Các doanh nghiệp và giới nhà giàu châu Âu sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tránh thuế khi năm nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu gồm Anh, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha nhất trí chia sẻ thông tin về chủ sở hữu bí mật của các công ty hải ngoại và quỹ đầu tư. Đây là nỗ lực của các nhà lãnh đạo nhằm đáp ứng sự quan ngại của công chúng về “Hồ sơ Panama”.
Năm quốc gia nêu trên hiện đang thúc đẩy những thành viên còn lại của khối G20 và các cường quốc khác theo hướng này, mặc dù không phải dễ dàng nhận được sự đồng tình, vì mỗi nước có những vấn đề nhạy cảm riêng. Tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington – Mỹ tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho biết nước này sẽ hợp tác với các đối tác lớn của châu Âu để tìm ra chủ sở hữu thực sự các công ty “vỏ bọc” và quỹ đầu tư được dùng để trốn thuế, rửa tiền và hưởng lợi từ tham nhũng.
Tuy nhiên, việc trao đổi thông tin không thể xoa dịu những người chỉ trích cho rằng chính phủ các nước không có biện pháp mạnh để phanh phui những kẻ trốn thuế thông qua các quỹ đầu tư và công ty hải ngoại đặt trụ sở tại các thiên đường thuế.
Ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo đảng Lao động, gợi ý rằng một số thiên đường thuế thuộc Anh như quần đảo Virgin nên được đặt dưới sự điều hành trực tiếp từ Anh quốc nếu những lãnh thổ này không cải cách luật thuế.
Động thái của năm quốc gia hàng đầu châu Âu xảy ra mười ngày sau khi “Hồ sơ Panama” tiết lộ cách thức một số doanh nghiệp và giới nhà giàu trốn thuế nhờ lập các công ty hải ngoại.
Các tập đoàn Mỹ giấu 1,4 ngàn tỉ USD ở nước ngoài
Trong một diễn biến liên quan, Tổ chức vận động chống nghèo Oxfam hôm 14-4 cáo buộc 50 công ty lớn nhất của Mỹ đang nắm giữ khoảng 1,4 ngàn tỉ USD tài sản trong những tài khoản ở nước ngoài để tránh phải trả hàng tỉ USD tiền thuế của Mỹ.
Oxfam là một liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài chống nghèo đói và bất công. Trong một báo cáo chi tiết, Oxfam cho biết một số công ty nổi tiếng nhất của Mỹ, bao gồm hãng dược phẩm Pfizer, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, doanh nghiệp bán lẻ Walmart, đại công ty công nghệ Apple, công ty sản phẩm tiêu dùng General Electric, công ty phần mềm Microsoft và một số công ty khác có những khoản tiền ở nước ngoài.
Gửi tiền ở nước ngoài là hợp pháp, dù thỉnh thoảng nó là chủ đề tranh luận do chính phủ các nước đã không thể kiểm soát việc sử dụng những tài khoản ở nước ngoài.
Tổ chức đặt tại London này cho biết 45 trong số 50 công ty sử dụng một mạng lưới 1.600 tài khoản nước ngoài để trên thực tế cắt giảm thuế suất của Mỹ áp đặt lên họ xuống mức 26,5% trong khi chỉ có năm công ty trả đầy đủ mức thuế doanh nghiệp 35% của Mỹ.
Chủ tịch Oxfam ở Mỹ, ông Raymond Offenheiser, cho rằng những tập đoàn đa quốc gia hưởng lợi từ hàng ngàn tỉ USD hỗ trợ do người đóng thuế tài trợ đang tránh né hàng tỉ USD tiền thuế. Theo ông, những khoản tiền khổng lồ mà những công ty lớn này cất giấu trong các nơi tránh thuế đúng ra phải được sử dụng cho việc chống nghèo đói và xây dựng lại cơ sở hạ tầng của nước Mỹ, chứ không phải được giấu ở nước ngoài tại Panama, Bahamas hay quần đảo Cayman.
Đ.N (DNSGCT)