Nhìn lại thời gian qua, dù có cảng nhà đóng tại Nhật Bản thuộc khu vực Đông Bắc Á, nhưng USS George Washington đã liên tục di chuyển tại vùng biển Đông Nam Á. Hồi đầu tháng, chỉ vài ngày sau khi hiện diện tại vùng biển gần Nhật Bản, chiếc USS George Washington bất ngờ cập cảng viếng thăm Malaysia.
Hàng không mẫu hạm USS George Washington đang trên đường đến vùng biển Đông Nam Á
Với mật độ xuất hiện như thế, hàng không mẫu hạm này dường như đang trở thành một căn cứ quân sự nổi bán thường trực của Mỹ tại vùng biển Đông Nam Á. Mặc dù không được trang bị nhiều vũ khí nhưng tàu sân bay này là một căn cứ không quân di động đích thực khi thường xuyên chở theo hơn 80 máy bay. Trong đó, phần lớn là chiến đấu cơ đa nhiệm F/A-18 Super Hornet nhanh hơn 1,8 lần tốc độ âm thanh, tầm bay 2.300km và có bán kính chiến đấu khoảng 750km.
Trong một diễn biến khác gần đây, Mỹ đã quay lại thiết lập căn cứ hải quân bán thường trực tại cảng Subic của Philippines. Mới đây nhất, bảy tàu chiến Mỹ, trong đó có tàu đổ bộ chở máy bay cùng khu trục hạm và tàu ngầm, cập bến Subic để tham gia tập trận chung với nước chủ nhà. Trong quá khứ, cảng Subic từng thuộc nhóm các căn cứ quân sự hải ngoại lớn nhất của Hoa Kỳ. Cơ sở hạ tầng của cảng Subic cho phép nó trở thành căn cứ cho hầu hết các loại chiến hạm hiện đại nhất. Vì thế, bằng cách hoạt động bán thường trực, Mỹ có thể nhanh chóng điều động tàu chiến từ nhiều nơi để quy tụ về Subic bất cứ khi nào cần thiết.
Ngoại trừ các lực lượng trên, Hoa Kỳ còn hiện diện tại vùng biển Đông Nam Á bằng cách triển khai bốn chiến hạm cận bờ (LCS) đồn trú luân phiên ở Singapore. Vào đầu năm 2013, chiếc đầu tiên trong số này sẽ có mặt tại đảo quốc Sư tử.
Vì vậy, nhờ vào khả năng triển khai linh hoạt và sức tác chiến cao, các chiến hạm Mỹ bán thường trực ở Đông Nam Á giúp Washington hình thành lực lượng hùng mạnh tại đây.
Thiên Nhật