Trong khi kế hoạch xây dựng sân bay Long Thành vẫn còn nằm trên giấy thì quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Tân Sơn Nhất vừa được phê duyệt sẽ khắc phục một phần tình trạng quá tải tại sân bay lớn nhất Việt Nam.
Quy hoạch điều chỉnh giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 xác định sẽ không nâng cấp hay xây mới đường cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất mà chỉ tập trung mở rộng nhà ga để đạt công suất 25 triệu khách mỗi năm.
Bên cạnh đó, hệ thống sân đỗ sẽ được nâng cấp để nâng số vị trí đỗ máy bay lên 82, gồm 54 cho hàng không dân dụng và 28 vị trị đỗ của hàng không lưỡng dụng.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), để khai thác với công suất 25 triệu hành khách mỗi năm, sân bay cần khoảng 60-70 vị trí đậu máy bay các loại, nhưng hiện nay Tân Sơn Nhất chỉ có 40 vị trí.
Sân bay lớn nhất nước cũng đã lâm vào cảnh quá tải nhà ga hành khách khi hai ga quốc tế và quốc nội công suất tối đa hiện giờ cũng chỉ đáp ứng cho 20 triệu khách trong khi năm 2014 đã có trên 22 triệu lượt người thông qua.
Trước khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành tháng 6 vừa qua, câu chuyện mở rộng Tân Sơn Nhất cũng đã được tranh luận rất nhiều. Tuy nhiên, báo cáo của ngành giao thông khẳng định công suất tối đa sau khi cải tạo nâng cấp cũng chỉ có thể phục vụ được 25 triệu khách mỗi năm.
Do vậy, ngay cả khi hoàn thành mở rộng, nâng cấp nhà ga, sân đỗ theo quy hoạch này thì đến năm 2017, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã được dự báo sẽ quá tải từ công suất khai thác của đường cất hạ cánh, sân đậu máy bay, nhà ga hành khách lẫn quá tải về vùng trời, hạ tầng giao thông tiếp cận…
Trong khi đó, nếu mọi công việc chuẩn bị suôn sẻ và tiến độ đầu tư được đảm bảo thì cũng phải đến năm 2023, sân bay Long Thành giai đoạn đầu với công suất 25 triệu khách mới đi vào sử dụng.
Thông tin khác liên quan đến đầu tư trong lĩnh vực giao thông vận tải cho thấy có 35 công trình, dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư khoảng 724.939 tỉ đồng, trong đó có khá nhiều dự án gặp vướng mắc về bố trí vốn đối ứng.
Báo cáo trên được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm ngành giao thông ngày 10-9. Theo đó, trong số 35 dự án nói trên, đường bộ có 22 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 477.712 tỉ đồng, đường sắt có bảy dự án với tổng mức đầu tư khoảng 186.298 tỉ đồng, đường thủy nội địa có bốn dự án với tổng kinh phí khoảng 43.503 tỉ đồng, hàng không có hai dự án là Cảng hàng không Phú Quốc và dự án Nhà ga Quốc tế T2 Nội Bài, với tổng kinh phí khoảng 17.427 tỉ đồng.
Gia Minh (DNSGCT)