“Chiều ơi về đâu
Chiều đi lòng nhớ bao u sầu
Chiều sương in lắng buồn
Mờ xa đôi cánh chim lùa theo gió…”
Những câu hát trong bài Bóng chiều tà của Nhật Bằng (viết năm 1974) tôi nghe trong một lần đi giữa bóng chiều ở vùng núi phía Bắc. Lúc đó, khung cảnh nơi đây nhuốm màu lam nhạt giữa mùi hăng của khói và những tiếng âm thanh khác nhau mơ hồ dội lại. Từng đàn chim mải miết bay về. Chiều nơi đây đẹp nhưng cũng thật buồn và thê lương. Tôi nhớ mình có cảm giác như vậy trong một lần đến thăm studio của họa sĩ Đoàn Xuân Tặng và xem bức tranh phong cảnh Chân núi anh mới hoàn thành. Nó gợi lại mùi khói chiều và những tiếng âm thanh năm nào. Lòng tự hỏi, khi một họa sĩ đứng trước thiên nhiên trong một chiều như vậy, anh ta sẽ muốn làm điều gì? Mọi cố gắng tái tạo và đưa toàn bộ thiên nhiên lên bề mặt tranh có lẽ sẽ là bất khả. Làm sao có thể hiểu và nắm bắt trọn vẹn tự nhiên được – trong một khoảnh khắc, lúc người họa sĩ chếnh choáng bước đi trong bóng núi chiều bao phủ với men rượu ngô lan tỏa có thể anh đã nắm bắt được điều này.
Đời sống nơi đây như một tấm thổ cẩm trải qua thời gian cứ phai nhạt dần. Chỉ còn lại mưa nắng, giá lạnh và sương gió… Giống như một nỗi buồn còn sót lại rồi sẽ thoáng qua và tan đi giữa khe núi, chân đồi hay ngọn gió.
Trong loạt tranh về miền núi lần này, họa sĩ Đoàn Xuân Tặng không đi sâu nhiều vào chi tiết. Không gian của một ngày nơi đây biến động đầy thất thường. Anh không vẽ một đối tượng hay cảnh vật cụ thể nào cả, mà chỉ thể hiện cuộc sống tự nhiên diễn ra như nó vốn sẵn có vậy. Ở một vài chi tiết, ánh sáng trong tranh Đoàn Xuân Tặng là những vệt nắng lan chảy dài. Thời tiết không rõ nắng mưa, ẩn dưới những đám mây đằng xa là bóng dáng cảnh vật, con người thấp thoáng. Còn trong bức tranh khác, anh vẽ một em gái người Mông bé nhỏ ngồi thu mình trên cửa giữa trời xuân lạnh. Con người nơi đây giống như là thiên nhiên vậy, nhiều bí ẩn và luôn là những gì lẩn khuất, khó có thể diễn đạt bằng lời. Trong một bức tranh phong cảnh do anh vẽ, những vệt nắng mạnh chạy dài trên mái ngói nhà sàn, xuyên qua các vách gỗ phá vỡ toàn bộ hình ảnh cấu trúc của một ngôi nhà, khiến nó trông như một tàn tích. Cái cách anh đi xuyên qua một phong cảnh và thể hiện chúng như vậy thật đặc biệt. Nó không còn là những gì hiện hữu trước mắt. Mà những thứ hiện ra cũng không phải là thật, chỉ có trạng thái tức thì ngưng đọng là thật. Điều này khiến anh chạm được gần với tự nhiên hơn.
Mưa đã tạnh, mây ngừng trôi, ngày nắng đã tắt. Tự nhiên nơi đây như màu cỏ úa theo chân người họa sĩ ở khúc quanh cuối con đường. Trong ánh nắng của một chiều như vậy, thấp thoáng có một bóng váy đỏ của cô gái người Mông dưới con dốc đằng kia. Mới hiểu rằng Đoàn Xuân Tặng có lý riêng của mình khi anh hoàn thành những bức tranh mới về miền núi lần này.
(*) Triển lãm cá nhân “Đất và người” của họa sĩ Đoàn Xuân Tặng tại Viet Art Center, 42 Yết Kiêu, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội, từ 18-10 đến 23-10-2012