Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong một công bố hôm 7-7 cho rằng khoảng 137 triệu lao động, tức 56% lực lượng công nhân, của Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ mất việc cao trong hai thập niên tới khi máy móc tự động sẽ dần thay thế con người.
Hãng Reuters dẫn số liệu của ILO cho biết Đông Nam Á với hơn 630 triệu dân là trung tâm của nhiều ngành sản xuất, trong đó ngành dệt may, giày dép có nguy cơ bị tự động hóa cao nhất trong số năm ngành nghề được nghiên cứu, bao gồm lắp ráp ôtô, sản xuất phụ tùng ôtô, sản xuất đồ điện và điện tử, gia công quy trình kinh doanh và bán lẻ.
Báo cáo cảnh báo 64% số công nhân ngành dệt may và giày dép ở Indonesia có nguy cơ mất việc cao do tự động hóa, tại Việt Nam con số này là 86%, Campuchia là 88%. Hiện có khoảng 9 triệu công nhân làm việc trong ngành dệt may và giày dép ở Đông Nam Á. Báo cáo cho rằng “Robot đang ngày rẻ hơn, hiệu quả hơn trong việc lắp ráp và có khả năng hợp tác với con người cao hơn”.
Tăng trưởng xuất khẩu của dệt may và giày dép có thể sẽ giảm mạnh nếu hai thị trường chính là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tự sản xuất áo quần nhờ tự động hóa. Điều này sẽ dẫn đến những hậu quả xã hội lớn đối với các nền kinh tế ASEAN, trong đó Việt Nam đang tiếp nhận đầu tư kỷ lục vào hai ngành này trong bối cảnh đón đầu các hiệp định tự do thương mại với các thị trường lớn, kể cả Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương đang chờ 12 nước phê chuẩn.
Đối với ngành lắp ráp và sản xuất phụ tùng ôtô, có hơn 70% công nhân ở Thái Lan đứng trước nguy cơ bị thay thế bởi máy móc tự động. Con số này ở Indonesia là hơn 60%. Thái Lan là trung tâm sản xuất và xuất khẩu của các hãng xe hàng đầu thế giới. Ngành công nghiệp ôtô đóng góp 10% trong tổng GDP hằng năm của nước này.
Báo cáo của ILO cho rằng các công nhân ở Đông Nam Á cần phải được đào tạo để làm việc hiệu quả bên cạnh máy móc được số hóa.
Đ.N (DNSGCT)