Sau khi Dòng nhớ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ra mắt bạn đọc, truyện ngắn này đã trở thành tâm điểm săn lùng kịch bản của người làm sân khấu. Diễn viên Hạnh Thúy là người chuyển thể và đạo diễn khá thành công vở diễn cùng tên cách đây vài năm. Đó là một câu chuyện trữ tình nhưng rất khốc liệt của con người miền sông nước. Bản thân truyện ngắn đã chứa đựng bi kịch và những thân phận long đong của con người, đủ sức tạo nên chất liệu chuyển thành tác phẩm sân khấu hay. Nếu như Dòng nhớ của Hạnh Thúy để lại những dấu ấn khốc liệt trong phong cách dàn dựng thì Bao giờ sông cạn của đạo diễn Ái Như lại như một dòng chảy tỉ tê tâm tình, khơi gợi đến tận cùng nỗi buồn và những tự tình của những con người – những thân phận sống vì một chữ “tình”.
Câu chuyện của dòng sông là chuyện của đời người, hay nói đúng hơn, mỗi đời người là một dòng sông. Thà (Hoàng Vân Anh đóng) là người đàn bà gầy gò, nhỏ bé, một mình chèo chống, buôn bán xuôi ngược trên sông. Bà Hai (Xuân Hương đóng) và cậu Út (Thành Hội thủ vai) là hai chị em đã mất hết người thân ở chính dòng trôi, nơi mà cả cuộc đời họ gắn bó. Niềm an ủi duy nhất của họ là còn cậu bé Chờ (Đoàn Thanh Tài đóng). Thề không để sông cuốn đi mất đứa con trai duy nhất của gia đình, hai chị em lên bờ, bỏ nghề sông nước để Chờ được lớn lên, được đi học như bạn bè cùng trang lứa. Mong muốn của gia đình là cho Chờ kết hôn với Mai (Tuyết Thu đóng) như lời hẹn ước với người bạn ân nhân năm xưa. Mai từ bé lớn lên bên cạnh Chờ nên cũng rất thương Chờ, chỉ mong đến ngày cùng Chờ kết thành đôi. Điều trớ trêu là Chờ chỉ coi Mai như người bạn thân thiết vì trái tim anh đã trao cho Thà. Anh yêu Thà vì chính nỗi vất vả của kiếp người lênh đênh trên sông nước. Sự vạm vỡ và trái tim nồng nhiệt của Chờ như là mái chèo giúp Thà mạnh mẽ vượt qua sóng cả. Đêm mưa giông bão mà Thà chuyển dạ sinh con cũng là đêm mưa bão Chờ trốn khỏi đám cưới với Mai, chèo xuồng đi xa cùng Thà. Kịch tính của vở diễn đã dâng lên ngay từ những phút đầu tiên. Bản lĩnh diễn xuất và cảm hứng cho cả người diễn và người xem cùng lúc được đẩy mạnh và tiến triển rất nhanh. Từ đó, mỗi dòng chảy trong đời sống tinh thần của từng nhân vật mang lại cho người xem những ngã rẽ khác nhau, khi êm đềm, lúc xiết xoáy. Vở diễn không có nhân vật độc ác hay phản diện mà nỗi đau cứ chồng chất nỗi đau. Con người trong vở toàn sống bằng chữ “tình” mà sao cảnh đời vẫn nghiệt ngã. Đó chính là bài toán khó giải đặt ra trước tác giả Hạnh Thúy và đạo diễn Ái Như.
Thà của Hoàng Vân Anh là một cô gái yếu đuối, chỉ biết giật lùi khi cuộc đời gặp trắc trở. Yêu Chờ và xứng đáng có cuộc đời hạnh phúc bên chồng con, nhưng Thà lại mặc cảm mình là người đàn bà sinh con mà không được cưới xin nên cô cứ thụt lùi với mặc cảm tội lỗi. Thà bị người ta cướp con, giành mất chồng mà vẫn cứ tự chịu đau, chịu thiệt vì chữ “tình”: tình với người mình yêu và tình thương con. Cô tự an ủi: “Thôi thì cứ để người ta nuôi mà thằng bé được sống trên bờ, cho nó được đi học”. Hằng năm, cô đến neo đò ở bến có ngôi nhà đã cướp đi hạnh phúc của mình. Tại bến đỗ đó, Thà được thấy con, được thoáng thấy chồng. Cái chữ “tình” của Thà thật buồn. Ở dòng chảy ấy một Vân Anh nhỏ nhoi với nét diễn thật mộc, thật giản dị đủ làm nhói lòng khán giả.
Mai là một người vợ cả đời chịu sự hờ hững của chồng. Đó là vai diễn buồn đầy tâm trạng của Tuyết Thu. Với dáng người gầy, gò má cao, đôi mắt to, lúc nào cũng như chứa đầy khắc khổ, Tuyết Thu vào vai Mai nhuyễn từ hình hài đến tính cách. Dù có được tấm chồng, là nàng dâu thơm thảo, được nhà chồng yêu quý, nhưng Mai chẳng bao giờ có được hơi ấm của tình yêu. Ở bên Mai nhưng Chờ đã thả trái tim theo con đò của người mình yêu. Tuyết Thu diễn bằng sự dồn nén cảm xúc thật mạnh mẽ, đến độ gây ám ảnh cho người xem. Hình ảnh có ấn tượng mạnh nhất – một dấu ấn táo bạo của đạo diễn Ái Như là Mai trong bộ váy cưới cầm đèn đi dọc bờ sông gọi chồng trong đêm giông bão. Tư Mắm dù có nồng nhiệt đến mấy cũng chẳng thể nào lôi kéo được người đàn ông đơn độc gàn bướng. Bà Hai vốn cả một đời tần tảo chăm chút con, cứ tưởng mình giữ được hạnh phúc cho con, nhưng nào ngờ lại làm khổ con và khổ cả mình. Chữ “tình” như sai bến đậu!
Để chia sẻ thấu đáo chữ “tình”, đạo diễn Ái Như đã tìm cho vở diễn một lối đi thật sâu, thật chậm, đi vào những biến cố của đời người. Mỗi diễn viên phải diễn bằng nỗi đau như nỗi đau của chính mình. Trước những va chạm tinh thần của các nhân vật rát như bị xát muối, khán giả thấy được những nỗi khổ tâm từ chiều sâu của chữ “tình”. Không ai ác, không ai tham nhưng sao người ta vẫn khổ? Mới thấy thấm thía lời ông Út nói: “Dòng sông không bao giờ cạn, chỉ có lòng người cạn, liệu mà ăn ở với nhau”! Khi mâu thuẫn nảy sinh từ chữ “tình” thì giải quyết nó cũng phải bằng chữ “tình”. Đây là điểm son thơm thảo của vở kịch, dù có thể nhiều khán giả vẫn chưa cảm thấy thỏa đáng trong phần kết. Đợi – con của Chờ (Hùng Thuận thủ vai) chống xuồng đưa mẹ Thà đi tìm bến đợi khác. Mai ở lại với Chờ. Ông Hai đón nhận tình cảm với Tư Mắm. Mọi người hiểu lòng nhau và chia sẻ hạnh phúc cho nhau. Dòng chảy lòng người đã hợp nhất.
Vở diễn không chỉ chinh phục khán giả bằng nội dung, mà còn bởi nhiệt huyết lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ. Hoàng Vân Anh – một gương mặt trẻ của sân khấu Hoàng Thái Thanh, lâu nay được chọn đóng nhiều vai chính, nhưng đây là vai khó nhất của cô. Cô phải trải qua những cảnh đau đẻ, bị cướp con – những nhọc nhằn quá lớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Chờ là vai chính đầu đời của Đoàn Thanh Tài và anh đã vào vai khá chững chạc, thể hiện thành công những giằng xé nội tâm khi phải dứt áo với vợ con để về nhà vì mẹốm nặng hay khi chịu nỗi trớ trêu một bên là mẹ, một bên là vợ. Với chất giọng ấm, có sắc thái tình cảm rõ nét và ngoại hình khá chuẩn, Đoàn Thanh Tài là một hy vọng cho sân khấu chính kịch. Ở phần sau của vở kịch, Tài sống trong cảnh về già, lúc này vai Thà do Ái Như diễn. Sự đằm sâu và tinh tế trong cách diễn của Ái Như có phần nào tạo độ chênh so với diễn xuất của Tài, nhưng chính cái ngập ngừng có phần hơi non của anh bên cạnh Ái Như lại tạo ra sự lúng túng đáng có cho hoàn cảnh khó gỡ của Chờ trước tình cảnh hai người đàn bà đều thương mình.
Tư Mắm không phải là vai hài có tính cách đầu tiên của Tuyết Mai. Khán giả sân khấu Hoàng Thái Thanh đã rất thích cách diễn hài của cô trong những vở trước. Tư Mắm là một người đàn bà thật thà, bộc trực quá nên có phần hơi lố. Thế nhưng Tuyết Mai tạo ra cái duyên trong một vai tưởng như vô duyên. Khán giả cười vui dẫu biết cô “tung chiêu trò” gây cười mà không bị phô. Chính cô lại làm nổi lên tính cách chân chất, mộc mạc mà hơi gàn của ông Hai Thành Hội, tạo nên sự cân bằng cho một vở diễn đã lấy đi quá nhiều nước mắt của khán giả. Xem cặp đôi hài Tuyết Mai – Thành Hội, khán giả nhận thấy ngay sự chừng mực trong diễn xuất của Thành Hội để tạo điều kiện cho học trò có cơ hội tung hứng ngoạn mục. Vai bà Hai của Xuân Hương là một điểm son cho diễn xuất nhà nghề. Khán giả vốn quen một Xuân Hương diễn hài, nay vào vai bi có tính cách, chị diễn bằng sự trải đời khá thú vị.
Đạo diễn Ái Như đã đưa vài ca khúc của Trịnh Công Sơn làm điểm nhấn cho vở kịch. Những thân phận con người trong nhạc Trịnh dường như có trong sẵn trong mỗi người. Trong những hoàn cảnh cụ thể của nhân vật, dường như nhạc không thể gắn kết vào nhân vật, cứ độc lập trong cảm xúc nghe, trong khi những màn sau, nhạc không lời lại tỏ ra rất hiệu quả.
Bao giờ sông cạn cho khán giả nhận thấy một thực tế là trong xu thế sân khấu phải chiều theo thị hiếu giải trí hiện nay, để làm được một vở chính kịch đúng nghĩa, sự hy sinh và lao động của cả tập thể nghệ sĩ quả thật rất lớn.
Việt Nga (DNSGCT)