Tại một hội nghị về chủ đề người tỵ nạn trong phát triển đô thị, Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Jan Eliasson cho rằng ngay cả ở những thành phố tiếp nhận một lượng người di cư hay tỵ nạn đông đảo, sự hiện diện và lao động của họ vẫn mang lại nhiều lợi ích cho nơi cưu mang họ. Bà Eliasson cũng nhắc lại câu nói của ông Bill Swing, Tổng giám đốc Tổ chức Quốc tế về người Di cư: “Người di cư cần đến các đô thị và các đô thị cũng cần người di cư”.
Theo các dữ liệu vừa được công bố, vào năm 2050, hai phần ba dân số toàn cầu sẽ sống ở đô thị. Với 60 triệu người rời bỏ chỗ ở trong một thời gian trung bình 17 năm, ngày càng có nhiều người di cư trong nội địa và người tỵ nạn sống bên ngoài các trại tạm cư. Cao ủy Tỵ nạn LHQ (UNHCR) cho biết chỉ có một phần tư người tỵ nạn sống trong các trại được thiết lập dành cho họ. Khi được sử dụng, người di cư và tỵ nạn có thể tạo ra nhiều lợi ích kinh tế như tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và tăng cường thuế khóa. Philippe Legrain, tác giả một công trình nghiên cứu về người tỵ nạn, nhận định là người tỵ nạn có thể có những đóng góp đáng kể vào những nền kinh tế tiên tiến. Cho dù khi đón tiếp họ, nước chủ nhà phải có những khoản đầu tư ban đầu, nhưng chỉ trong năm năm, phần họ trả lại sẽ tăng gấp đôi phần đầu tư dành cho họ. Legrain cũng tiết lộ rằng bố của Steve Jobs, người đồng sáng lập hãng Apple, từng là một người di cư gốc Syria. Về mặt nhân dụng, người tỵ nạn sẽ giúp lấp đầy khoảng trống về lao động và kỹ năng ở những nước có dân số già nua như Đức chẳng hạn. Nếu không có người di cư, vào năm 2030, cứ trong ba người dân, nước Đức chỉ còn có hai người trong độ tuổi lao động, một đã ở tuổi về hưu. Về mặt tài chính, khi đời sống đã ổn định, sự hiện diện của người tỵ nạn và di cư sẽ giúp làm giảm gánh nặng cho người bản xứ, nâng cao nền tài chính công của nước Đức.
Tuy nhiên, trong hội nghị kể trên, các thành phần tham dự bao gồm đại diện LHQ và các tổ chức dân sự cũng thảo luận về những thách thức của vấn đề đô thị hóa bền vững, trong đó có sự hợp nhất về mặt kinh tế của người di cư và người tỵ nạn. Hiện nay, hai cộng đồng này đang đổ dồn về các đô thị với hy vọng tìm thấy việc làm và những cơ hội tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ về y tế và giáo dục. Họ cũng đang đối mặt với nhiều rào cản trên con đường tiếp cận với những dịch vụ trên và để có thể giúp cho họ đạt được mơ ước một đời sống khá hơn trên đất nước tạm cư, cộng đồng quốc tế cần hợp tác tích cực hơn nữa để đề ra những chính sách hữu hiệu nhất dành cho họ.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)