Ấn Độ vừa xúc tiến kế hoạch mua máy bay chiến đấu không người lái (UAV) từ Israel, nhằm giúp quân đội nước này có thể giảm thiểu tổn thất về nhân mạng khi tiến hành các cuộc tấn công tại nước ngoài. Trước đó ít tuần, quốc gia láng giềng đối đầu với họ là Pakistan công bố đã sử dụng thành công máy bay không người lái do chính họ sản xuất, sẵn sàng cho việc không kích quân đội nước khác, càng làm gia tăng căng thẳng giữa hai cường quốc hạt nhân tại vùng miền núi Kashmir đang bị tranh chấp. Đến nay, Ấn Độ đã triển khai nhiều phương tiện UAV do Israel sản xuất làm nhiệm vụ canh phòng dọc dãy Kashmir cũng như đường biên giới đang tranh chấp với Trung Quốc. Trong tháng 9-2015, chính quyền New Delhi chính thức xét duyệt việc đặt hàng 10 mẫu Heron TP từ nhà sản xuất Công nghiệp Phi thuyền Israel (IAI) với ngân sách lên tới 400 triệu USD và kỳ vọng sẽ tiếp nhận máy bay Heron vào cuối năm 2016, nâng tầm quân đội Ấn Độ lên một vị thế mới trên toàn khu vực.
Theo giới chuyên gia thuộc Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson tại thủ đô Washington D.C. của Mỹ, việc xuất hiện mẫu máy bay chiến đấu này tại khu vực Nam Á càng khiến mối quan hệ của các nước thêm căng thẳng. Pakistan lo ngại Ấn Độ sẽ dùng Heron để tấn công các nơi trú ẩn quân khủng bố tại nước này, trong khi Ấn Độ e ngại Pakistan đẩy mạnh việc chạy đua vũ trang bằng cách gia tăng số lượng máy bay không người lái. Hiện trên thế giới chỉ có Mỹ, Israel và Anh đã sử dụng máy bay không người lái cho chiến đấu, mặc dù có hơn 70 quốc gia sở hữu loại phương tiện này cho công tác tuần tra, theo dõi. Trung Quốc đến nay vẫn chưa có chiến lược cụ thể nào về việc phát triển máy bay chiến đấu không người lái nhưng đã không ít lần khoa trương chúng trong các cuộc triển lãm hàng không quốc tế. Tuy vẫn thua xa khả năng sản xuất UAV do Israel sản xuất nhưng Bắc Kinh vẫn không ngừng ngỏ lời muốn hợp tác cùng Pakistan trong chương trình quân sự trên không này. Ngoài ra, IAI của Israel cũng cho biết trong tương lai gần họ sẵn sàng hợp tác cùng Bộ Quốc phòng Ấn Độ trong kế hoạch sản xuất Heron TP ngay trên đất Ấn Độ.
Lâm Kiên theo Reuters (DNSGCT)