ các cổ phiếu giá trị đang chứng tỏ sức mạnh và tình trạng các cổ phiếu trên thị trường cùng tăng hoặc giảm điểm đã không còn. Nói cách khác, tác động của dòng tiền đầu cơ ngày càng giảm bớt, thay vào đó dòng tiền đầu tư đang dẫn dắt thị trường. Nhóm cổ phiếu cũng được dự báo nhiều khả năng sẽ bứt tốc một khi thị trường chung hồi phục.
Ngọc Khang (DNSGCT)