Thời sự trong nước tuần qua ghi nhận hai sự kiện liên quan đến Biển Đông được xem là dòng chủ lưu tuy tính chất sự việc khác nhau.
Sự kiện nổi bật là Cảng Quốc tế Cam Ranh đã được khai trương vào ngày 8-3, với chức năng đón tiếp các tàu quân sự, tàu khách nước ngoài; cung cấp dịch vụ hàng hải; quan hệ với các lực lượng hải quân các nước, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực.
Đến tham dự buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh dự án xây dựng Cảng biển Quốc tế Cam Ranh mới hoàn thành giai đoạn I, cần khẩn trương tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện giai đoạn 2 để nơi này trở thành một cơ sở hậu cần hiện đại, có uy tín, sánh ngang với các hải cảng lớn trên thế giới.
Cam Ranh có vị trí chiến lược bao quát toàn bộ khu vực Biển Đông, là vị trí tiếp cận gần nhất các tuyến hàng hải quốc tế và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các khu vực dầu khí tại thềm lục địa phía Đông – Nam Việt Nam.
Nằm trong vịnh Cam Ranh, vịnh Bình Ba kín sóng, kín gió, vùng nước rộng, độ sâu ổn định trên 20m nước, ít chịu ảnh hưởng của giông bão, địa chất tốt, nơi đây phù hợp cho việc xây dựng các cầu cảng tiếp nhận các tàu quân sự, dân sự cỡ lớn như tàu sân bay có tải trọng 110.000 tấn và sửa chữa, đóng mới các công trình biển như giàn khoan đến 200m nước.
Cảng Quốc tế Cam Ranh là một trong những cảng lớn nhất của Việt Nam tính theo chiều dài bến cập tàu, có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và 185 tàu mỗi năm. Đây là cảng đầu tiên tại Việt Nam được thiết kế cho phép neo đậu tàu trong điều kiện gió bão đến cấp 8.
Đánh giá sự kiện này, Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược – Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho rằng trong tình hình phức tạp hiện nay trên Biển Đông, hoạt động của cảng quốc tế này góp phần nâng cao năng lực cung ứng các dịch vụ hậu cần không chỉ cho Việt Nam mà cho cả khu vực. Việc Việt Nam mở cửa ra cộng đồng quốc tế, tàu bè vào sẽ góp phần đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, làm tăng sự phụ thuộc lẫn nhau, gia tăng tầm quan trọng của các tuyến hàng hải xuất phát từ Cam Ranh hoặc đến Cam Ranh, tạo ra sự thông thương nhộn nhịp hơn, qua đó góp phần quan trọng vào việc duy trì, bảo vệ tự do an toàn, an ninh của hàng hải ở khu vực.
Thông qua Cảng Quốc tế Cam Ranh, Việt Nam tiếp cận dần với các chuẩn quốc tế, đặc biệt về các dịch vụ hậu cần về cảng biển, về phục vụ hoạt động trên biển, từ đó chúng ta có nhiều cơ hội và không gian hơn để thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Bàn về việc vận hành Cảng Quốc tế Cam Ranh, ông Nguyễn Anh Sơn – Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội – cho biết về mặt chiến lược cũng như về các kỹ thuật cụ thể, các cơ quan chức năng cũng như Bộ Quốc phòng đều đã tính toán với phương án tốt nhất. Điều quan trọng là khi sử dụng cảng phải đảm bảo hài hòa nhu cầu phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng đất nước. Việt Nam cũng đảm bảo luôn tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế, tôn trọng cam kết giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là với khu vực ASEAN khi sử dụng cảng biển, cảng hàng không.
Cảng Quốc tế Cam Ranh hiện đang được sự quan tâm của rất nhiều nước trên thế giới. Theo quan điểm lâu nay của chúng ta, Cam Ranh không phải là một căn cứ quân sự nước ngoài hoặc cho nước ngoài thuê để làm căn cứ hậu cần kỹ thuật. Việt Nam không bao giờ sử dụng đất nước mình làm nơi xuất phát gây ảnh hưởng, đe dọa an ninh khu vực cũng như quốc gia lân cận. Đồng thời Việt Nam cũng căn cứ vào quy định của pháp luật quốc tế, những hiệp định Việt Nam đã ký kết để khai thác được hiệu quả giá trị tự nhiên vốn có của Cam Ranh mà không phải quốc gia nào cũng có được.
Cam Ranh là một vịnh nước sâu kín, không có đá ngầm, có núi cao trên 1.000 mét che chắn bên ngoài. Bên trong là đất liền, dù bên ngoài có bão, sóng cấp 5, cấp 6, thì bên trong cũng không bao giờ có sóng tới cấp 3.
Căn cứ Cam Ranh là nơi cho tàu hải quân xuất phát làm nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa, bảo vệ chủ quyền biển đảo và bảo vệ ngư dân cũng như tài nguyên trên biển. Dưới góc nhìn chiến lược, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Nha Trang, nhận định Cam Ranh cùng với căn cứ Subic và Clark của Philippines sẽ thành một thế liên hoàn có thể kiểm soát toàn bộ Biển Đông.
Cùng với sự kiện Cảng Quốc tế Cam Ranh đi vào hoạt động là những thông tin liên quan đến trận chiến Gạc Ma cách đây 28 năm được làm sống lại qua nhiều hoạt động khác nhau. Cũng nên nhắc lại rằng vào ngày 14-3-1988, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa lực lượng tàu chiến hùng hậu tấn công và xâm chiếm đảo Gạc Ma nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sát hại 64 chiến sĩ công binh không vũ khí đang làm nhiệm vụ trên đảo. Gạc Ma đã trở thành biểu tượng bất khuất của lòng yêu nước qua hình ảnh những người lính siết chặt tay giữ lá cờ tổ quốc trên đảo dưới làn pháo đạn của quân xâm lược. Trên nhiều trang báo sự kiện Gạc Ma được tái hiện qua lời kể của các nhân chứng là những chiến sĩ may mắn trở về sau cuộc tấn công đẫm máu của quân Trung Quốc, những phân tích của các nhà chiến lược quân sự, cùng với những buổi lễ truy điệu diễn ra tại nhiều địa phương.
Nhiều cuộc tọa đàm tổ chức nhân dịp này cho thấy trận chiến bảo vệ Gạc Ma đã đi vào trang sử bi tráng của dân tộc cần được đưa vào sách giáo khoa để thế hệ sau luôn ghi nhớ.
Cũng trong dòng suy nghĩ này, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đang được gấp rút hoàn thành tại khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Đây là công trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, vận động nguồn vốn đóng góp của hàng trăm cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân, phối hợp với chính quyền tỉnh Khánh Hòa thực hiện. Sau một năm khởi công, khu tưởng niệm đang vào giai đoạn cuối với nhiều công trình và hạng mục sắp hoàn thành trong đó có khu tượng đài và lối lên khu tưởng niệm và quảng trường mang tên Hòa Bình để kịp khánh thành dự kiến vào tháng 7 tới đây nhân kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ.
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng để tri ân những chiến sĩ Hải quân đã quyết giữ đảo trong hai trận chiến chống quân Trung Quốc cưỡng chiếm biển đảo của chúng ta.
Gia Minh (DNSGCT)