Phản ứng của thị trường chứng khoán trong những ngày đầu tháng 10 sau khi Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết rõ ràng tốt hơn rất nhiều so với tháng 9 chìm trong nỗi lo thanh khoản. Đầu tiên, cần khẳng định là hiệu ứng tích cực này không phải do nền kinh tế được hưởng lợi sau khi tham gia TPP nên các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường sẽ tốt lên, từ đó tác động đến giá cổ phiếu. Các nhà kinh tế đã chỉ ra rằng TPP giúp nước ta thêm nhiều cơ hội, nhưng cũng không tự diễn tiến thành lợi ích hay sức mạnh cạnh tranh gì cả. Không những thế, TPP còn đem đến nhiều thách thức lớn và việc chúng ta có thể vượt qua được hay không tùy thuộc vào khả năng của chính mình. Dĩ nhiên, các nhà đầu tư chứng khoán theo trường phái giá trị thường dựa vào các phân tích cơ bản và kỳ vọng về lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trong tương lai để quyết định mua vào hay bán ra cổ phiếu và việc TPP được ký kết sẽ mang đến cơ hội cho lĩnh vực xuất khẩu như dệt may, da giày, thủy sản… Biểu thuế suất bằng 0 sẽ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi, từ đó có khả năng đạt được lợi nhuận cao và vì vậy, mua cổ phiếu của các doanh nghiệp này là một hướng đầu tư hợp lý. Tuy nhiên, đó chỉ là kỳ vọng trong tương lai khá xa, bởi vẫn còn rất nhiều thời gian để TPP có hiệu lực và các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải nâng cao năng lực để tăng giá trị chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng nước ngoài. Chiều ngược lại, hiệp định TPP mang đến nhiều thách thức với doanh nghiệp sản xuất trong nước khi phải chấp nhận sự cạnh tranh quyết liệt ngay trên “sân nhà” trước viễn cảnh lượng hàng hóa với thuế suất bằng 0 được nhập vào nước ta.
Không còn những ý kiến lạc quan tương tự khi chúng ta gia nhập WTO, để tưởng tượng rằng tương lai nền kinh tế và bản thân thị trường chứng khoán đương nhiên sẽ tốt đẹp, tăng tốc mạnh nhờ vào hiệu ứng TPP. Tuy nhiên, với thị trường chứng khoán, tâm lý của nhà đầu tư có thể hưng phấn trước khi những thành quả thực sự được đo đếm. Bối cảnh của thị trường từ nửa cuối tháng 8 cho đến hết tháng 9 chỉ toàn là những tin xấu, từ trong nước đến quốc tế, thanh khoản sụt giảm, giao dịch ảm đạm. Điểm sáng duy nhất có lẽ là việc nhà đầu tư đã miễn nhiễm luôn với tin xấu, như vấn đề tỷ giá hay chỉ số PMI suy giảm, nên chỉ cần có một thông tin tích cực “hoành tráng” một chút là đủ để nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn, tạm quên đi những mối lo ngại cả từ trong nước lẫn quốc tế đeo đuổi họ suốt một thời gian dài. Thông tin tích cực ấy tốt nhất phải có tính toàn cầu, nhưng lại có ảnh hưởng mạnh tới Việt Nam. Và câu chuyện về hiệp định TPP được thông qua đã đáp ứng hoàn hảo yêu cầu này. Ví von một chút, TPP như ly cà phê giúp đánh thức thị trường sau cơn ngủ gật kéo dài suốt tháng rưỡi vừa qua. Tất nhiên, về mặt kinh tế, TPP cũng hứa hẹn mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho nước ta.
Trở lại với diễn biến của hai chỉ số tuần qua, nhóm cổ phiếu tài chính – ngân hàng, địa ốc, dầu khí và nhóm hưởng lợi từ TPP giao dịch sôi nổi nhất, thu hút dòng tiền và tạo tâm lý hưng phấn cho nhiều nhà đầu tư. Chỉ số VN-Index tăng 25,71 điểm (4,56%), lên mức 588,02 điểm. HNX-Index cũng tăng 2,5 điểm (3,19%), dừng tại 80,75 điểm. Giao dịch diễn ra sôi động giúp thanh khoản thị trường tăng mạnh trên cả hai sàn. Cụ thể, khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HSX tăng gần gấp đôi tuần trước đó (90,2%), đạt 666,2 triệu đơn vị. Trên sàn HNX, khối lượng khớp lệnh cũng tăng đến 76,8%, với 238 triệu cổ phiếu. Trong phiên giao dịch đầu tuần mới (12-10), sắc xanh vẫn tiếp tục ngự trị dù số mã tăng/giảm điểm khá cân bằng (107 mã tăng giá và 109 mã giảm giá). VN-Index tăng thêm 4,08 điểm, đạt 592,1 điểm, thanh khoản tiếp tục ở mức cao với tổng giá trị đạt 3.079,533 tỉ đồng.
Như đã nói, các nhà đầu tư không nghĩ rằng thông tin tích cực từ TPP sẽ giúp các doanh nghiệp được cho là hưởng lợi từ hiệp định này sẽ “lột xác” ngay lập tức. Vậy nên giá những cổ phiếu thuộc ngành dệt may, thủy sản chỉ tăng mạnh trong vài phiên rồi giảm điểm ngay sau đó, tổng mức tăng của đợt này cũng không khác mấy so với mức tăng chung của hai chỉ số. Xét trong dài hạn, chính những doanh nghiệp đầu ngành mới có nhiều lợi thế hơn trong việc phát huy năng lực và đón đầu những lợi thế từ TPP mang lại do có vị thế cạnh tranh lớn trên thị trường. Cũng bởi lý do đó, nhiều chuyên gia cho rằng nhịp tăng vừa qua là không bền, thị trường sẽ sớm quay lại giai đoạn tích lũy, dù thanh khoản đã được cải thiện, luôn duy trì ở mức cao trên mức khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất.
Thành Huân (DNSGCT)