Đã hơn một thế kỷ nay, cứ đến đầu năm mới, phố xá Philadelphia (bang Pennsylvania, Mỹ) lại rộn rã những đám rước náo nhiệt trong những bộ trang phục rực rỡ sắc màu, hát múa tưng bừng theo nhạc điệu cuồng nhiệt nhất.
Diễu hành Mummers Parade với nghĩa gốc tiếng Pháp: momérie (hội giả trang), du nhập Mỹ vào thế kỷ XVII, theo chân người di cư nặng tình gốc gác dân tộc, phong tục bản quán.
Năm nay, các nhà tổ chức mời tất cả các sắc tộc khắp thành phố Philadelphia tham dự, để từ đó chấm dứt những cuộc bút chiến điên rồ kỳ thị chủng tộc suốt bao năm.
Diễu hành Mummers Parade, ngay khi khởi thủy, chỉ tổ chức ở những khu dân cư da trắng. Người da đen chiếm 44% số dân 1,5 triệu người thành phố, cùng các sắc tộc khác, không tham gia. Nhà nghiên cứu lễ hội dân gian Jesse Engaard lý giải: “Không chỉ khác màu da, ngôn ngữ mà người da đen đâu có nhiều tiền bạc. Hơn nữa, họ không sao chấp nhận “khuôn mặt giả đen blackface”, người da trắng bôi mặt giả làm người da đen”. Năm 1964, các nhà tổ chức đã chấm dứt cách cư xử miệt thị này, nhưng người da đen vẫn thờ ơ. Các nhà tổ chức hứa gắng sức để càng nhiều sắc tộc hiện diện một cách rực rỡ nhất, tưng bừng nhất trong lễ hội diễu hành giả trang – không chỉ gặp gỡ thuyết phục mà còn lập xưởng chế tác trang phục, đạo cụ, hỗ trợ biên đạo. Người phát ngôn Mummers Parade, Heorge Baley lên tiếng: “Chúng tôi mong muốn lễ hội ngày một đông vui, mọi cộng đồng dân tộc ở Philadelphia đều tham dự”. Quản lý bảo tàng Mummers Parade, Mark Montanano phụ họa: “Phải thấy được ý nghĩa lễ hội này là của dân chúng, dân chúng tự làm để chung vui. Không lý gì lại dửng dưng”.
Chủ tịch lễ hội San Mateo Carnavalero của sắc tộc Mexico, ông David Pina hân hoan: “Ngay khi tổ chức lễ hội riêng sắc tộc mình ở nam Philadelphia, chúng tôi đã mơ ước sẽ có một ngày chung vui Mummers Parade. Mơ ước đó đã thành hiện thực, năm nay chúng tôi được mời, được hỗ trợ tham dự diễu hành với bản sắc Mexico”.
Lê Lành theo Philadelphia sun times (DNSGCT)