Các nhà quan sát nhận định Tổng thống Thein Sein khó có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề này khi mà đại đa số người dân Myanmar công khai bày tỏ việc không thiện cảm với sắc tộc thiểu số Rohingya.
Một ngôi làng bị thiêu trụi
Ngày 25-10, Hãng tin Pháp AFP dẫn một tuyên bố của Liên Hiệp Quốc nói cơ quan này quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực tôn giáo tái bùng phát ở miền tây Myanmar đã gây ra nhiều thương vong và buộc hàng nghìn người, trong đó có phụ nữ và trẻ em, phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, bình tĩnh để sớm lặp lại trật tự tại khu vực này.
Mới đây nhất vào ngày 21-10, Chính phủ Myanmar đã cho phép các tổ chức nhân đạo quốc tế thực hiện chương trình cứu trợ với những nạn nhân là tín đồ Hồi giáo tại Rakhine.
Lên tiếng trước người dân cả nước, ông Then Sein cảnh báo rằng bạo động có thể lan sang các khu vực khác trong nước và nếu xảy ra tình trạng đó thì sự ổn định, hòa bình và tiến trình dân chủ hóa của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mặc dù các quan chức chính phủ đang xúc tiến các cuộc hòa đàm với nhiều nhóm sắc tộc khác nhau, nhưng không có cuộc thảo luận nào như thế với cộng đồng Rohingya. Bất chấp những quan tâm của quốc tế về tình trạng kỳ thị sắc tộc, phe đối lập chính trị ở Myanmar dường như đoàn kết sau lưng Tổng thống Thein Sein về vấn đề người Rohingya, trong khi lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đến nay vẫn chưa đưa ra lập trường về vấn đề này.
Hôm 25-10, một đặc sứ nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi Myanmar xem xét lại luật lệ về quốc tịch để giải quyết nguyên do chính yếu đưa tới căng thẳng và thiên kiến.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban
Ki-moon thì bày tỏ lo ngại bạo động giữa hai cộng đồng tôn giáo nói trên “đe dọa đến tiến trình cải tổ và mở cửa” của Myanmar. Liên Hiệp Quốc cũng không loại trừ khả năng các hiềm khích ngày càng lớn giữa hai cộng đồng tôn giáo có nguy cơ “dễ bị các phần tử tội ác lợi dụng”.
Tình trạng xung đột tôn giáo tại Rakhine không mới, nhưng điều khiến dư luận quốc tế lo ngại là các hành động không tuân thủ luật pháp tràn lan trong khu vực có khả năng đe dọa đến tiến trình dân chủ vừa được bắt đầu ở đây.
Sớm khôi phục hòa bình và ổn định tại bang Rakhine không chỉ góp phần ổn định tình hình đất nước mà còn là bước đi quan trọng của chính phủ dân sự non trẻ của Myanmar để xây dựng lòng tin với các nhà đầu tư trên toàn thế giới đang hướng về đất nước chùa vàng.
Đình Nam