Tổ chức Tình báo Kinh tế (EIU) vừa công bố kết quả điều tra thực hiện với 133 thành phố trên thế giới, theo đó Singapore tiếp tục là thành phố đắt đỏ nhất, vượt qua các thành phố tiếp theo là Zurich – Thụy Sĩ, Hongkong (đồng hạng 2), Geneva – Thụy Sĩ (hạng 4), Paris – Pháp (hạng 5), London – Anh (hạng 6), New York – Mỹ (hạng 7), Copenhagen – Đan Mạch, Seoul – Hàn Quốc, Los Angeles – Mỹ (đồng hạng 8).
Sự đắt đỏ của Singapore chủ yếu dựa vào chi phí vận chuyển và tiện ích rất cao. Chi phí vận chuyển của thành phố này cao gấp 2,7 lần so với thành phố được lấy làm chuẩn là New York. Tuy nhiên, sự xếp hạng của EIU chỉ có tính tương đối vì không phải mọi sinh hoạt của Singapore đều đắt đỏ hết, chẳng hạn về các mặt hàng tạp hóa, giá cả ở Singapore rẻ hơn so với các thành phố bạn ở châu Á như Seoul (Hàn Quốc) đắt hơn 33%, Hongkong đắt hơn 28%, Tokyo đắt hơn 26%.
Về ngược lại, trong số 10 thành phố có giá sinh hoạt rẻ nhất thế giới, thành phố Lusaka của Zambia chiếm vị trí số 1, với giá sinh hoạt xếp hạng 133/133 thành phố được điều tra, kế đó là Bangalore (Ấn Độ) hạng 132; Mumbai (Ấn Độ) hạng 131; Karachi (Pakistan), Chennai (Ấn Độ), Algiers (Algeria), Almaty (Kazakhstan) đồng hạng 127; New Delhi (Ấn Độ) hạng 126; Caracas (Venezuela) và Damascus (Syria) đồng hạng 124. Trong 10 thành phố trên, châu Á chiếm sáu, trong đó có bốn thành phố thuộc Ấn Độ. Riêng trường hợp Caracas khá đặc biệt: nếu tính giá sinh hoạt theo hối suất chính thức thì Caracas đắt hơn bốn lần so với New York của Mỹ, còn nếu theo hối suất chợ đen thì giá sinh hoạt tại thành phố này của Venezuela lại rẻ gần gấp 10 lần so với New York.
Được biết bản kết quả điều tra về giá sinh hoạt trên thế giới được tổ chức EIU công bố hai lần mỗi năm sau khi đối chiếu giá cả của 160 sản phẩm và dịch vụ ở 133 thành phố, bao gồm thực phẩm, thức uống, quần áo, đồ gia dụng, giá thuê nhà, phí vận chuyển, học phí trường tư…
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)