Nếu bạn mong muốn khám phá những giới hạn, hãy thử thách bản thân mình. Chơi thể thao là một trong những cách để chúng ta có thể khám phá được những giới hạn ấy. Đạp xe là một trong những bộ môn thể thao như thế.
Từ lâu, đạp xe đã trở thành bộ môn thể thao phổ biến và là sự lựa chọn của nhiều người dân ở các nước phát triển như Singapore, Anh, Hà Lan… Tại Việt Nam, hình ảnh các tay đua nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp cong mình trên những chiếc xe đạp cũng đã trở nên quen thuộc đối với chúng ta. Tuy vậy, vẫn có nhiều người băn khoăn rằng liệu mình có thể chơi bộ môn này hay không, nên bắt đầu như thế nào? Sẽ có nhiều điều tuyệt vời mà bạn không ngờ đến khi bắt đầu với môn thể thao cùng chiếc xe hai bánh này.
Ai có thể tham gia bộ môn đạp xe?
Nhiều người e ngại về thể lực nhưng chơi xe đạp chỉ cần khoảng 20% thể lực, phần còn lại thuộc về ý chí và đam mê. Có thể khi thấy những tay đua xe đạp rất “ngầu” trên phố, bạn sẽ rất thích và muốn tham gia bộ môn này. Đạp xe để tiết kiệm chi phí đi lại, để cải thiện sức khỏe, thậm chí giành được giải thưởng ở một cuộc đua xe đạp nào đó… Lý do nào nghe cũng có lý, miễn là bạn nắm rõ mục đích và bắt đầu đi vào tập luyện. Điều này rất quan trọng vì đó chính là động lực thúc đẩy bạn kiên trì tập luyện.
Tất nhiên, vấn đề thể lực cũng là điều cần được xem xét kỹ lưỡng cho dù môn thể thao này không hề kén chọn người chơi. Bạn nên biết được nền tảng thể lực của bản thân đang ở mức độ nào và mong muốn được luyện tập ra sao vì tập luyện xe đạp để thi đấu hoàn toàn khác với tập luyện để nâng cao sức khỏe.
Lựa chọn bạn đồng hành thế nào?
Chọn người bạn đồng hành (chiếc xe đạp) là điều rất quan trọng khi bắt đầu. Có khá nhiều lựa chọn cho người chơi xe đạp tùy từng mục đích sử dụng:
– Những người mới tập có thể chọn xe đạp leo núi, xe đạp không phanh (fixed gear) hoặc xe đạp touring vì đó là những dòng cơ bản nhất để tập luyện kết hợp với du lịch trên một quãng đường ngắn, đạp xe kết hợp thư giãn.
– Xe đạp đường trường dành cho những người tham gia đạp xe ở những quãng đường dài và có những theo dõi chặt chẽ hơn về quá trình tập luyện.
– Xe đạp tính giờ (time trial) dành cho những người chơi ba môn phối hợp (triathlon).
Chị Kim Phụng (Facebook: Chu Chu Phụng), người đã có bốn năm chơi xe đạp leo núi (Moutain Bike – MTB) cho biết người mới “nhập môn” có thể mua một chiếc xe với đầy đủ các trang thiết bị hoặc chọn mua từng phụ tùng để lắp ráp thành người bạn đồng hành ưng ý. Giá cả mỗi chiếc xe đạp dao động trong khoảng từ 5, 7 triệu đồng, cao cấp thì lên đến 18-20 triệu đồng.
Ngoài người bạn đồng hành là chiếc xe đạp, chị Kim Phụng cũng nhấn mạnh những trang bị bảo hộ rất cần thiết đối với việc đi xe đạp địa hình vì khi đổ dốc, vượt đèo rất nguy hiểm. Cần luôn đội nón bảo hiểm, trang bị bọc khuỷu tay, bọc gối, bao tay để tránh trầy xước… Nếu trong rừng đi vào mùa mưa thì nên sử dụng giày chuyên đi bộ trong rừng. Quần yếm độn mông cũng là một trang bị cần thiết vì sẽ giúp hạn chế ê mông trong quá trình di chuyển.
Có quá khó để bắt đầu?
Đạp xe thì có gì khó? Khó khăn nếu có lại nằm ở chính bản thân chúng ta. Đối với người mới bắt đầu, nên tập các cự ly ngắn rồi tăng dần. Ban đầu có thể tập khoảng 15 đến 20km trong một giờ. Một tuần tập ba buổi. Sau đó tăng dần cự ly. Không nên cố gắng quá khi luyện tập vì sức bền và sức khỏe sẽ giảm dần theo thời gian và cường độ tập luyện.
Nếu được, nên chọn nhóm bạn đồng hành cùng sức, lập kế hoạch cụ thể đạp đi đâu, quãng đường bao xa, đi theo cung đường nào, bố trí khoảng cách và thời gian nghỉ hợp lý. Nên kiểm tra xe kỹ trước khi lên đường, mang theo đầy đủ nước và các thiết bị sửa xe cần thiết. Một điều khá quan trọng là ngủ đủ và uống đủ nước. Buổi sáng, trước khi chạy nên ăn một, hai trái chuối và uống nửa lít nước. Đó là chia sẻ của một người có kinh nghiệm đạp xe – anh Nguyễn Đức Minh Tuấn.
Cũng là người chơi xe đạp nhiều năm và hiện đang tập luyện để tham gia Ironman 2016, anh Hoàng Kim Anh Tú (Facebook: Tu Hoang) khẳng định chơi xe đạp cần nhất là niềm đam mê. Đam mê sẽ lớn dần thêm lên khi chúng ta có cơ hội được tìm hiểu sâu về bộ môn này, có kế hoạch tham gia trải nghiệm và có công cụ theo dõi tiến độ tập luyện. Đặc biệt là khi gặp thêm nhiều người bạn mới, có cơ hội được trao đổi kỹ năng, chúng ta sẽ được động viên, tiếp sức rất nhiều.
Chấn thương là điều mà người chơi bất cứ bộ môn thể thao nào cũng cần phải lưu ý. Với đạp xe, nguyên nhân gây chấn thương có thể do yếu tố khách quan như sự cố giao thông, thời tiết không thuận lợi hoặc chủ quan, chẳng hạn tập luyện quá sức, không áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nếu là nguyên nhân khách quan, người tập cần lựa chọn những cung đường vắng vẻ để hạn chế những tai nạn đáng tiếc, trang bị thêm cho xe đạp chuông, đèn, kiểm tra phanh chắc chắn trước khi khởi hành. Về mặt chủ quan, nên có những điều chỉnh hợp lý trong dinh dưỡng cũng như lịch trình tập luyện. Không nên đốt cháy giai đoạn, tập luyện quá sức.
Chậm mà chắc, cứ chịu khó trải nghiệm từ cái dễ đến cái khó. Đó là điều mà chị Kim Phụng chia sẻ với những ai mới bắt đầu tham gia bộ môn xe đạp leo núi. Khi mới tập, nên chọn những con dốc thấp hoặc địa hình bằng phẳng. Lúc đã vững tay lái thì thử sức những cung đường khó hơn (có rễ cây, sình lầy, đá lổm chổm hoặc đất bị sạt lở…) Song song với việc lựa chọn tăng thử thách thì tính cẩn trọng cũng cần được đặt lên hàng đầu. Cần kiểm tra phuộc nhún kỹ càng trước khi khởi hành vì trong trường hợp xe đổ đèo dốc, nếu phuộc nhún tốt sẽ hạn chế được tình trạng mỏi tay, không bị lạc tay lái. Khi đổ dốc không nên giữ mông trên yên xe, mà cần nhổm lên, chống chân lên bàn đạp để giữ thăng bằng, hạn chếảnh hưởng của va đập đến cột sống. Nếu bị té thì cần chủ động đưa vai ra trước để tránh tổn thương đến vùng mặt.
Những trải nghiệm vô giá
Khi dùng từ khóa “lợi ích của việc đạp xe”, bạn sẽ có khoảng 350 ngàn kết quả trên Google. Đạp xe giúp cơ bắp dẻo dai, cải thiện tình trạng tim mạch, giảm lượng calorie, giúp giải tỏa căng thẳng, tiết kiệm chi phí đi lại, góp phần bảo vệ môi trường… Dù sao thì chỉ khi bắt đầu, bạn mới thật sự hiểu đâu là lý do mình nên đạp xe.
“Chiến thắng được bản thân thì đi trước hay đi sau ai cũng không còn quan trọng nữa. Dù cả thế giới có từ bỏ bạn thì bạn cũng không được từ bỏ chính mình”. Đó là một trong nhiều điều có ý nghĩa mà chị Kim Phụng đã chia sẻ sau khi hoàn thành gần 120km trong ba ngày ở giải đua xe đạp địa hình Vietnam Victory Challenge 2016 vừa qua. Đằng sau niềm hân hoan, tự hào, phấn khích thì tất nhiên người chơi cũng phải chấp nhận cái giá phải trả như mệt mỏi, hụt hẫng, nhất là phải đối mặt với hiểm nguy trong hành trình và có thể bị chấn thương. Thế nhưng, qua những gì đã được trải nghiệm ở bộ môn đạp xe, chị Kim Phụng tin rằng một khi đã “vào cuộc”, ai cũng muốn một lần được đối mặt với những thử thách như thế.
Kinh nghiệm của anh Hoàng Kim Anh Tú
- Cần có kế hoạch tập luyện rõ ràng. Lên kế hoạch tham gia những giải đua xe đạp nhỏ để biết quá trình tập luyện của mình phát triển tới đâu.
- Cần có công cụ theo dõi quá trình tập luyện. Đây là cách giúp bản thân nhận thấy được tiến bộ trong quá trình tập luyện sau từng giai đoạn cụ thể.
- Gia nhập cộng đồng tập luyện thể thao. Đây là cách thuận tiện để trao đổi thông tin, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ với nhau cùng tiến bộ. Những diễn đàn chạy xe đạp như xe đạp.vn, xe đạp.org cùng những cộng đồng chạy xe đạp trên Facebook sẽ hỗ trợ người chơi rất nhiều trong quá trình gắn bó với môn thể thao này.
- Kim Chung