Trong đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Chính phủ đã quyết định thoái toàn bộ vốn tại 10 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp hàng đầu mà cổ đông Nhà nước đang nắm một số lượng lớn cổ phần như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM), Công ty cổ phần FPT (FPT), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (BMI),… Khi thoái hết vốn tại những đơn vị này, ngân sách nhà nước có thể thu về số tiền tương đương 4 tỉ USD, trong đó riêng phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam đã chiếm khoảng 60%. Liên quan đến kế hoạch thoái vốn của SCIC, còn có nhiều vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm vẫn chưa có lời giải, như thời gian tiến hành, việc thoái vốn tại từng doanh nghiệp sẽ diễn ra một lần hay chia làm nhiều đợt… tuy nhiên có thể khẳng định rằng tầm ảnh hưởng từ hoạt động này của SCIC là rất lớn, khi cổ phiếu của 10 doanh nghiệp này đều có sức tác động mạnh đến thị trường chứng khoán nước ta và được các nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng. Dù độ mở (nới room) của mỗi loại cổ phiếu đối với dòng vốn ngoại sẽ khác nhau tùy vào từng nhóm ngành, sẽ khắt khe cho doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông (FPT, FPT Telecom), nhưng sẽ rộng rãi với các lĩnh vực khác như bảo hiểm (BMI, VNR), hàng tiêu dùng (VNM), vật liệu xây dựng (BMP, NTP)… Giới phân tích cho rằng dù áp lực tăng cung trên thị trường từ nay đến cuối năm là rất lớn do quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra, nhưng dòng tiền mới – cả trong nước lẫn nước ngoài – vẫn sẵn sàng nhập cuộc một khi xuất hiện cơ hội đầu tư mới đến từ các cổ phiếu tốt.
Chính vì điều này mà ngay trong phiên giao dịch ngày 14-10, khi thông tin thoái vốn được công bố, nhóm cổ phiếu trên đã tăng giá mạnh. Đây không chỉ là phản ứng tích cực trong ngắn hạn của thị trường kiểu như khi hiệp định TPP kết thúc đàm phán tốt đẹp, mà sẽ còn ảnh hưởng đến thị trường trong trung và dài hạn. Không xét đến thực tế là do áp lực cân đối thu chi ngân sách, nên cổ đông nhà nước phải bán bớt các loại tài sản, trong đó có danh mục gồm 10 doanh nghiệp trên, việc thoái vốn tại các doanh nghiệp hàng đầu cho thấy Nhà nước đang từng bước thu hẹp tầm ảnh hưởng của mình để mở ra cơ hội cho khu vực dân doanh làm chủ những đơn vị đầu ngành và đang kinh doanh có hiệu quả. Đây cũng là bước đi chứng tỏ nhà điều hành thực sự tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào thị trường chứng khoán nước ta. Có thể nói, nếu như cơ chế nới room cho nhà đầu tư nước ngoài cách đây không lâu là điều kiện cần để thu hút nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường chứng khoán, thì việc SCIC thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn chính là điều kiện đủ để hút dòng vốn ngoại. Chủ trương thoái vốn này sẽ giúp gia tăng những hàng hóa chất lượng cho thị trường, giúp các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng số cổ phiếu mua vào. Điều này dần dần sẽ giúp nâng hạng thị trường nước ta từ cận biên sang các thị trường mới nổi, càng thu hút thêm dòng vốn mới, không chỉ đến từ nước ngoài mà cả từ dòng tiền đầu tư trong nước. Bởi việc tăng số lượng các cổ phiếu có chất lượng sẽ giúp tăng tính hấp dẫn của thị trường, tăng thanh khoản và nhà đầu tư có thêm cơ hội mua nhiều loại cổ phiếu tốt với mức giá hợp lý. Doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi thêm sự góp sức từ các cổ đông lớn khác và tăng cường tính minh bạch. Khi hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp được củng cố, điều tất yếu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán.
Ngọc Khang (DNSGCT)