Lần đầu tiên trong năm 2015, nghe nhạc trực tuyến trở thành nguồn thu chính của nền công nghiệp âm nhạc Mỹ. Theo báo cáo thường niên công bố ngày 22-3 của Hiệp hội Âm nhạc chuyên nghiệp Mỹ (RIAA), doanh số tải nhạc hợp pháp cùng việc bán các sản phẩm âm nhạc đã tụt xuống hạng hai.
Một sự tăng tiến vững chắc trong năm năm qua, tỷ lệ doanh số nghe nhạc trực tuyến đã từ 7% tăng lên 34,3%. Theo Hiệp hội Ghi âm Mỹ, doanh số nghe nhạc trực tuyến năm 2015 là 2,4 tỉ USD, tăng 29% so với năm 2014!
Sự tiến triển ngoạn mục ấy là từ hai tên tuổi mới nổi lên, cạnh tranh quyết liệt trên cả hai phương diện công nghệ và nghệ thuật – Apple Music và Tidal. Riêng tiền thuê bao của hai ông lớn đã là 1,2 tỉ USD, tăng 59%. Tính đến cuối năm 2015, số thuê bao dịch vụ âm nhạc trực tuyến ở Mỹ là 10,6 triệu lượt/người. Ngay việc nghe nhạc trực tuyến miễn phí nhờ các quảng cáo, cũng tăng ngoạn mục 31%, còn radio internet có phần khiêm tốn (3%).
Như một tất yếu của tiến bộ công nghệ, sự bùng nổ nghe nhạc trực tuyến lại gây tổn thất thương mại cho công nghệ băng đĩa nhựa, CD và DVD truyền thống. Trong năm 2015, ngành công nghệ thu âm Mỹ giảm 10,1% doanh số. Đây là năm giảm thứ mười liên tiếp, tổng cộng giảm tới 85% giá trị. Hiện nay, công nghiệp thu âm chỉ còn chiếm 28,8% tổng doanh số công nghiệp âm nhạc Mỹ, so với 34,3% nghe nhạc trực tuyến, 34% tải nhạc hợp pháp, trong tổng doanh số công nghiệp âm nhạc 7 tỉ USD, tăng nhẹ 0,9% so với một năm trước.
Chủ tịch RIAA, Cary Sherman lạc quan: “Nền công nghiệp âm nhạc Mỹ hiện nay là một ngành công nghiệp kỹ thuật số. Nhất là người Mỹ có văn hóa âm nhạc, nên nghe nhạc trực tuyến nhiều”. Nhưng cũng còn mối e ngại là sự gia tăng nghe nhạc miễn phí với thu nhập từ quảng cáo. Riêng YouTube đã phục vụ hàng tỉ bản nhạc miễn phí. Sự bảo trợ của quảng cáo ấy sẽ có mặt hạn chế, tác động không hay cho việc thưởng thức âm nhạc.
Lê Lành theo La presse CA (DNSGCT)