Sự kiện nhỏ nhưng lại là vấn đề lớn, đó là tình trạng thương lái Trung Quốc cố tình tạo sự lệ thuộc cho nông dân của chúng ta. Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết cuối tuần qua tại cửa khẩu Chi Ma, không có bất kỳ xe chở heo nào sang được bên kia biên giới trong khi trước đó tại cửa khẩu này mỗi ngày có hàng trăm tấn thịt heo được chở sang Trung Quốc.
Các thương nhân cho hay, việc buôn bán nông sản sang Trung Quốc rất tiềm năng nhưng cũng đầy rủi ro vì không biết họ sẽ cấm biên khi nào. “Mỗi ngày một con heo mất đi khoảng 1 – 2% trọng lượng, tức heo một tạ bình quân mất 2kg/ngày, tương đương khoảng 100.000 đồng. Như vậy, một xe heo 100-200 con thì mỗi ngày chúng tôi mất khoảng 20 triệu đồng, chưa kể khi quay trở lại trong nước, heo này rất khó bán vì nhiều mỡ”, một thương lái cho biết.
Theo ông Nguyễn Đức Trọng, Cục phó Cục chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc ồ ạt nhập rồi đột ngột dừng lại của Trung Quốc đã diễn ra nhiều năm nay, mọi người đều biết. Họ dừng và không bao giờ cảnh báo trước nên sẽ rất khó để giao thương. “Hiện tại Trung Quốc vẫn đang dừng nhập heo và chưa biết bao giờ thông trở lại. Chúng tôi không thể nắm nổi thông tin”.
Trong một diễn biến tương tự, mới đây nhiều hộ nuôi rắn hổ tại An Giang bán cho thương lái Trung Quốc cũng lâm vào tình cảnh này. Cách buôn bán cũng giống nhau, đó là đẩy giá lên cao, nông dân bị hấp dẫn bởi lợi nhuận đã chuyển đổi sản phẩm truyền thống. Nhưng chẳng bao lâu, thương lái Trung Quốc đột ngột ngưng mua, hàng hóa bị ứ đọng, giá xuống thấp và người sản xuất bị phá sản.
Một tháng trước đây, tại Quảng Ngãi giá ớt tăng gấp đôi, từ 20.000 đồng lên 43.000 đồng/kg, không ít hộ nông dân nhổ bỏ nhiều loại cây trồng khác để trồng ớt bán cho thương lái Trung Quốc.
Cảnh giác trước tình trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi khuyến cáo người dân không nên thấy giá cao nhất thời mà ồ ạt trồng ớt, trong khi chưa tìm thấy đầu ra ổn định.
Lời cảnh báo này không thừa khi trước đây Bộ Công thương từng có văn bản gửi các địa phương yêu cầu giám sát, kiểm tra việc thương nhân nước ngoài thu mua hàng hóa tại Việt Nam. Văn bản này khẳng định tại một số địa phương lại bắt đầu có hiện tượng người nước ngoài vào nước ta thu mua nông sản, lâm sản, thủy sản, đặc biệt là mua những loại khác lạ như đỉa, lá khoai…
Theo Bộ Công thương, tình hình này đang theo chiều hướng ngày càng phức tạp, có thể ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, ổn định kinh tế và trật tự an toàn xã hội. Tuy trong văn bản không nói rõ người nước ngoài là ai nhưng theo một quan chức của Bộ thì thương nhân nước ngoài chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Chuyện thương lái Trung Quốc thuê người vào tận làng xã của chúng ta đặt mua đủ loại hàng một cách khó hiểu diễn ra hàng chục năm nay, gây thiệt hại không chỉ cho nông dân mà với cả nền kinh tế nhưng chúng ta vẫn chưa có phương án đối phó.
Từ mươi năm trước, thứ mà thương lái Trung Quốc thường mua là móng trâu, móng bò; vài năm gần đây là đỉa, lá điều khô, dừa khô, rễ tiêu, rễ sim, rễ hồi; sau đó họ chuyển sang mua nhiều nhất là lá khoai mì, lá khoai lang với số lượng lớn.
Địa bàn hoạt động của họ không chỉ tại các tỉnh biên giới phía Bắc mà cả ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nông dân không cần biết người ta mua để làm gì, nhưng do lợi ích trước mắt, hễ thấy loại nông sản nào bán được giá và dễ kiếm tiền là cứ bán, chẳng hề quan tâm đến hậu quả không thể lường hết.
Chẳng hạn lá điều khô lâu nay nông dân dùng để giữ ẩm và tăng độ mủn cho đất, nay không còn lá điều để ủ, năng suất cây điều sẽ thấp trong mùa sau. Hay móng trâu cắt bán đi thì con trâu sẽ chết và nông dân không còn sức kéo. Đỉa, ốc bươu vàng nuôi nhiều nhưng rồi thương lái đột ngột ngưng mua, ốc đổ đầy đồng lại phát triển mạnh hủy hoại môi trường. Lá khoai lang mà cắt đi thì chỉ còn rễ, năng suất khoai giảm 50%.
Nhưng nguy hại nhất chính là việc chạy theo yêu cầu không bình thường của thương lái đã làm thị trường bị lũng đoạn, hoạt động sản xuất kinh doanh bị lệ thuộc vào một nhóm đối tượng khách hàng chủ yếu.
Những cảnh báo về sự lệ thuộc cũng được nhắc đến khi hiện nay các thành phố du lịch tràn ngập khách Trung Quốc.
Tại Đà Nẵng, các tuyến đường ven biển như Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn) gần đây bỗng trở thành phố Trung Quốc với hàng loạt nhà hàng, khách sạn treo biển bằng tiếng Trung Quốc.
Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết trong năm 2015 và quý I-2016, Trung Quốc là một trong những nước có số du khách nằm trong tốp đầu ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, các khách sạn ở đây cho biết họ ít được hưởng lợi vì khách Trung Quốc thường đi theo tour đặt sẵn tại các khách sạn do người Trung Quốc làm chủ.
Theo bà Lê Thị Châu Trinh, Trưởng Phòng Quản lý lưu trú Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, do số lượng khách châu Âu đang giảm mạnh nên tỉnh này tập trung khai thác khách ở các thị trường gần. Thế nhưng, tỉnh không tập trung vào khách Trung Quốc, do các doanh nghiệp không mặn mà với đối tượng khách này vì khả năng chi tiêu không cao, ý thức kém.
Thành phố Nha Trang cũng trong tình trạng tương tự. Trong buổi giao ban thường kỳ tổ chức hôm 6-5, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh cho biết, trong năm 2015 lượng khách Trung Quốc đến địa phương này đạt 180.000 lượt, dự báo năm 2016 sẽ tăng đến 400.000 lượt. Tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo ngành du lịch cần quản lý chặt các tour tuyến liên quan đến khách Trung Quốc, tránh tình trạng bán tour tuyến giá thấp để đề phòng khách hàng bất ngờ chuyển địa điểm du lịch, sẽ để lại hậu quả đáng tiếc.
Ông Vinh cũng chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở bán hàng cho khách Trung Quốc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Số liệu mới nhất về quốc tịch du khách do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa cung cấp cho thấy trong ba tháng đầu năm 2016, lượng khách châu Âu đến tỉnh này sụt giảm, chỉ còn 78% so với cùng kỳ năm 2015; khách từ châu Đại Dương còn 89%. Nhiều nước truyền thống như Úc chỉ còn khoảng 8.100 lượt, bằng 77% so với năm 2015; khách Mỹ còn khoảng 89%; khách Anh, Pháp, Đức lần lượt còn 89%, 85%, 78%. Trong khi đó khách Trung Quốc lại tăng gần 500%, đạt 107.600 lượt.
Một chủ khách sạn trên đường Hùng Vương – Nha Trang cho biết từ khi khách sạn tiếp nhận khách Trung Quốc, số lượng du khách các nước khác sụt giảm rõ rệt.
Mới đây, sau vụ xô xát giữa nhân viên hải quan tại sân bay Cam Ranh với một du khách Trung Quốc, trên mạng xã hội và một vài tờ báo ở Trung Quốc đã lên tiếng khuyên người dân nước này không nên đi du lịch Việt Nam. Đây là một biểu hiện đáng ngại về “hội chứng lệ thuộc”.
Gia Minh (DNSGCT)