Vào những ngày 4 và 5-9-2015, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm G20 đã họp ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ để xem xét các vấn đề phát triển kinh tế, các triển vọng tăng trưởng và thị trường tài chính… Nhận định chung của hội nghị là hoan nghênh hoạt động tích cực của một số nền kinh tế, nhưng dự đoán là mức tăng trưởng toàn cầu sẽ sụt giảm.
Để cứu vãn tình thế, các thành viên tham dự hội nghị cam kết sẽ có những hành động kiên quyết nhằm củng cố sự hồi phục kinh tế và tin rằng điều này sẽ tiếp tục có những bước tiến vững chắc. Theo nội dung thảo luận tại hội nghị, G20 sẽ theo dõi mức độ phát triển chung và xác định những nguy cơ tiềm tàng nhằm đưa nền tài chính thế giới trở về mức ổn định. Họ cũng hoan nghênh “những kết quả tích cực của Hội nghị Addis Ababa về Tài chính cho Phát triển (FFD)” với việc thực hiện các thỏa thuận được ghi trong Chương trình Hành động Addis Ababa. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho rằng “Thỏa thuận này là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một tương lai bền vững cho tất cả mọi người. Nó cung cấp một khuôn mẫu toàn cầu cho sự phát triển tài chính bền vững”. Ông Ki-moon cũng thêm rằng “Những kết quả đạt được ở Addis Ababa tạo một nền tảng cho sự hợp tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững và sẽ không bỏ ai ở lại đằng sau”.
Nhóm G20 bao gồm 19 nước: Argentina, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) được đại diện bởi Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu. Tổ chức này được thành lập năm 1999 nhằm nghiên cứu, xem xét và cổ xúy việc thảo luận các vấn đề đưa đến sự ổn định tài chính toàn cầu. Nhóm G20 đang nắm giữ 85% tổng sản phẩm thế giới (GWP), 80% doanh số thương mại toàn cầu và hai phần ba dân số thế giới. Họ cũng cung cấp 84% khối lượng dầu hỏa thế giới và đang là một thế lực kinh tế chi phối nhiều mặt của đời sống kinh tế toàn cầu.
Lê Cẩn tổng hợp (DNSGCT)