Chuyện trà dư tửu hậu sau bàn tiệc, trong các buổi cà phê nhàn nhã thường là các món đồ chơi mà đàn ông đam mê: xe cộ, thiết bị công nghệ… Đáng nhớ và ấn tượng nhất thường là những con số, thứ hạng, giá cả, sự hiếm hoi.
Cách đây vài năm thôi, ít ai có thể hình dung cục diện người tiêu dùng thưởng thức nhạc xoay chuyển theo hướng hiện tại. Kể từ khi Thomas Edison được cấp bằng sáng chế về việc ghi và tái tạo âm thanh từ năm 1878, tốc độ những dạng thức mới ra đời càng lúc càng nhanh. Mất vài chục năm để chuyển từ dạng ống tròn sang dạng đĩa, mất vài chục năm để có thêm định dạng băng từ, từng ấy thời gian để có thêm băng cassette rồi từ băng cassette sang đĩa CD. Nhưng khi nhạc số xuất hiện, mọi thứ biến chuyển nhanh chóng. Ra mắt công chúng năm 1994, định dạng MP3 là cuộc cách mạng lớn trong âm nhạc khi vài năm sau đó, Napster xuất hiện và khiến âm nhạc trở thành miễn phí, ít ra ở mặt nhận thức của người dùng. Năm 2001, thay vì tìm cách chống lại, kiện cáo, cấm đoán nhạc số, Steve Jobs đã nương theo dòng chảy, đưa ra cửa hàng trực tuyến iTunes vào năm 2001 và thành công rực rỡ khi buôn bán nhạc số kèm theo các thiết bị nghe nhạc như iPod. Những tưởng sự thống trị của đế chế bán nhạc trên iTunes sẽ kéo dài nhưng rồi khái niệm sở hữu âm nhạc trở nên lỗi thời dù rằng dung lượng các thiết bị ngày càng được mở rộng. Người dùng không cần phải chứa bản nhạc mình cần nghe trong máy nữa mà có thể nghe bất cứ bản nhạc nào trong thư viện nhạc gần như của cả thế giới, chỉ với đường truyền internet và một số tiền đóng cố định hằng tháng. Chỉ với chưa tới 10 USD/tháng, người dùng có thể nghe miệt mài không giới hạn bất cứ bài nào trong kho xấp xỉ 37 triệu bài hát của iTunes hoặc 20 triệu bài của Spotify. Năm 2015, doanh số streaming trên thế giới tăng 93%, từ 165,5 tỉ lượt nghe streaming năm 2015 lên 317,2 tỉ lượt nghe.
Chính nhờ sự tăng trưởng này mà việc kinh doanh nhạc năm rồi được xem như tiến triển tốt, tăng 15,2%. Trong khi streaming tăng thì việc tải nhạc số lại giảm, y hệt tình trạng khi nhạc số mới xuất hiện và bán trên iTunes hồi đầu thiên niên kỷ: Đĩa CD bán ra giảm còn nhạc số mua từ iTunes, trả tiền để tải xuống lại tăng vùn vụt. Băng đĩa cầm nắm được, nhờ đĩa 25 của Adele đã tăng đột biến dịp cuối năm nhưng nhìn chung cả năm vẫn tiếp tục sút giảm đều đặn, xu hướng quen thuộc nhiều năm qua. Duy có đĩa nhựa là tăng so với năm ngoái nhưng con số quá nhỏ để có thể bù đắp cho mất mát từ việc giảm doanh số CD. Nhìn chung năm 2015, người ta tiêu thụ nhạc nhiều hơn nhưng số tiền mà các hãng đĩa và nghệ sĩ thu được thì ít hơn. Có nhiều cách giải thích, ví dụ như các dịch vụ streaming có gói miễn phí, người dùng có thể nghe nhạc với một số hạn chế nhất định và lượng người sử dụng gói miễn phí này không phải là ít. Người ta vẫn nghe nhạc, chỉ là không trả tiền. Lý do khác là công nghệ số mang đến nhiều lựa chọn hơn. Người ta không phải bỏ tiền mua trọn một đĩa nhạc 12 bài hát mà chỉ cần mua một hai bài mà mình thích bằng cách click chuột. Với đĩa nhạc bán ngoài cửa hàng thì chuyện này là không thể, trừ khi bài đó được phát hành thành đĩa đơn. Một xu hướng đáng chú ý nữa qua các con số thống kê là người ta thường mua (tải nhạc có trả tiền) nhạc mới và nghe streaming nhạc cũ.
2. Ăn no mặc ấm xong thì phải đến ăn ngon mặc đẹp, một xu hướng tất yếu của con người. Đường truyền internet từ quay modem dial-up 56K chuyển qua ADSL rồi giờ là cáp quang. Chuẩn hình ảnh trên TV càng lúc càng nâng cao, từ 480 lên 720 lên 1.080 rồi giờ là 2K, 4K… Âm thanh không thể nằm ngoài cuộc chơi này. Với việc streaming trở thành hướng đi sáng sủa nhất của làng nhạc, chất lượng âm thanh trở thành vấn đề cốt yếu đặt ra để giải quyết, để cạnh tranh.
Tại Consumer Electronics Show ở Las Vegas đầu năm 2016, rất nhiều người quan tâm đến công nghệ đã đặt ra câu hỏi “Sony đang nghĩ gì vậy?”. Rất may cho đại gia Nhật Bản này, câu hỏi không liên quan đến các vụ hacker đột nhập, tung ra các mail nội bộ nói xấu nghệ sĩ và các bí mật kinh doanh, những thứ mà Sony đã muốn bỏ lại sau lưng không nhắc đến nữa. Câu hỏi muốn nhắc đến mẫu NW-ZX2 Walkman vừa được công bố. Được mệnh danh là máy nghe nhạc chất lượng cao, Walkman này có giá bán lẻ đề xuất lên đến gần 1.200 USD.
Âm thanh chất lượng cao gần như là một phong trào gần đây. Tại buổi thảo luận ở MusicTech Summit tại San Francisco hồi tháng 11, kỹ sư âm thanh Dennis “Wiz” Leonard đã tổng kết lại mục tiêu của Musicians for Audio Quality Initiative, một nhóm mà anh là thành viên: “Trong khoảng thời gian giữa 1980 và hiện nay, chúng ta đã đạt được những tiến bộ về mặt công nghệ nhưng thật ra chúng ta đang nghe nhạc ở chất lượng thấp hơn tiêu chuẩn CD”.
Anh và Bob Weir, thành viên sáng lập nhóm Grateful Dead và là một lãnh đạo khác của nhóm đã đưa ra những chi tiết về các ảnh hưởng ở mặt tiềm thức, không nhận ra được rõ của việc nghe nhạc chất lượng thấp mà chúng ta đang nghe từ các thiết bị di động phổ thông, cho rằng có bằng chứng khoa học cho thấy loại âm nhạc/âm thanh chất lượng thấp này sẽ gây ra stress. Biện pháp giải quyết tối ưu là âm thanh độ phân giải cao, có thể nghe stream, có thể download và chia sẻ.
Mùa thu năm ngoái, cả Deezer và Rdio đều tìm cách đưa ra streaming chất lượng cao hơn. Hồi đầu năm ngoái, nhưDNSGCT có giới thiệu máy nghe nhạc chất lượng cao Pono của Neil Young trở thành chiến dịch thu được tiền nhiều thứ 3 từ trước đến giờ của Kickstarter, lên đến hơn 6 triệu USD. Trông cứng cáp và thú vị hơn, Pono có giá bán lẻ 400 USD, khác với tầm giá máy Walkman mà Sony định tung ra tháng Chín năm nay.
Chiếc Walkman mới có màn hình cảm ứng 4 inch, bộ khuếch đại âm thanh có sẵn và streaming qua Bluetooth với chất lượng được cải thiện. Máy hỗ trợ nhiều định dạng âm thanh chất lượng cao và Sony cho rằng họ có công nghệ DSEE HX có thể phục hồi những chi tiết âm thanh bị mất ở định dạng MP3 và các file nén khác. Máy có sức chứa 128GB và có thể nghe liên tục 33 tiếng đồng hồ. Nhưng ZX2 lại sử dụng hệ điều hành Android cũ tung ra mãi từ năm 2012. Đây không phải là một vấn đề quá lớn bởi thiết bị này không phải được tung ra để thay thế các smartphone đang có trên thị trường, dù rằng máy vẫn truy cập được Google Play, cài được các ứng dụng và game. Vấn đề gây tranh cãi còn lại là giá bán lẻ.
Đối tượng của chiếc máy này có thể là ai? Trong khi mức giá có thể gây sốc với công chúng nhưng giá này nếu đặt vào catalogue hi-end thì lại khá buồn cười, như so với sợi dây loa giá 15.000 USD chẳng hạn. Thật ra một số thiết bị âm thanh nhạc số chất lượng cao đang có trên thị trường cũng có giá ngang ngửa, thậm chí rẻ hơn như Astell & Kern. Giống như các sản phẩm này, mua máy Walkman mới còn phải mua thêm các thiết bị đi kèm như tai nghe, amply cho tai nghe và nhiều thứ khác, những thứ mà Sony cũng có sản xuất.
Vấn đề lớn hơn không chỉ với ZX2 mà còn với các sản phẩm nhạc số chất lượng cao khác là câu hỏi từng đi theo suốt trào lưu nhạc chất lượng cao này: trong khi công nghệ mới mang đến âm thanh với các thông số cao hơn, liệu người nghe có thật sự phân biệt được? Đây là ngòi nổ châm vào những cuộc tranh luận khói lửa trong các diễn đàn âm thanh nhiều năm nay.
Với một số kỹ sư âm thanh, việc ZX2 tung ra chỉ là cách thức kiếm tiền, tận dụng lại thương hiệu Walkman và cách thức thì có vẻ hơi sơn đông mãi võ vì theo họ, phục hồi lại các tín hiệu đã mất của file MP3 là chuyện nhảm. Tung ra ZX2 được cho là cách để làng nhạc bán lại kho nhạc của mình, giống như đã thực hiện với việc tung ra CD và sau đó là Bluray DVD.
Đã có nhiều cuộc test mù để xem con người có cần những file âm thanh có độ phân giải cao hơn. Kết quả khá khác nhau và không có sự đồng thuận về mặt khoa học liệu tai người có nhận ra sự khác biệt khi nâng độ phân giải của âm thanh lên. Tuy nhiên, file MP3 truyền thống và các chế độ streaming vẫn còn thua kém tiêu chuẩn âm thanh ngang với CD có nghĩa là vẫn còn khoảng trống để cải thiện về âm thanh, ít nhất đến mức trần mà con người có thể nhận biết là âm thanh từ đĩa CD.
Một trong những cố gắng cuối cùng của Rdio trước khi đóng cửa chính là nâng cao chất lượng âm thanh. Trong một chiến dịch có tên “Artists for Quality” hợp tác cùng Bob Weir của nhóm Grateful Dead, Rdio sẽ nâng chất lượng nhạc của mình lên 320kps, được mã hóa theo định dạng AAC (được cho là “rộng rãi” hơn, ít bị nén, mất chi tiết âm thanh như MP3). Các công ty khác cũng ào ạt theo trào lưu này. Beats Music, tiền thân của Apple Music, đã đưa chất lượng âm thanh là con bài chủ chốt từ ngày đầu tiên. Samsung cũng đã có thiết bị nghe nhạc hi-res bên cạnh việc hỗ trợ các định dạng âm thanh chất lượng cao trong các dòng điện thoại phổ thông của mình như Galaxy S5 và Note 3. iTunes nâng chuẩn từ 128kps lên 256kps cho toàn bộ kho nhạc từ khá lâu.
- Trí Quyền