Nếu như Mỹ có Amazon, Trung Quốc có Alibaba là những nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu thì tại khu vực Đông Nam Á phải kể đến Lazada. Đó là nhận định của tạp chí Inc. về thương mại điện tử tại khu vực này.
Được thành lập năm 2012 tại năm thị trường, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và mở rộng sang Singapore một năm sau đó, lúc đầu Lazada chỉ bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, nhưng về sau chuyển mô hình kinh doanh của mình thành một công ty thương mại điện tử mở ra một trang web bán hàng trực tuyến. Gần đây, Lazada còn bán hàng xuyên biên giới. Theo đó, khách hàng có thể mua hàng từ các nước khác thông qua chợ “ảo” của Lazada.
Hiện nay, Lazada đang kinh doanh đủ các loại mặt hàng, từ quần áo, phụ kiện cho đến đồ gia dụng, đồ điện tử và đồ trang trí nội thất. Theo một báo cáo tài chính do Rocket Internet, công ty sáng lập Lazada, được công bố mới đây, trong nửa đầu năm 2015, Lazada đạt doanh thu 433 triệu USD với khoảng 6,8 triệu khách hàng, tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm trước.
Tại năm thị trường mở ra đầu tiên, Lazada cũng đang bỏ xa các đối thủ cạnh tranh địa phương về lưu lượng truy cập vào trang web. Inanc Balci, đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc của Lazada Philippines, cho biết Lazada hiện đang chiếm 85% thị phần thương mại điện tử của nước này.
Theo phân tích của tạp chí Inc., Lazada có được những thành công như trên là nhờ những bí quyết sau đây:
Chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt khi khách hàng nhận hàng
Khách hàng thường không muốn thanh toán bằng thẻ tín dụng và khai báo tất cả các thông tin cá nhân của mình trên mạng, nhất là ở những quốc gia đáng lo ngại về an ninh mạng như Philippines. Đất nước này được xem như một nền kinh tế thống lĩnh bởi tiền mặt vì chỉ có 7 triệu thẻ tín dụng được phát hành trong khi dân số là 99,14 triệu người.
Để giải tỏa mối lo lắng từ việc thanh toán trực tuyến cho khách hàng, Lazada đã đưa vào hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi khách hàng nhận hàng. Nếu vào thời điểm nhận hàng, khách hàng thấy rằng sản phẩm không như mong đợi của họ, Lazada sẵn sàng lấy hàng về mà không tính thêm bất cứ một khoản phí nào. Thương vụ mua bán vì vậy xem như không có bất cứ rủi ro nào đối với khách hàng.
Khi khách hàng đã hài lòng, Lazada mới dần dần “lái” họ sang hình thức thanh toán trực tuyến với cổng thanh toán helloPay được đưa vào khai thác tại thị trường Philippines vào tháng 5-2015. Đây là một dịch vụ ví điện tử mà khách hàng có thể nạp tiền vào ví để mua hàng từ các cửa hàng tiện lợi và các cửa hàng bán lẻ.
Hợp tác với các nhà cung cấp là bên thứ ba đồng nghĩa với việc Lazada sẽ không thể kiểm soát tất cả mọi thứ. “Tuy nhiên, chúng tôi luôn nỗ lực làm hài lòng khách hàng và chúng tôi không đợi cho khách hàng tìm đến mình. Chúng tôi chủ động theo dõi các mạng truyền thông xã hội, các diễn đàn trực tuyến, vì một số khách hàng không muốn mất thời gian để nói với chúng tôi về những điều mà họ chưa hài lòng. Thay vào đó, họ viết trên các mạng xã hội”, Balci chia sẻ.
Tập trung vào thương mại điện tử qua thiết bị di động
Tập trung phát triển thương mại điện tử qua thiết bị di động (m-commerce) là một trong những chiến lược quan trọng của Lazada Philippines. “Ở những thị trường mới nổi như Philippines, thu nhập của người tiêu dùng vẫn chưa cao, không phải ai cũng có thể mua một chiếc máy tính xách tay nên họ đành phải chọn điện thoại thông minh. Chúng tôi đã nhận ra điều này từ cách đây mấy năm và đã đầu tư nhiều cho kênh bán hàng qua thiết bị di động.
Hiện nay nếu bạn hỏi tôi rằng Lazada có phải là một công ty thương mại điện tử (e-commerce) hay không thì tôi sẽ trả lời rằng Lazada là một công ty m-commerce”, Balci giải thích về chiến lược của Lazada. Anh hoàn toàn có căn cứ khi nói điều ấy: hiện nay doanh thu qua kênh m-commerce chiếm hơn 50% tổng doanh thu của Lazada Philippines. Trên thực tế, lưu lượng mua bán qua kênh này đã tăng 400% trong năm 2014.
Xây dựng hệ thống giao hàng cho riêng mình
Thách thức lớn nhất của Lazada ở Philippines là hệ thống giao thông kém phát triển và sự phân tán về mặt địa lý cũng như dân số của quốc gia này. “Chi phí giao hàng khá cao trong khi chất lượng dịch vụ còn kém mặc dù đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây”, Balci chia sẻ.
Để khắc phục các rào cản này, Lazada tự thành lập một công ty giao nhận riêng là Lazada Express, đồng thời cũng phối hợp các công ty giao nhận khác và dần dần chuyển việc đóng gói và giao hàng cho các công ty này tùy vào chất lượng dịch vụ của họ.
“Ở một số khâu, chúng tôi có thể tự làm nhanh hơn và hiệu quả về chi phí hơn nhưng các công ty giao nhận khác cũng đang liên tục cải thiện, và nếu họ làm tốt hơn chúng tôi về tốc độ và chất lượng dịch vụ thì chúng tôi cũng có thể hợp tác với họ”, Balci giải thích thêm.
Chấp nhận rủi ro có tính toán
Khi được hỏi có những lời khuyên gì cho các doanh nhân trẻ, Balci, người đã cùng khai sinh ra Lazada ở Philippines vào năm 2012 khi anh mới 26 tuổi, nói rằng: “Tôi luôn nói đến việc chấp nhận rủi ro có cân nhắc và tính toán. Tôi luôn nói với mọi người rằng, nếu anh muốn ra kinh doanh riêng thì hãy cứ làm điều đó. Đừng nên đợi cơ hội đến với mình. Nhưng đồng thời cũng nên cân nhắc, tính toán đến các rủi ro và tìm hiểu kỹ thị trường”.
Nói về những cơ hội đưa Lazada đến với các thị trường tại khu vực Đông Nam Á, Balci chia sẻ: “Lý do mà tôi chọn Đông Nam Á là vì hiện nay đây là một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới. Những cơ hội tương tự đã từng có ở Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và nay là Đông Nam Á. Trong khu vực này, tôi cho rằng Philippines là thị trường tiềm năng nhất”.