Một báo cáo mới công bố của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) kêu gọi châu Âu xem xét lại chính sách nhập cư của mình để nâng cao khả năng cạnh tranh trong cuộc chiến giành nhân tài. Báo cáo cho biết trong tổng số người lao động nước ngoài chất lượng cao, chỉ có 31% đến làm việc trong Liên minh châu Âu (EU), trong khi số này lên đến 57% ở Bắc Mỹ.
Báo cáo của OECD đánh giá chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng cao của châu Âu chưa thỏa đáng. Nhìn chung, cuộc khủng hoảng tài chính đã dẫn đến một sự suy giảm về số lượng lao động nhập cư hằng năm tại EU, từ hơn nửa triệu người trong năm 2008 xuống 250.000 năm 2012, trong khi dòng chảy lao động luôn ổn định ở các nước phát triển khác.
Australia, Canada và New Zealand đang là điểm đến ưa thích của người lao động trình độ cao. Các nước này đã đưa ra các chương trình đặc biệt về nhập cư kinh tế chọn lọc. Trong khuôn khổ chương trình, Canada và Australia ghi nhận 60.000 đơn xin nhập cư, so với 80.000 của tất cả các nước thành viên EU.
Một trong những khó khăn là châu Âu không giữ chân học sinh nước ngoài, chỉ một phần nhỏ trong số họ – từ 16% đến 30% – ở lại sau khi tốt nghiệp. OECD đánh giá những nhân tài này rất quan trọng để xây dựng tương lai châu Âu.
Giám đốc phụ trách việc làm và các vấn đề xã hội OECD, Stefano Scarpetta nhấn mạnh sự cạnh tranh dài hạn của EU cũng như khả năng phát triển mạnh và bền vững đang bị đe dọa. Người nhập cư có trình độ cao có thể đóng một vai trò quan trọng để cải thiện tình trạng thiếu hụt lao động, kích thích sáng tạo và thúc đẩy tăng trưởng sản suất.
Việc thu hút nhân tài còn quan trọng hơn, khi châu Âu đang phải đối mặt với một sự suy giảm về nhân khẩu, do dân số ngày một già hóa và tỷ lệ sinh thấp ở nhiều nước EU.
Theo các chuyên gia, sự cấp thiết bây giờ là tái kích hoạt các chính sách di trú để làm cho châu Âu hấp dẫn hơn. Hệ thống Thẻ lam EU (Blue-Card-Ready), tương đương với Thẻ xanh của Mỹ (Green Card), nên được mở rộng, ví dụ bằng cách hạ thấp ngưỡng lương, đặc biệt là đối với những người trẻ.
Thực tế hiện nay để một người nước ngoài được cấp “chìa khóa thần kỳ” châu Âu này là rất khó khăn. Năm 2014, chỉ có 10.000 lượt người có đủ điều kiện để xét cấp thẻ xanh và chỉ một nửa số đó được cấp.
Báo cáo cũng khuyến nghị EU đưa ra các chính sách mềm dẻo hơn về nhập cư lao động, như việc tạo thuận lợi trong việc cấp giấy phép lao động cho những sinh viên đã tốt nghiệp. Báo cáo cũng đề nghị đơn giản hóa việc công nhận bằng cấp nước ngoài và nhấn mạnh một nền tảng chung của cả khối EU phục vụ cho việc xin di cư lao động sẽ là một biện pháp được hoan nghênh.
Cuối cùng, cần phải xúc tiến thúc đẩy thị trường lao động chung. Điều này tạo nên sự lưu thông lao động giữa các quốc gia và tạo ra một hình ảnh chiến lược khác.
Nó không còn là xúc tiến quảng bá thị trường lao động riêng lẻ của Pháp, Đức hay Tây Ban Nha mà ở đây là quảng bá thị trường châu Âu như một thị trường lao động chung.
T.K (DNSGCT)