Chỉ trong tuần lễ qua ít nhất 67 người đã thiệt mạng và 95 người bị thương trong các cuộc bạo động tôn giáo vừa xảy ra ở bốn thị trấn thuộc bang Rakhine phía tây của Myanmar. Trong các cuộc xung đột này, hơn 2.800 ngôi nhà bị đốt và 18 công trình tôn giáo đã bị phá hủy ở các thị trấn Myaebon, Mrauk U, Kyauk Phyu và Minbya. Chính phủ và chính quyền địa phương đã nỗ lực kiểm soát tình hình ở Rakhine bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ban hành lệnh giới nghiêm. Các đài phát thanh và truyền hình Myanmar trích dẫn một thông báo của Văn phòng Chính phủ Myanmar cảnh báo rằng họ sẽ tìm ra và trừng trị thích đáng những kẻ đứng đằng sau cuộc bạo động.
Các vụ xung đột lần này được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong một loạt các cuộc tấn công tàn bạo giữa những người Rakhine theo Phật giáo là khối thiểu số lớn nhất tại bang Rakhine và người Rohingya theo Hồi giáo vốn không được Myanmar cho nhập tịch.
Các tu sĩ Phật giáo biểu tình phản đối OIC yêu cầu hỗ trợ các tín đồ Hồi giáo
Tiểu bang Rakhine so với nhiều địa phương khác là địa phương không lớn về dân số, diện tích lẫn tài nguyên. Thế nhưng vị trí của Rakhine quan trọng ở chỗ có biên giới với nước láng giềng Bangladesh đất chật người đông với dân số 150 triệu người, phần lớn theo Hồi giáo. Thủ phủ của Rakhine là thành phố Sittwe, một hải cảng quan trọng nhìn ra vịnh Bengale và xa hơn là Ấn Độ Dương. Gần Sittwe có đường ống dẫn dầu để đưa dầu từ Trung Đông đi ngang qua Myanmar về Vân Nam của Trung Quốc. Đây là một trong những hợp đồng lớn của Trung Quốc ở Myanmar.
Xung đột bắt nguồn từ kỳ thị
Người Rakhine, còn gọi là người Arakan, là một tộc người chủ yếu sinh sống ở Myanmar, Bangladesh và Ấn Độ. Trong quá khứ, người Rakhine từng có quốc gia riêng và vương quốc Mrauk U của họ từng thống trị một miền rộng lớn ở phía tây Myanmar và đông Bangladesh. Hiện nay người Rakhine là khối dân tộc thiểu số lớn nhất ở bang mang cùng tên và hầu hết theo đạo Phật. Người Rakhine nói tiếng Rakhine, được xem là tiếng Myanmar cổ.
Cộng đồng Phật giáo từ Rakhine từ xưa nay không mấy có cảm tình với dân tộc Rohingya mà họ cho là những kẻ di dân bất hợp pháp từ nước láng giềng Bangladesh.
Còn cộng đồng Rohingya là người du mục với dân số khoảng 800.000 người, không ít trong số đó đã sinh sống ở Myanmar từ nhiều thế hệ. Tuy nhiên, Luật quốc tịch năm 1982 của Myanmar không thừa nhận người Rohingya là một trong số 135 sắc dân thiểu số, khiến họ không được hưởng quy chế công dân hợp pháp.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế nhận định người sắc tộc Rohingya từ lâu đã bị kỳ thị một cách có hệ thống và bị tước bỏ quyền trở thành công dân, đến mức Liên Hiệp Quốc đã mô tả người Rohingya là một trong các nhóm sắc tộc bị loại ra ngoài lề xã hội và bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới.
Trên thực tế, xung đột giữa cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo ở bang Rakhine hiện nay thực sự đã bắt nguồn từ những hiềm khích kéo dài hàng thập niên qua giữa hai cộng đồng có nhiều khác biệt lớn về văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ.
Ông Nicholas Farelly, một chuyên gia về Myanmar tại Ðại học Quốc gia Australia, nhận định người Rohingya rơi vào tình thế bấp bênh ở vùng đất biên giới giữa hai thể chế chính trị khác nhau, không có nơi nào gọi là quê hương và làm cho họ dễ bị bóc lột. Kết quả là thỉnh thoảng lại xảy ra những vụ xung đột dữ dội như vừa xảy ra.
Người bị thương được đưa đi cứu chữa
Căng thẳng tại Rakhine bùng phát hồi tháng 6-2012 sau khi một phụ nữ tộc Rakhine bị ba người đàn ông thuộc sắc tộc Rohingya tấn công tình dục và sát hại. Tuy tòa án ở bang Rakhine đã tuyên án tử hình đối với hai trong số này và người thứ ba tự sát khi đang ở tù, nhưng tin tức về tội ác đã là lý do thúc đẩy vài trăm người Rakhine tụ tập và tấn công một xe buýt khiến 10 người Hồi giáo trên xe thiệt mạng.