EU lên danh sách đen về thiên đường thuế
So với cuộc khủng hoảng nợ công nguy cấp nhất diễn ra hồi năm 2011, tình hình kinh tế tổng thể của châu Âu hiện nay xem ra đã có chút khởi sắc. Năm 2016, dự đoán kinh tế của Eurozone sẽ tăng trưởng 1,7%.
Trong các nền kinh tế lớn nhất của khu vực này, dự tính kinh tế Italia sẽ giảm ba năm liên tiếp, kinh tế Pháp rơi vào đình trệ, mức độ tăng trưởng của Đức vốn có xu thế tốt đẹp trong nhiều năm liền cũng nhanh chóng chậm lại. Tuy nhiên, một số nước trước kia rơi vào khủng hoảng nợ công lại tìm được động lực tăng trưởng, trong đó Tây Ban Nha có biểu hiện rõ rệt với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2015 vượt mức 3%, gấp hai lần dự đoán trước đó. Các nước Bồ Đào Nha, Iceland, Latvia cũng có biểu hiện tốt nhưng trọng lượng kinh tế của các nước này không đủ mạnh để thể hiện ra bên ngoài.
Ba tháng gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành chế tạo châu Âu đã tăng lên vị trí cao nhất trong hai năm qua, khiến mọi người nhận thấy có chút khả quan hướng tới tương lai.
Mặt khác, bản thân cuộc khủng hoảng nợ công cũng có chút thuyên giảm. Số liệu cho thấy thâm hụt tài chính năm 2015 của Eurozone rất có thể thấp hơn 3%, việc tái thiết tài chính công và điều chỉnh hệ thống tiền tệ của một số nước đạt được những tiến triển khả quan. Có hai nhân tố hạn chế lớn nhất trong kinh tế châu Âu hiện nay: một là tỷ lệ thất nghiệp cao và hai là mối đe dọa của giảm phát.
Trong một diễn tiến khác, Liên minh châu Âu đồng thuận đưa ra danh sách đen về thiên đường thuế, sau vụ rò rỉ Hồ sơ Panama. Bộ trưởng Tài chính của các quốc gia EU cùng ủng hộ động thái này. Theo dự kiến danh sách sẽ được đưa ra vào cuối mùa hè năm nay.
Ủy ban châu Âu cho biết các quốc gia có tên trong danh sách đen sẽ bị cấm vận nếu không chú ý tới những yêu cầu thay đổi.
Vụ rò rỉ hàng triệu tài liệu từ hãng luật Mossack Fonseca ở Panama cho thấy giới giàu có và quyền lực dùng thiên đường trốn thuế để giấu tài sản như thế nào.
Kế hoạch đưa ra danh sách chung duy nhất cho EU về “không hợp tác pháp lý” từng không thực hiện được do xung đột về lợi ích giữa các quốc gia.
Hiện nay, 28 quốc gia EU vẫn có danh sách thiên đường trốn thuế riêng và có thể tự quyết định xem sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hay không.
Thương lượng về bản danh sách chung được cho là sẽ phức tạp và vẫn chưa rõ về phạm vi pháp lý.
Các bộ trưởng cũng đồng ý trao đổi thông tin với đối tượng hưởng lợi của các công ty và EU cũng lên kế hoạch trừng phạt các ngân hàng và nhà tư vấn thuế giúp khách hàng giấu tiền ở nước ngoài.
Đ.N – T.K (DNSGCT)